• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thừa Thiên Huế: Ngư dân Quảng Công, Quảng Ngạn trúng đậm cá cơm

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 20/07/2017
Ngày cập nhật: 23/7/2017

Sau ảnh hưởng cơn bão số 2, ngư dân Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có những “trộ xăm” đầy ắp cá cơm.

Lái buôn thu mua cá cơm tại bãi biển Quản Công vào sáng 20/7

Sáng 20/7, khi ánh mặt trời vừa “hé”, những chiếc thuyền của ngư dân hai xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) nối đuôi nhau rẽ sóng vươn khơi. Phụ nữ, lái buôn và cả thanh niên cũng kéo nhau ra bãi biển, "chầu chực" thuyền về.

Chừng hơn một giờ vươn khơi, các con thuyền nối đuôi nhau, lần lượt hướng về phía bờ biển với khoang đầy ắp, phủ một màu trắng của cá cơm. Vất vả, nặng nhọc nhưng trên khuôn mặt của những ngư dân vẫn hiện rõ nét tươi vui, phấn khởi. Ngư dân Nguyễn Cư ở xã Quảng Công xởi lởi: “Sáng sớm ra bãi biển, theo dõi con nước, nhìn về phía xa chừng vài trăm mét, trông rất rõ những mảng trắng, dấu hiệu của cá cơm đang bơi vào gần bờ. Tui liền kêu gọi bạn thuyền và các hộ khác đưa thuyền, mang theo “xăm” (lưới) ra biển”.

Đúng như dự đoán của ngư dân, cá cơm “dô” (ngoi lên mặt nước) trắng xóa cả một vùng biển rộng lớn chỉ cách bờ chừng 200-500m. Các thuyền đồng loạt “bủa xăm” để vây kéo cá cơm. Mỗi “trộ xăm” kéo dài chừng 45-50 phút với cả tấn cá cơm sau chuyến đầu tiên. Mẻ cá đầu tiên vào bờ, bà con tiếp tục cho thuyền bủa trộ thứ hai... Các trộ sau tuy ít hơn, nhưng cũng mang về từ 5-7 tạ cá.

Ngư dân Quảng Công trúng đậm cá cơm sáng 20/7

Chỉ trong buổi sáng, các thuyền bủa đến 3-4 “trộ xăm”. Mỗi thuyền ước đạt từ 2-3 tấn cá cơm. Chị Trần Thị Cúc ở xã Quảng Công cho biết, cá cơm tươi hiện nay có giá 10 ngàn đồng/kg, còn cá khô 100 ngàn đồng/kg. Với giá đó, thuyền của tui được hơn 2 tấn, bán hơn 20 triệu đồng. Sau khi chia cho bạn thuyền mỗi người 1,5 triệu đồng, còn phần tui khoảng gần 10 triệu đồng.

Ngư dân Trần Hùng ở xã Quảng Công kể: “Nghề “bủa xăm” một thời “thịnh lắm”. Hầu như thuyền mô cũng có một bộ “xăm”. Loại ngư cụ này không chỉ đánh bắt cá cơm mà còn nhiều loại cá khác như me, nục, bạc má... Hơn 10 năm qua, cá gần bờ ngày càng ít dần, có khi cạn kiệt do giã cào, đánh mìn, te "quệu" nên nhiều hộ bỏ nghề “bủa xăm”. Vài năm gần đây, các loại cá bắt đầu nhiều hơn, xuất hiện ở gần bờ nên ngư dân đã khôi phục lại nghề cũ.

“Mấy năm vừa rồi, ngư dân chúng tôi cũng đã từng trúng đậm những mẻ cá cơm, nhưng không nhiều bằng những trộ cá cơm vào sáng nay. Chừng cả chục năm nay, chưa bao giờ vùng biển các xã Quảng Công, Quảng Ngạn lại rộn ràng, tấp nập thuyền ra vào, cũng như chở về hàng tấn cá cơm như sáng nay...”, ngư dân Trần Khang tiếp lời.

Phơi cá cơm dự trữ bán vào mùa đông

Cá cơm sau khi đưa về bờ, được các lái buôn thu mua tại chỗ để ủ làm mắm, một số ít bán cho người dân trong làng ăn, còn lại phơi khô để bán vào mùa đông. Chị Trần Thị Cúc ở xã Quảng Công khoe: “Cá cơm ở Quảng Công, cũng như các xã ven biển thường ủ làm mắm trong lúc còn tươi rói. Ngư dân lại có kinh nghiệm làm mắm từ bao đời nay nên mắm, nước mắm cá cơm có vị thơm, ngon đặc trưng, khác hẳn với nước mắm công nghiệp. Cá cơm bủa về trong sáng ni có đến 70% ủ làm nước mắm”.

Ông Võ Đông Thi, Phó Bí thư Thường trực xã Quảng Công cho biết, sau khi có thông tin ngư dân trúng đậm cá cơm, chúng tôi cử cán bộ đến nắm bắt tình hình và có những thống kê sản lượng bước đầu. Chỉ tính riêng buổi sáng 20/7, trên địa bàn xã có khoảng 15 chiếc thuyền đánh bắt cá cơm, ước khoảng 40 tấn cá tươi. Từ đầu giờ chiều cùng ngày, tất cả các thuyền tiếp tục dong thuyền đánh bắt cá cơm.

Không chỉ ở Quảng Công, “bủa xăm” cũng là một trong những nghề chính đối với ngư dân xã Quảng Ngạn. Ông Phan Văn Tuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn thông tin, trong số khoảng 30 chiếc thuyền gắn máy gần bờ, có hơn 10 chiếc làm nghề “bủa xăm”. Nghề này đòi hỏi thuyền phải có công suất từ 15CV trở lên và 5-7 lao động. Ttrong sáng 20/7, hầu hết các thuyền đều trúng đậm cá cơm, mỗi lao động thu nhập trên 1 triệu đồng.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh có hơn 1.950 chiếc thuyền đánh bắt gần bờ, chủ yếu tập trung ở các xã bãi ngang ven biển thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà. Vì nghề “bủa xăm” đòi hỏi phải có lao động từ 5-7 người; chi phí đầu tư đóng thuyền và mua sắm ngư cụ ước trên 100 triệu đồng, nên số thuyền theo nghề chỉ khoảng 30%. Trong ngày 20/7, ngoài hai xã của huyện Quảng Điền, chưa phát hiện có thêm các địa phương khác trúng cá cơm.

Hoàng Triều

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang