• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi lươn không bùn

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 05/08/2017
Ngày cập nhật: 7/8/2017

Từ hỗ trợ của Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - Khoản vay bổ sung, các hộ dân ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được chọn triển khai mô hình nuôi lươn không bùn.

Lươn được nuôi trên bể lót bạt mở ra triển vọng mới

Năm 2015, được sự hỗ trợ của Dự án (DA) Sáng kiến và Phát triển địa phương thích ứng biến đổi khí hậu, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đã chủ động nghiên cứu, sản xuất nguồn giống lươn đồng để đưa vào nuôi thương phẩm. Tiếp nối thành công của DA này, đầu năm nay, mô hình nuôi lươn không bùn được triển khai với nhiều nét mới.

Theo bà Lê Thị Bích Thủy – Phòng Kỹ thuật thủy sản (Trung tâm Khuyến nông), khác với các giống lươn được đưa vào nuôi thương phẩm trước đây, mô hình nuôi lươn không bùn sử dụng giống được lấy từ Cần Thơ với kích thước và tốc độ phát triển cao hơn so với giống lươn đồng.

“So với giống lươn đồng, giống lươn này có tỷ lệ sống cao hơn hẳn, được nuôi trên bể lót bạt hoặc xi măng. Trước khi nhập giống chúng tôi cũng đã cấp các thông số về môi trường, nguồn nước đến những trại giống tại Cần Thơ để họ thuần hóa con giống, sao cho phù hợp với điều kiện sống tại Thừa Thiên Huế, đặc biệt là thời tiết”, bà Thủy cho biết.

Một trong 5 hộ được chọn thí điểm triển khai mô hình, ông Nguyễn Tín (thôn Thanh Cần, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) rất phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng bể nuôi ngay tại vườn. Bể nuôi lươn của ông lót bạt, có diện tích gần 20m², được làm bằng tre nứa, xung quanh thành bể được gia cố bằng các bao cát. Ngoài ra còn có hệ thống che mát để giảm ánh sáng chiếu xuống bể nuôi và hệ thống cấp thoát nước.

Ông Tín chia sẻ: “Mô hình nuôi lươn ni mới lạ, bể nuôi được thiết kế rất đơn giản với những vật liệu có sẵn tại địa phương với kinh phí xây dựng chưa tới 1 triệu đồng/bể. Nhằm tạo không gian sống lý tưởng cho lươn, cần thiết kế thêm những hang ổ để lươn trú ngụ”.

Theo ông Tín, DA hỗ trợ về giống và thức ăn, sau hơn 2 tháng thả nuôi, lươn phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt hơn 80%, trọng lượng khoảng 150g/con. “Thức ăn cho lươn chủ yếu các loại cá tươi xay nhỏ. Lươn là loại vật ăn đêm nên cần chọn thời điểm cho ăn thích hợp. Ba ngày thay nước một lần, nguồn nước lấy từ tự nhiên được các cán bộ kỹ thuật thủy sản kiểm nghiệm. Giống lươn này thả nuôi từ 5-6 tháng thì có thể thu hoạch”, ông Tín cho hay.

Để có giống lươn cũng như tạo quy trình nuôi hợp lý, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông phải lặn lội đến các tỉnh phía Nam tham khảo mô hình, học tập kỹ thuật nuôi. Trong quá trình triển khai tại địa phương, các cán bộ thường xuyên theo dõi mô hình, nguồn nước, quy trình nuôi, phương pháp chăm sóc của người dân.

Bà Lê Thị Bích Thủy cho biết: “Khác với các địa phương khác, thời tiết tại Thừa Thiên Huế khá khắc nghiệt. Vào mùa mưa lạnh, lươn chậm lớn nên thời gian nuôi kéo dài. Nguồn giống lươn này cũng chưa thể chủ động nên gặp một số khó khăn nhất định. Hiện, mỗi tuần một lần, cán bộ kỹ thuật thủy sản về cơ sở để nắm tình hình, theo dõi môi trường, nguồn nước và hầu hết các hộ nuôi đều nắm bắt tốt quy trình kỹ thuật nuôi, lươn đang phát triển tốt”.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh nhận định: “Mô hình nuôi lươn không bùn lần đầu tiên được triển khai ở Thừa Thiên Huế. Mô hình mới thường mở ra những triển vọng nhất định. Song, việc phát triển các loài thủy sản được nuôi trong bể lót bạt hay xi măng, điều đầu tiên là phải làm thế nào nông dân có thể hoàn vốn một cách sớm nhất”.

DA Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – Khoản vay bổ sung được ký kết và thực hiện nhằm kế thừa và phát huy kết quả đạt được của DA giai đoạn 2008 – 2014. Tổng số vốn đầu tư của DA là 92,5 triệu USD, trong đó vốn vay từ quỹ ưu đãi của ADB là 85 triệu USD và vốn đối ứng là 7,5 triệu USD. DA được thực hiện tại 6 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Lê Thọ

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang