• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mưu sinh trong lũ

Nguồn tin: Báo An Giang, 09/08/2017
Ngày cập nhật: 10/8/2017

Từ khi vùng châu thổ ĐBSCL được hình thành, những người đi khai hoang mở cõi đã biết dựa vào thiên nhiên để sinh sống. Do sớm nhận thức, nước lũ là “tài nguyên” nên, ngoài việc tìm cách thích nghi, sống chung, người dân ĐBSCL đã biết tổ chức sản xuất trong lũ, lợi dụng lũ để làm giàu.

Từ nuôi tôm, cá…

“Mô hình nuôi tôm mùa lũ ở xã Phú Thuận (Thoại Sơn) bắt đầu phát triển từ năm 1999. Lúc đầu, tôi nuôi thử nghiệm chỉ 1 héc-ta. Thấy hiệu quả, năm 2000, tôi phát triển lên 3 héc-ta. Năm đó, ĐBSCL có lũ lớn, nước rất nhiều, rất thích hợp cho mô hình nuôi tôm. Lũ lớn, trong nước có rất nhiều thức ăn cho tôm, môi trường nước tốt, giúp tôm mau lớn, ít dịch bệnh, từ đó năng suất đạt rất cao. Năm đó, vuông tôm của tôi cho năng suất lên đến 1,2 tấn/héc-ta. Từ đây, nhiều hộ trong vùng đã học tập và làm theo” - ông Trần Văn Săn, nông dân nuôi tôm xã Phú Thuận (Thoại Sơn), chia sẻ.

Những năm có lũ lớn, người dân Thoại Sơn rất vui mừng vì nuôi tôm mùa lũ sẽ đạt hiệu quả cao

Nuôi tôm trong mùa lũ đã thực sự trở thành một mô hình mang tính điển hình cho sự năng động của người dân. Thời điểm năm 2003 - 2004, Thoại Sơn có đến 420 héc-ta nuôi tôm mùa lũ, với 320 hộ dân sống với nghề này. “Mô hình đã giải quyết cho hàng ngàn lao động nông thôn có việc làm ổn định trong những tháng mùa lũ. Ngoài lực lượng công nhân vùng nuôi đã có trên 300 hộ dân chuyên đi bắt ốc bươu vàng, cua đồng, bán cho người nuôi tôm, tạo lập được cuộc sống trong lũ. Người lao động tại địa phương không phải đi xa để tìm việc mà ở ngay tại địa phương cũng có việc làm. Những năm lũ lớn, dân nơi đây rất vui mừng vì các vuông tôm sẽ trúng đậm”- anh Nguyễn Bá Sang, nhân viên kỹ thuật thủy sản xã Phú Thuận (Thoại Sơn) chia sẻ.

Ngoài hộ gia đình ông Trần Văn Săn, ở xã Phú Thuận bây giờ còn rất nhiều người theo đuổi mô hình nuôi tôm trong lũ như các ông: Trần Vũ Em, Lê Hoàng Vịnh, Văn Công Trang, Nguyễn Văn Châu ngụ ở ấp Hòa Tây B. Bình quân mỗi gia đình nuôi từ 2-4 héc-ta. Năng suất từ 1-1,2 tấn/héc-ta. Thời gian nuôi từ 6-7 tháng cho thu hoạch.

…Đến sản xuất rau màu

Nếu ở Thoại Sơn có mô hình nuôi tôm trong mùa lũ thì ở TX. Tân Châu, người dân các xã: Tân Thạnh, Tân An, Phú Lộc, Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Long An đã tận dụng lợi thế của lũ để nuôi lươn, nuôi cá lóc trong bể, mùng lưới để làm giàu. Huyện Châu Phú, Châu Thành có mô hình trồng ấu, trồng rau nhút, rau muống; xã Bình Thạnh (Châu Thành), xã Khánh Hòa (Châu Phú), xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) nông dân tổ chức trồng rau màu để cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn hay bán cho chợ đầu mối để đưa về Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. “Lũ về, các loại rau màu rất có giá. Dân vùng này luôn mong có lũ lớn, bởi lũ về mang rất nhiều tôm, cá. Người nghèo có việc làm trong lũ để mưu sinh. Hộ sản xuất rau màu phấn khởi vì hành lá bán được giá 1-1,2 triệu đồng/tạ. Một công hành bán từ 28-30 triệu đồng, trong đó lợi nhuận hơn phân nửa. Một công bầu bán được 12 triệu đồng, trong đó lãi từ 5 triệu đồng trở lên. Tổ chức sản xuất trong mùa lũ đã trở thành tập quán của người dân vùng này…” - ông Lê Văn Bường (xã Bình Thạnh, Châu Thành) chia sẻ.

Ngày nay, mưu sinh trong lũ không chỉ đánh bắt cá mà người dân còn biết dựa vào lũ để tổ chức sản xuất những loại cây, con phù hợp trong từng thời điểm. Năm 2000, ĐBSCL có lũ lớn. Năm đó, ngoài nguồn lợi thủy sản do lũ mang về, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình tận dụng lũ để làm giàu, vì vậy UBND tỉnh đã tiến hành tổng kết thực tiễn bằng Đề án 31/ĐA-BCS-UBND để qua đó, Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất trong lũ, nhân rộng những mô hình làm ăn có hiệu quả. Ngay năm đầu (năm 2001) triển khai thực hiện đề án 31, đã đem lại kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, giá trị sản xuất đạt trên 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm trên 90.000 lao động. Đến năm 2007, ngành Nông nghiệp tổ chức được 180 lớp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trong mùa lũ cho người dân; Hội Nông dân tỉnh chọn, giới thiệu 27 mô hình làm ăn hiệu quả cho nông dân trên địa bàn. Năm đó, giá trị sản xuất đạt 1.330 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 500.000 lao động có việc làm trong lũ. Từ đó đến nay, sản xuất trong lũ đã trở thành tập quán canh tác mang tính “năng động” của Nhân dân trong tỉnh. Mùa lũ đã thực sự trở thành mùa mưu sinh của người dân các địa phương.

“Người dân bây giờ xem lũ là một loại “tài nguyên” mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho con người. Chung sống và thích nghi với lũ, lợi dụng lũ để làm giàu là phương châm của chính quyền và Nhân dân TX. Tân Châu” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê khẳng định.

Minh Hiển

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang