• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mô hình kinh tế "3 trong 1"

Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 07/08/2017
Ngày cập nhật: 8/8/2017

Với người nuôi thủy sản ở xã Võ Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình), con tôm luôn được xem là đối tượng nuôi chính nhờ lợi nhuận cao, hiệu quả kinh tế lớn. Tuy nhiên, chính sự phát triển ồ ạt của các hồ nuôi tôm đã kéo theo sự ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra… Ao nuôi lâu năm còn bị suy thoái, người nuôi không tuân thủ quy trình kỹ thuật và sử dụng hóa chất bừa bãi.

Để từng bước giúp người dân nuôi xen ghép thay vì độc canh con tôm, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá dìa và cua, bước đầu mang lại thu nhập cao, đồng thời mở ra hướng đi mới cho người nuôi thủy sản tại địa phương.

Mô hình được thực hiện từ đầu năm 2017 trên diện tích ao nuôi 3.000m2 của gia đình bà Lê Thị Lịch ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh. Trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình bà Lê Thị Lịch đã được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 1.500 con cá dìa, 45.000 con tôm sú và 1.500 con cua; đồng thời được tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cũng như trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng nuôi.

Bà Lê Thị Lịch cho biết, sau vụ nuôi năm 2016, gia đình đã tu sửa, gia cố lại bờ ao và vét bùn, bón vôi cải tạo ao để thực hiện mô hình nuôi xen ghép. Đây là hình thức nuôi mới với nhiều đối tượng nên gia đình cũng chú ý diệt tạp khuẩn trong nước trước khi thả nuôi. Về con giống, do cá giống được thu gom tự nhiên tại vùng phá Tam Giang (Huế) về nuôi, nếu thả muộn sẽ không chủ động được con giống, nên gia đình thả giống từ cuối tháng 1-2017, sau đó thả giống tôm, cua theo lịch thời vụ vào giữa tháng 3-2017. Về mật độ thả, cá dìa 0,5 con/m2, số lượng 1.500 con; tôm sú 15 con/m2, số lượng 45.000 con; cua 0,5 con/m2, số lượng 1.500 con do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 100% con giống.

Sau khoảng 5 tháng thực hiện mô hình, nhìn chung các đối tượng nuôi phát triển khá tốt, bảo đảm về các chỉ tiêu yêu cầu. Trọng lượng bình quân của cá dìa đạt 200gr/con, tôm sú 40 con/kg và cua 200gr/con. Theo đánh giá, mô hình cho thu hoạch khoảng 2 tạ cá dìa, 1,5 tạ cua và 6,7 tạ tôm sú; tổng doanh thu ước đạt hơn 182 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, hộ nuôi có thu nhập trên 90 triệu đồng.

Bà con tham quan mô hình nuôi xen ghép cá dìa, tôm sú và cua tại hộ bà Lê Thị Lịch ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh.

Theo chị Hồ Thị Thủy, cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cá dìa, tôm sú, cua là những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Khi nuôi xen ghép, những đối tượng này sẽ hỗ trợ cho nhau thay vì nuôi một đối tượng rủi ro cao, nên mô hình phù hợp với những vùng nuôi lâu năm kém hiệu quả. Ngoài ra, hình thức nuôi xen ghép này còn giúp cải thiện môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh, tiến tới nuôi bền vững; đồng thời khai thác được tiềm năng ao hồ nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hồ nuôi tôm kém hiệu quả hoặc bỏ hoang, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nuôi trồng tại địa phương.

Mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua và cá dìa trong ao đất mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân đánh giá cao. Mô hình đã tổ chức tham quan học tập, khuyến cáo cho bà con chuyển đổi những diện tích nuôi tôm thường bị dịch bệnh, kém hiệu quả sang nuôi xen ghép tôm sú-cua- cá dìa. Cá dìa là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, chứa nhiều chất béo, bổ dưỡng, ít xương được thị trường ưa chuộng. Với thời gian nuôi ngắn, mùa vụ nuôi sớm, nên bà con tránh được mùa mưa lũ chính vụ. Ngoài ra, với đặc điểm ăn rong, tảo, mùn bã hữu cơ, nên việc nuôi cá xen ghép với tôm sú tại các ao nuôi tôm kém hiệu quả giúp tận dụng một phần thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ nhằm làm sạch môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh cho tôm sú. Cá dìa rất nhạy cảm với thuốc và hoá chất, vì vậy, trong quá trình nuôi việc sử dụng thuốc, hoá chất được người nuôi cân nhắc rất kỹ và hạn chế đến mức tối đa. Sản phẩm mô hình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời, môi trường sinh thái vùng nuôi được ổn định.

Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thực hiện mô hình nuôi xen ghép cá dìa, tôm sú và cua tại 3 điểm là xã Võ Ninh (Quảng Ninh), xã Hoàn Trạch (Bố Trạch) và phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn), bước đầu đạt hiệu quả và người nuôi đánh giá cao so với hình thức nuôi độc canh một đối tượng nuôi...

Hiền Phương

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang