• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thanh Hóa: Khó khăn trong quản lý chất lượng giống thủy sản

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 12/08/2017
Ngày cập nhật: 15/8/2017

Vùng nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) có nhu cầu hàng triệu con giống mỗi năm.

Không chỉ tập trung phát triển năng lực đánh bắt, khai thác hải sản từ biển, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa còn chú trọng khai thác lợi thế vùng ven biển, mặt biển, các ao, hồ để mở rộng diện tích nuôi thủy sản và đưa thêm nhiều đối tượng nuôi mới vào sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 18.050 ha nuôi trồng thủy sản và 1.500 lồng nuôi cá biển. Các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm he chân trắng, ngao bến tre và cá rô phi đơn tính...

Tuy nhiên, nguồn cung ứng giống thủy sản lại đang có nhiều tồn tại, thiếu sự kiểm soát; số con giống được sản xuất tại các cơ sở trên địa bàn thấp, chỉ chiếm gần 20% (khoảng 1,1 tỷ con giống các loại/năm).

Toàn tỉnh hiện có 44 trại sản xuất giống cá nước ngọt, 3 cơ sở sản xuất giống tôm sú, ngao và cá bống bớp. Đây là những cơ sở chính cung cấp nguồn giống thủy sản cho các hộ nuôi trồng trong tỉnh. 7 tháng đầu năm 2017, sản lượng cá bột ước đạt 530 triệu con, 18 triệu con tôm sú giống PL15, 6 vạn con giống cá bống bớp, 160 triệu con giống ngao Bến Tre. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất đã di ương 230 triệu con tôm giống và các giống cua xanh, cá quả, các giống cá rô đồng, rô phi đơn tính cũng được di nhập về để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Riêng về giống tôm, các cơ sở sản xuất trên địa bàn mới cung cấp được gần 20% nhu cầu, còn lại lượng tôm giống được di ương từ các tỉnh ngoài về. Qua tìm hiểu tại các địa phương cho thấy, trên thị trường luôn tồn tại số lượng lớn giống thủy sản trôi nổi, không bảo đảm về chất lượng, song vẫn được người nuôi sử dụng. Thực tế tại các ao, đầm nuôi tôm, tình hình dịch bệnh trong nuôi, trồng thủy sản diễn biến phức tạp, tình trạng lạm dụng hóa chất trong ao nuôi vẫn còn, các chất thải từ sinh hoạt, sản xuất làm ảnh hưởng tới các nguồn nước, gây ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi thủy sản.

Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập ban chỉ đạo quản lý chất lượng giống thủy sản, có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương về thời vụ cải tạo ao, đầm, quản lý môi trường, dịch bệnh và chăm sóc đối tượng nuôi. Kết quả kiểm tra đã xử lý 15 hộ, cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản vi phạm về tiêu chuẩn, đăng ký kinh doanh giống thủy sản. Tổ chức thanh tra trên diện rộng đối với 75 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thú y thủy sản, phát hiện và xử lý 7 cơ sở vi phạm về chất lượng và kinh doanh không đúng ngành nghề. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y thường xuyên tổ chức kiểm tra chất lượng, kiểm dịch chặt chẽ chất lượng tôm sú giống sản xuất trong tỉnh và di ương từ tỉnh ngoài về. Các huyện vùng triều tăng cường kiểm soát việc đưa tôm giống vào địa bàn và tuyên truyền cho chủ đồng chỉ mua tôm giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín. Kiên quyết xử lý các trường hợp tôm giống xuất trại, tôm giống nhập vào tỉnh không rõ nguồn gốc, tôm giống lưu thông mà không thực hiện kiểm dịch. Trung tâm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật giúp người nuôi kiểm tra, chọn tôm giống sạch bệnh, hướng dẫn nuôi một số đối tượng mới, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh và ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới vào nuôi tôm.

Năm 2017, tổng lượng nhu cầu giống thủy sản của toàn tỉnh là khoảng 5 tỷ con các loại; trong đó, giống nuôi nước mặn, lợ hơn 4,6 tỷ con; giống nước ngọt gần 400 triệu con. Riêng nhu cầu giống tôm - đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản của tỉnh khoảng 3,5 tỷ con.

Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, UBND tỉnh khuyến khích các địa phương có lợi thế hình thành các vùng ương nuôi có quy mô lớn, phục vụ nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, phát triển các mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp để sản xuất giống thủy sản. Đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến vào những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để tăng năng suất, sản lượng. Tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về chất lượng thủy sản, gắn với truy xuất nguồn gốc, về chất lượng giống... Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư, hình thành khu vực sản xuất giống thủy sản trên địa bàn.

Khánh Phương

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang