• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Con ốc “lên ngôi”

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 04/09/2017
Ngày cập nhật: 5/9/2017

Ốc được xem là món ăn dân dã của những người lao động vùng nông thôn. Ốc khá dễ tìm ở các cánh đồng, kênh, ao… nên với người dân quê, hễ đi làm đồng về, chỉ cần bắt vài chục con là có thể chế biến thành món ốc kho sả ớt, vừa đầy đủ chất dinh dưỡng vừa ngon cơm.

Thế nhưng, giờ đây nhiều người nói vui rằng, ốc đã trở thành món ăn dành cho giới nhà giàu và người dân nơi phố thị, bởi giá khá cao, so ra giá 1kg ốc tương đương vài kg lúa chất lượng cao. Sở dĩ ốc đội giá và khan hiếm là do tác động của môi trường sống tự nhiên và việc sản xuất thâm canh, tăng vụ, kèm theo đó là việc sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học đã tiêu diệt sự sinh sống của các loài ốc trên các cánh đồng lúa hay dọc theo tuyến kênh. Thêm vào đó là sự “xâm lấn” của sinh vật ngoại lai là ốc bươu vàng đã “thuần hóa” ốc tự nhiên thành chủng loài của chúng nên ốc lác, ốc bươu suy kiệt dần.

Kế Sách (Sóc Trăng) là một trong các địa phương được xem là “lãnh địa” của các loại ốc. Dọc theo tuyến đường Nam Sông Hậu, nhiều hộ bán trái cây đều có kèm theo bán ốc nên được nhiều khách hàng, đặc biệt là người qua đường ghé mua. Bà Mỹ Dung, ở thị trấn An Lạc Thôn chia sẻ: “Có con đường lớn chạy ngang nhà, tôi đem trái cây ra bán. Khách mua trái cây đôi khi họ cũng hỏi tìm mua ốc về ăn, vì nghe họ nói con ốc ở Kế Sách ăn rất ngon nên tôi bắt ốc trong vườn mang ra bán”. Chỉ đơn giản vậy thôi mà bà Dung có thêm nghề mới bán thêm các loại ốc, số lượng bình quân từ 20 - 30kg ốc/ngày, với mức giá dao động từ 12.000 đồng - 30.000 đồng/kg tùy loại, cho lợi nhuận mỗi ngày vài trăm ngàn đồng.

Ốc được thu mua và phân loại theo từng kích cỡ trước khi đóng thùng chuyển lên máy bay ra Hà Nội.

Nếu như bà Dung bán buôn ốc nhỏ lẻ, thì tại cơ sở thu mua của chị Nguyễn Thị Ngân, ngụ ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội ốc được mua số lượng lớn nhằm đưa đi nhiều địa phương như TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Hà Nội… Trao đổi với chúng tôi, chị Ngân kể: “Công việc trước giờ của vợ chồng tôi chủ yếu làm ruộng, làm vườn nên chưa từng nghĩ tới việc kinh doanh, buôn bán. Nhưng có người chị ở Hải Phòng nhờ mình thu mua ốc chuyển ra đó để chế biến phục vụ nhu cầu khách du lịch, ban đầu thu gom ốc chỉ 10 - 20kg, gởi theo xe hàng, mất nhiều thời gian, ốc chết hơn 50% khi vận chuyển tới nơi nên chị không nhờ nữa”.

Cũng theo chị Ngân, sau khi nghỉ mua ốc, có nhiều mối quen cứ đem ốc tới bán, thế là vợ chồng chị nảy sinh ý định mở cơ sở thu mua ốc của bà con địa phương và tìm hiểu thị trường tiêu thụ tại TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh. Lượng hàng xuất bán ở 2 thành phố này bình quân khoảng 400 - 500kg/ngày, trong khi lượng ốc thu mua lên đến cả tấn/ngày. Để giải quyết hết số ốc thu mua trong ngày, chị Ngân đã chuyển ốc ra bán tận Hà Nội và để vận chuyển ốc nhanh nhất cũng như đảm bảo con ốc tươi ngon tới người tiêu dùng, toàn bộ số ốc được đóng thùng cẩn thận và được chuyển bằng đường hàng không.

Chị Ngân phấn khởi cho biết thêm: “Tôi thu mua ốc từ lúc 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, sau đó phân loại ốc lớn nhỏ, cho vào thùng xốp theo số lượng 20 - 100kg. Tôi phải có mặt tại sân bay Cần Thơ trước 3 giờ chiều để đưa hàng lên máy bay ra Hà Nội. Số ốc xuất đi Hà Nội từ 1,5 - 2 tấn/ngày, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận thu về rất khá. Tới đây, lượng ốc bán tại thị trường Hà Nội sẽ tăng lên 1 tấn/ngày, bởi tôi đang có thêm nhiều mối đặt hàng sẽ giúp cơ sở thu mua và người nông dân tăng lợi nhuận, ổn định cuộc sống từ nguồn thu nhập nhờ con ốc đồng”.

Với nhu cầu như trên có thể thấy, con ốc đồng đang thịnh hành trong các nhà hàng, quán ăn. Nếu thuận tiện người dân có thể phát triển mô hình nuôi ốc vì không tốn chi phí thức ăn, ốc chủ yếu ăn các loại rong rêu hay lá cây. Điều phấn khởi nhất là đầu ra và giá cả rất ổn định vì con ốc đã trở thành đặc sản với nhiều món độc đáo, như: ốc nướng muối tiêu, ốc nấu tiêu, ốc nấu chuối xanh, cà ri ốc, gỏi ốc…

Thúy Liễu

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang