• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của toàn dân

Nguồn tin: Báo An Giang, 15/08/2017
Ngày cập nhật: 16/8/2017

Thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, quy định về việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, song, tình trạng ngư dân dùng ngư cụ bị cấm như xung điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản. Do đó, cần phải nâng cao trách nhiệm của toàn dân trong khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Khai thác cá mùa lũ đúng quy định sẽ duy trì được nguồn lợi thủy sản lâu dài. Ảnh: Minh Hiển

Hiện nay, ở các địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia như: TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, An Phú, Tịnh Biên, nhiều hộ dân không tuân thủ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp trong khai thác thủy sản mùa lũ, họ đã lén lút mang đại đường ven (còn gọi là lú) giăng đầy đồng để bắt cá. Bình quân mỗi lú có chiều dài từ 800 - 1.200m, cá biệt có lú lên đến 1.500m đã đánh bắt hết các loại cá có mặt trên đồng (trong thời điểm này). Việc làm này trái với quy định trong khai thác thủy sản vào đầu mùa lũ. Cụ thể, thời gian qua, tỉnh đã có văn bản khuyến cáo ngư dân không được đóng đáy đánh bắt cá trong thời gian từ ngày 1-6 đến 31-8-2017. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn lén lút khai thác, ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên. “Mùa lũ là mùa kiếm ăn. Dân vùng này mùa lũ rất ít việc làm, vì vậy chỉ trông chờ vào đây kiếm sống. Làm nghề đánh bắt cá mùa lũ, chỉ cần đánh bắt sớm hơn nửa tháng cá còn có giá, chứ sau đó cá nhiều, sẽ rớt giá, đánh bắt được nhiều chứ tiền không bao nhiêu, vì vậy đành phải lén lút làm vào lúc này để kiếm sống…” - ông N.V.T (xã Phú Hữu, An Phú) chia sẻ. Ông T. cho biết, 3 năm nay nước lũ thấp, nhiều hộ chuyên sống với nghề đánh bắt cá mùa lũ đã chuyển nghề, đi làm ăn xa. Ít người đánh bắt, vì vậy thời điểm này cá linh non rất có giá.

Khai thác nguồn lợi thủy sản trái với quy định, chỉ mang lại lợi nhuận cho cá nhân nhưng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cộng đồng xã hội. Lú là một phương tiện đánh bắt tận diệt. Cá trên đồng men theo lưới phải lội hết vào rọ và chui vào lú. Hiện nay, ngoài cá linh, nhiều loại cá khác theo con nước lên đồng để sinh sản, vì vậy dùng phương tiện đánh bắt mang tính tận diệt sẽ làm cho nguồn lợi thủy sản ngày một cạn kiệt. Khảo sát ở các địa phương trên cho thấy, hiện nay trong các phương tiện đánh bắt cá mùa lũ, ngoài lú còn có hình thức đánh bắt bằng xung điện như sử dụng xuyệt nóng hoặc xuyệt lạnh. Đây là loại ngư cụ bị cấm sử dụng, tuy nhiên do việc thực thi pháp luật không nghiêm, nhiều người vẫn sử dụng loại ngư cụ này để khai thác cá trong lũ. Tùy theo việc sử dụng đánh bắt cá để ăn hay bán mà ngư dân trang bị xuyệt loại mạnh hay nhẹ. Nhiều hộ làm nghề ghe cào, vì muốn đánh bắt được nhiều cá đã sử dụng cả dynamo phát điện để đánh bắt. Cá bị điện giựt, lọt vào lưới thì bắt được. Đối với cá bị điện giựt mà không lọt vào lưới, chúng sẽ bị yếu, giảm khả năng sinh sản hoặc bị tàn tật. “Xuyệt nóng chuyên đánh bắt các loại cá có vảy, xuyệt lạnh chuyên đánh bắt các loại cá da trơn. Tùy theo công suất phát ra, giá tiền của mỗi xuyệt có giá từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/cái. Thị trường hiện nay rất dễ tìm mua. Mua qua sự quen biết hoặc mua qua mạng Internet cũng được…”- anh T.V.Ơ (xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Thiên nhiên không còn “hào phóng” ban tặng cho con người nhiều tôm, cá như xưa, vì vậy việc khai thác nguồn lợi thủy sản cần phải đúng quy định

Gia đình anh Ơ. có 5 người (vợ chồng và 3 người con). Ngoài thời gian làm mướn cho hàng xóm, anh nuôi sống gia đình bằng việc đi xuyệt cá rồi mang ra chợ bán để sinh sống, bình quân mỗi đêm đi xuyệt anh kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng. “Tôi vẫn biết rằng “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” nhưng vì gia đình tôi quá nghèo, không đi xuyệt thì biết làm nghề gì để sinh sống trong lũ. Trong bối cảnh này đành phải làm vậy chứ biết làm gì hơn…” - anh Ơ. chia sẻ.

Không thể đổ lỗi cho “cái nghèo” mà người dân cứ phải sử dụng các loại ngư cụ cấm để đánh bắt thủy sản. Ngoài việc nâng cao ý thức của cộng đồng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm ra, kiểm soát để giải thích, khuyến cáo người dân tuân thủ những quy định của pháp luật. Cần làm cho người dân hiểu rằng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của toàn dân, có vậy thì việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản mới được thực thi một cách nghiêm túc.

“Chi cục Thủy sản An Giang vừa tổ chức chuyến đi khảo sát thực tế ở các địa phương trong tỉnh để xem việc khai thác nguồn lợi thủy sản của ngư dân trong đầu mùa lũ. Kết quả từ cuộc khảo sát này cho thấy, năm nay nước nhiều, hiện cá linh non trên sông đã lớn hơn kích thước quy định (trên 50mm), vì vậy chúng tôi đang làm đề xuất với ngành để ngành tham mưu cho UBND tỉnh rút ngắn thời gian cho khai thác cá linh đầu mùa để ngư dân được đánh bắt sớm, thay vì phải chờ đến ngày 1-9-2017 mới được xuống đáy…”- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trần Phùng Hoàng Tuấn chia sẻ.

Minh Hiển

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang