• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người nuôi cá chình gặp khó khăn do dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 19/09/2017
Ngày cập nhật: 21/9/2017

Từ đầu năm 2017 đến nay, cá chình nuôi của hàng chục hộ dân ở xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bị bệnh chết khá nhiều khiến nhiều hộ thiệt hại nặng. Cũng trong thời điểm khó khăn này, một số hộ đã “chữa cháy” bằng cách nuôi thêm loại cá mới là cá leo với mục đích “lấy ngắn nuôi dài”.

Người nuôi cá chình ở xã Hải Tân chuyển qua nuôi cá leo để kiếm thêm thu nhập

Hải Tân là một trong những xã có số hộ nuôi cá chình lồng lớn nhất ở Hải Lăng. Toàn xã có 42 hộ tham gia nuôi cá lồng trên sông Ô Giang (thôn Hà Lỗ có 18 hộ, Văn Trị 17 hộ và Câu Nhi 7 hộ), trong đó hơn 2/3 số lồng nuôi cá chình. Ông Phạm Tài Kiểm, cán bộ khuyến nông- khuyến lâm xã Hải Tân cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay khoảng trên 60% lồng cá chình nuôi của người dân bị nhiễm bệnh với triệu chứng xuất huyết đường ruột. Bị bệnh nặng thì cá chết dần dần, bị nhẹ thì cá phát triển chậm.

Ông Kiểm cho biết, sau khi xảy ra dịch bệnh, cán bộ trạm khuyến nông huyện có vào kiểm tra tình hình. Tuy nhiên có thông tin các hộ dân nuôi phải chi phí kinh phí lấy mẫu đưa đi xét nghiệm để biết chính xác bệnh nhằm có hướng điều trị nên người dân đang phân vân. “Đợt dịch bệnh này đã làm sản lượng cá chình nuôi trong toàn xã sụt giảm nghiêm trọng. Nếu như năm ngoái toàn xã xuất bán được 4,8 tấn, đạt giá trị gần 3 tỷ đồng thì năm nay sụt giảm chỉ còn 50%. Dịch bệnh không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn khiến nhiều hộ nuôi thiếu vốn để đầu tư nuôi trở lại”, ông Kiểm cho hay.

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Phạm Văn Tin, một trong những hộ nuôi cá chình lồng lâu năm tại thôn Văn Trị. Anh Tin cho biết, vụ cá chình vừa qua anh nuôi 1 lồng cá, đầu tư 20 triệu tiền con giống. Tuy nhiên mới nuôi được vài tháng thì cá đồng loạt bị xuất huyết đường ruột, toàn thân nổi tấy đỏ rồi chết dần. “Những năm trước đây cá chình cũng đã bị bệnh như thế này nhưng mật độ, số lượng chết ít hơn. Nhưng năm 2017 này bệnh xảy ra làm cá chình nuôi của gia đình tôi chết hàng loạt, coi như mất vốn, không có khả năng đầu tư trở lại vụ tới vì tiền giống quá đắt (750.000 đồng/kg giống). Mà có gắng vay mượn tiền mua giống nuôi trở lại cũng lo vì dịch bệnh đang diễn ra nhưng chưa được xử lý dứt điểm”, anh Tin lo lắng nói.

Cuộc sống chủ yếu dựa vào nuôi cá chình trên sông Ô Giang, gia đình anh Tin cũng như nhiều gia đình khác hiện nay gặp nhiều khó khăn, thiệt hại vì dịch bệnh đang diễn ra. Anh Võ Văn Vũ ở thôn Hà Lỗ nói thêm: “Không hiểu sao mấy năm trở lại đây cá chình nuôi rất hay bị bệnh xuất huyết đường ruột. Mỗi lần bị bệnh là coi như lỗ vốn. Nhiều người cho rằng có thể do nguồn nước sông bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật từ đồng ruộng thải ra hoặc nguồn nước sông ô nhiễm phía trên chảy về gây phát sinh bệnh cho cá chình…”.

Trước việc nuôi cá chình ngày càng gặp rủi ro cao hơn, anh Tin, anh Vũ là một trong những hộ đầu tiên ở xã Hải Tân tìm hiểu và nuôi giống cá leo để “chữa cháy”, cải thiện thu nhập. “Cá leo là loài cá dễ nuôi, lớn nhanh, ăn tạp, nuôi tương tự như cá chình. Chỉ khoảng 2,5 tháng là xuất bán được với trọng lượng đạt từ 1- 2kg/con. Cá này mỗi lứa giống trị giá bình quân 1,5 triệu (1 lồng diện tích từ 6-8 m2 ) đồng thì bán được 8 triệu đồng (mỗi cân cá leo bán ra khoảng 125.000 đồng). So với cá chình thì cá leo có giá trị kinh tế thấp hơn nhiều, nhưng trong lúc khó khăn thế này chúng tôi đành phải nuôi để lấy ngắn nuôi dài, đợi một thời gian sẽ tiếp tục trở lại nuôi cá chình”, anh Tin và anh Vũ chia sẻ.

Nhiều hộ khác thì chuyển qua nuôi một số loại cá nước ngọt khác như cá trắm cỏ, mè… để tạm thời thay thế cá chình nhằm tạo thu nhập. Một số hộ không đủ vốn đầu tư nuôi cá đành treo lồng bỏ không, tìm kiếm việc khác làm tạm thời. “Nguyện vọng của người nuôi cá chình lồng là cơ quan chức năng hỗ trợ xác định nguyên nhân chính xác cá chình bị bệnh gì và giúp đỡ khâu xử lý để họ yên tâm nuôi. Đối với thiệt hại trong năm 2017 này, người nuôi cá chình mong muốn được cấp trên xem xét, hỗ trợ phần nào tiền giống để trở lại nuôi nhằm ổn định cuộc sống”, ông Phạm Tài Kiểm nói.

Hiếu Giang

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang