• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cà Mau: Tạo đột phá cho nghề nuôi tôm

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 14/08/2017
Ngày cập nhật: 16/8/2017

Mặc dù sản lượng tôm nuôi những tháng đầu năm có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, song chưa đạt so với mục tiêu đề ra. Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng khẳng định, ngành sẽ tập trung chỉ đạo thống nhất các giải pháp từ tỉnh đến tận người dân để tạo bước đột phá cho nghề nuôi tôm từ đây đến cuối năm.

Đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn giữ ổn định ở con số khoảng 278.000 ha. Trong đó, tiêu biểu là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển khá nhanh, đạt gần 400 ha, với năng suất bình quân trên 22 tấn/vụ/ha. Đây là hướng đi hứa hẹn tạo đột phá cho ngành tôm Cà Mau.

Triển vọng tôm nuôi siêu thâm canh

Với mục tiêu tạo đột phá về sản lượng, năm 2017, tỉnh phấn đấu đạt khoảng 500 ha nuôi tôm siêu thâm canh, mang về sản lượng khoảng 10.000 tấn. Từ nền tảng đó, phấn đấu đến năm 2020, sản lượng đạt 22.000 tấn và đến năm 2030, đưa tổng diện tích nuôi lên 2.000 ha, năng suất nâng lên 25 tấn/ha, sản lượng đạt 50.000 tấn trong tổng số 415.000 tấn tôm của cả tỉnh.

Loại hình nuôi tôm thâm canh truyền thống mang lại hiệu quả chưa cao và chỉ có khoảng 45% diện tích ao nuôi được thả giống.

Ông Châu Công Bằng đánh giá, mục tiêu này hiện khá khả quan, bởi hiện nay tỉnh đã có 2 quy trình nuôi do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (đã được chứng nhận) và Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, người dân có nhiều cải tiến 2 quy trình trên cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Hiện tại, 2 quy trình nuôi này được đánh giá khá phù hợp và mang lại nhiều ưu điểm với tỷ lệ thành công trên 80%. Cụ thể, quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước theo công nghệ của Công ty Trúc Anh có ưu điểm là diện tích các công trình phụ trợ không lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường do ít thay nước; chỉ sử dụng vi sinh nên sản phẩm không bị nhiễm kháng sinh, hoá chất. Đến nay, công ty đã ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật nuôi cho 7 HTX với 24 hộ nuôi, tổng diện tích 11,76 ha theo loại hình siêu thâm canh.

Ngoài ra, quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty CP có ưu điểm là tôm tăng trưởng nhanh do thay nước liên tục với tỷ lệ thay nước lớn.

Nói về loại hình nuôi tôm siêu thâm canh, ông Bằng cho biết thêm, điều đáng mừng là hiện nay đã xuất hiện một số mô hình liên kết, hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp với người nuôi theo hình thức doanh nghiệp hỗ trợ người nuôi tiếp cận vốn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư đầu vào. Hiện toàn tỉnh có 49 HTX thuỷ sản. Từ đầu năm đến nay, có 8 doanh nghiệp ký kết 27 lượt hợp đồng liên kết với 8 HTX và 1 THT.

Tiêu biểu như Công ty Việt Mỹ đầu tư 100% vốn và trực tiếp điều hành sản xuất để ăn chia lợi nhuận đối với hộ không còn vốn tái sản xuất; đầu tư một phần hoặc bảo lãnh cho dân vay vốn để sản xuất, phía công ty hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp vật tư đầu vào.

Bên cạnh đó, Công ty Chánh Diện cũng đang áp dụng hình thức này đối với hộ không còn vốn. Ngoài ra, còn trích một phần chiết khấu của công ty để hỗ trợ dân. Một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản như Minh Cường, Thanh Đoàn cũng đang triển khai kế hoạch hợp tác với dân theo hình thức trên.

“Bước đầu các mô hình đã có hiệu quả tốt, có thể phát triển thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tôm”, ông Bằng nhận định.

Mặc dù năng suất, tỷ lệ thành công cao, song, việc nhân rộng trong dân gặp không ít khó khăn. Anh Nguyễn Văn Đa, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, cho biết, anh đã đi tham quan và dự nhiều buổi tập huấn kỹ thuật, nhưng đến nay vẫn chưa dám quyết định đầu tư. Một phần do còn thiếu vốn, phần do thấy kỹ thuật đòi hỏi cao, diện tích rộng… nên còn lưỡng lự.

Tạo mọi điều kiện để ngành tôm phát triển bền vững

Không chỉ tôm siêu thâm canh mà cả mô hình bán thâm canh và thâm canh cũng cho thấy có nhiều chuyển biến về năng suất, sản lượng. So với trước, đến nay mô hình nuôi tôm sú thâm canh tăng gần 10 lần, nuôi tôm thẻ thâm canh tăng gần 20 lần so với nuôi theo quảng canh cải tiến, góp phần tăng thêm khoảng 30% sản lượng tôm nuôi của tỉnh. Bên cạnh đó, một số mô hình khác như: nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp… cũng đang được ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo phát triển, nâng cao năng suất.

Ông Châu Công Bằng thông tin, ngành đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp để tạo đột phá cho ngành tôm từ đây đến cuối năm cũng như những năm tiếp theo. Trong đó, khẩn trương triển khai các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án đã được duyệt. Theo đó, tập trung rà soát, xác định những quy hoạch trọng tâm, trọng điểm và những khâu mũi nhọn, có vai trò đột phá như: xác định khu vực nuôi tôm thâm canh tập trung quy mô lớn dọc theo tuyến của Công ty N.G Việt Nam đến Công ty Việt Úc, tuyến Sông Đốc - Mỹ Bình... hay như khu sản xuất thuỷ sản công nghệ cao, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

Để nghề nuôi đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, ông Bằng nhấn mạnh: “Ngành tập trung chỉ đạo sản xuất nhưng tuyệt đối phải gắn với bảo vệ môi trường, nhất là đối với loại hình nuôi siêu thâm canh”.

Theo đó, cụ thể từng quy trình nuôi sẽ có những quy định cụ thể về điều kiện bảo vệ môi trường. Đối với hộ có kế hoạch chuẩn bị nuôi, phải đảm bảo đủ điều kiện mới cho phép nuôi. Đối với những hộ đã nuôi, sẽ tiến hành rà soát, đối chiếu và yêu cầu bổ sung các điều kiện đúng quy định mới được tiếp tục nuôi...

Ngoài ra, ngành nông nghiệp có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương hỗ trợ người dân trong tiếp cận vốn, cung ứng điện phục vụ sản xuất, tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, vật tư thuỷ sản, hỗ trợ trong chế biến và xuất khẩu thuỷ sản… để nghề nuôi tôm không chỉ phát triển nhanh mà còn bền vững./.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành ngư - nông - lâm nghiệp giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp giai đoạn 2017-2020 bình quân hằng năm đạt khoảng 4%; giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân đạt khoảng 4,1%; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân đạt khoảng 4,2%. Đồng thời, theo Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, dự kiến giai đoạn 2017-2020, tổng vốn đầu tư cho ngành tôm Cà Mau là 21.952 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2030 là 28.473 tỷ đồng, từ nhiều nguồn khác nhau.

Nguyễn Phú

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang