• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: Nuôi cá lồng an toàn trong mùa mưa bão

Nguồn tin: Báo Nam Định, 18/08/2017
Ngày cập nhật: 20/8/2017

Nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng trên sông tại một số huyện như Mỹ Lộc, Xuân Trường, Ý Yên (Nam Định) phát triển nhanh chóng, mở ra một hướng đi mới hiệu quả trong nuôi thủy sản nước ngọt, góp phần tăng năng suất, sản lượng thủy sản nuôi. Mặc dù vậy, do đặc thù phương thức sản xuất nên đây cũng là nghề phải đối diện với nhiều rủi ro bởi ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Chính bởi vậy nên Sở NN và PTNT cũng như người nuôi luôn phải chủ động phòng, chống để đảm bảo an toàn nuôi cá lồng trong mùa mưa bão.

Nông dân Thị trấn Xuân Trường chăm sóc đàn cá trong lồng nuôi.

Toàn tỉnh hiện có 200 lồng cá trên các sông, trong đó xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) có 112 lồng; xã Xuân Châu, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) có 56 lồng và xã Yên Nhân (Ý Yên) có 32 lồng. Tất cả số lồng cá trên đã được các cơ quan chức năng cấp giấy phép, hoạt động nuôi thả nằm trong sự quản lý chặt chẽ của Sở NN và PTNT nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả cũng như an toàn giao thông đường thủy, không vi phạm vào luồng tàu chạy và hệ thống tuyến cứu hộ. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão người nuôi cá lồng không khỏi thấp thỏm, lo âu. Còn nhớ trong cơn bão số 1 cuối tháng 7 năm 2016 đã làm 79 lồng nuôi thủy sản bị vỡ. Nhiều hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại toàn bộ, các lồng cá bị đánh chìm, thất thoát khá nhiều cá. Nguyên nhân được xác định là do các hộ nuôi không lường hết được khả năng có bão mạnh, việc chằng chống lồng bè, kể cả việc liên kết giữa các lồng còn hạn chế. Mùa mưa bão thường bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến hết tháng 10 dương lịch. Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, trong khoảng thời gian này, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đối với sản xuất, các hộ nuôi cá lồng cần thường xuyên quan sát các dấu hiệu thiên nhiên, khi thấy môi trường nước đục, cá kém ăn và bơi lội chậm cần cung cấp ô-xy bằng máy sục khí, thường xuyên vệ sinh lồng để luôn đảm bảo thông thoáng, cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cá tăng sức đề kháng. Vào thời gian có mưa bão, người nuôi cần giảm lượng thức ăn để tránh làm ô nhiễm môi trường nước dẫn đến thiếu ô-xy, cá kém phát triển, thậm chí chết. Nhằm tạo sự an toàn và phát triển lâu dài cho nghề nuôi cá lồng, các hộ dân tự lắp đặt hệ thống lồng nuôi có khung sắt không gỉ, phao nâng bằng thùng phuy nhựa. Các lồng cá được neo cẩn thận với cọc cố định trên bờ, khi có diễn biến xấu về thời tiết có thể di chuyển về vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy xiết. Thường xuyên kiểm tra, tu sửa lồng bè, vệ sinh, tẩy dọn lồng để đảm bảo nước lưu thông và môi trường trong sạch; gia cố hệ thống dây neo, phao lồng. Trong trường hợp không thể di chuyển được thì người nuôi có thể hạ độ sâu của lồng để giảm bớt tác động của sóng, gió. Ngoài ra người nuôi cũng cần thường xuyên kiểm tra dây neo, mối hàn, điểm nối để gia cố lại cho chắc chắn, đặc biệt là lưới xung quanh lồng, đáy lồng, lưới chắn mặt lồng để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau mưa bão phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước để có điều chỉnh phù hợp. Ngay từ đầu tháng 6, ông Nguyễn Văn Thơi, một người nuôi cá lồng ở Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) đã mua thêm dây, mỏ neo, các vật liệu để gia cố lồng, các thành ngăn giữa các lồng nuôi. Ông Thơi mới nuôi cá lồng từ năm ngoái, hiện ông đang có 6 lồng nuôi cá diêu hồng, cá trắm, cá lăng, cá chép… Ông chia sẻ: “Nhận thấy hiệu quả từ nhiều mô hình nuôi cá lồng nên tôi đã mạnh dạn thực hiện. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên tôi phải chuẩn bị đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của các cán bộ thủy sản để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra khi mưa bão. Trước mắt, khi nước dâng cao, rác thải từ nhiều nơi đổ về, mắc vào lồng cá, tôi phải thường xuyên dọn vớt để tránh gây ảnh hưởng đến đàn cá. Bên cạnh đó, tôi chú trọng theo dõi mực nước, thời tiết để chủ động các biện pháp phòng, chống cho sức khỏe của đàn cá”. Sau những tổn thất nặng nề từ cơn bão số 1 năm 2016, Sở NN và PTNT đã rút ra nhiều kinh nghiệm để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra các điểm nuôi cá lồng trong tỉnh. Ngoài vấn đề gây xê dịch các lồng nuôi, một nguy cơ khác có thể gây ảnh hưởng đến môi trường nuôi như lượng nước lớn làm thay đổi đột ngột hàm lượng ô-xy khiến cá dễ bị ngạt. Do vậy các cơ quan chức năng có công văn hướng dẫn chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền đến các hộ nuôi cá lồng phải thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, quan sát môi trường nước để có biện pháp phòng bệnh cho cá. Tích cực chăm sóc, nuôi thả với mật độ thưa giãn, tránh sử dụng thức ăn tươi sống, định kỳ phòng bệnh giúp cá sinh trưởng tốt, tranh thủ thu hoạch rải khi cá đủ kích cỡ để hạn chế tối đa rủi ro và tăng vụ nuôi mỗi năm.

Nuôi cá lồng trên sông đã chứng minh được hiệu quả sản xuất nên đây được xác định là một trong những hướng phát triển của ngành nuôi thủy sản của tỉnh. Để duy trì nghề, người nuôi cần quan tâm thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão để bảo vệ thành quả sản xuất, giảm tổn thất do thiên tai./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang