• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vùng biển thiếu lao động biển

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 01/07/2017
Ngày cập nhật: 11/7/2017

Đó là một thực tế rất tưởng chừng như rất oái ăm nhưng lại đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Vài năm gần đây, tại hai cảng biển lớn là Cửa Việt (Gio Linh) và Cửa Tùng (Vĩnh Linh) xảy ra tình trạng thiếu lao động đi biển trầm trọng, gây không ít khó khăn cho các chủ tàu, thuyền. Để có đủ lực lượng bạn thuyền ra khơi, nhiều chủ tàu phải cất công đi nhiều nơi tìm kiếm và đến tận từng nhà để “mời” ngư dân về đi bạn cho mình…

Mặc dù thiếu lao động biển nhưng các tàu đánh bắt xa bờ ở thị trấn Cửa Tùng vẫn ra khơi cho kịp mùa vụ

Thiếu lao động biển trầm trọng

Chúng tôi về biển Cửa Việt vào một buổi chiều cuối tháng 6. Mặc dù đang là thời gian cao điểm khai thác thủy sản vụ cá Nam nhưng rất nhiều tàu thuyền nơi đây nằm bất động, trên bến bãi khung cảnh đìu hiu. Ông Bùi Xuân Tấn (54 tuổi) trú tại khu phố 5, thị trấn Cửa Việt nói: “Đợt này, thiếu người đi bạn quá nên hầu hết các chủ tàu đang tích cực đi tìm bạn thuyền ở khắp các nơi. Phải đi tìm thì mới có người đi biển được, chứ cứ ngồi ở nhà chờ thì không biết bao giờ mới ra khơi”.

Ông Tấn đang là chủ chiếc tàu cá công suất 700 CV, hành nghề lưới rê bùng nhùng ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ và Hoàng Sa. Cách đây hơn 7 năm, ông mua lại tàu cũ của một người trong vùng rồi tu sửa lại, mua máy to để ra khơi. Khi có Nghị định 67 của Chính phủ, ông tiếp tục vay vốn để cải hoán tàu và mua sắm mới ngư lưới cụ, phục vụ tốt hơn cho việc ra khơi.

Những năm trước, tàu của ông tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 8-9 lao động địa phương. Thế nhưng, hơn 2 năm trở lại đây, lao động biển ngày càng thiếu nên ông Tấn phải đầu tư mua sắm thêm máy tời, máy kéo lưới… nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất công việc.

“Trước đây trên tàu của tôi chỉ có 1 máy kéo lưới thôi. Nay, vì thiếu bạn thuyền, chỉ còn lại 5-6 người nên tôi mua thêm 1 máy kéo nữa. Mặc dù có máy móc thay thế con người nhưng hiệu quả khai thác thủy sản thì lại không nhanh bằng khi đủ bạn thuyền được. Việc vận chuyển máy móc cũng khá tốn thời gian”, ông Tấn nói.

Ông cho biết thêm, lúc trước, trên tàu có đủ người thì chỉ mất 6 tiếng đồng hồ để kéo 1 vàng lưới (dài 6 hải lý), nay chỉ có 6 bạn thuyền nên phải mất tới 7 giờ. Thời hoàng kim, ở Cửa Việt tập trung rất nhiều lực lượng lao động biển, đây là nguồn nhân lực dồi dào phục vụ cho các chuyến khơi xa. Nay muốn có bạn thuyền, các chủ tàu phải cất công đến những vùng khác để tìm và “săn đón” bạn thuyền về với mình. Lúc trước, các bạn thuyền chủ động tới xin chủ tàu để được đi biển, nhưng nay thì ngược lại, các chủ tàu phải tới tận nhà họ để động viên và kêu gọi ngư dân đi bạn cùng mình.

Ông Tấn kể, lúc trước, bình quân mỗi bạn thuyền trên tàu ông sẽ được trả công từ 40-50 triệu đồng/năm. Nhưng 3 năm trở lại đây, để thu hút ngư dân đi bạn với mình, ông phải trả cho mỗi người 80-90 triệu đồng/ năm.

Đồng cảnh ngộ, ông Bùi Đình Chiến (sinh năm 1963) ở khu phố 6, thị trấn Cửa Việt là chủ của 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ cũng đang đau đầu vì thiếu người đi biển. Tàu vỏ gỗ công suất 725 CV của ông Chiến hành nghề lưới rê bùng nhùng đang khai thác ở ngư trường Bạch Long Vĩ, còn chiếc tàu vỏ sắt công suất 829 CV được đóng mới theo Nghị định 67 vừa trở về từ chuyến biển dài ngày khai thác thủy sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Chiến cho biết, trước đây, các bạn thuyền của ông đều là người ở trong huyện. Nhưng nay ông phải qua tận các xã bãi ngang vùng biển ở huyện Hải Lăng, Triệu Phong… và phải trả lương cao hơn thì mới mong tìm được bạn thuyền.

“Xưa nay, các bạn thuyền trên tàu được trả công theo sản phẩm. Tức là, sau mỗi chuyến biển, số tiền thu được sẽ được chia theo tỷ lệ rồi trả công cho từng người. Nhưng giờ muốn các ngư dân đi bạn cho tàu của mình, tôi phải trả lương cho họ với số tiền 400.000 đồng/ngày/người đối với lao động chân tay, 600.000 đồng/người đối với lao động kỹ thuật và tạo điều kiện cho họ câu thêm cá, mực những lúc rảnh rỗi.

Thiếu bạn thuyền sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác đánh bắt thủy sản vì trong quá trình đợi tìm ra người, chuyến ra khơi bị chậm lại, đồng nghĩa với việc không theo kịp chuyến, không kịp trăng, không chủ động nắm bắt được diễn biến của thời tiết… Số tiền vay để đóng con tàu vỏ thép tôi vẫn chưa trả hết. Nếu tình trạng thiếu bạn thuyền kéo dài, việc trả nợ của gia đình tôi sẽ gặp khó khăn, vì chỉ cần trả lại chậm một là bị ngân hàng phạt rồi”, ông Chiến nói.

Không chỉ ở Cửa Việt, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh cũng đang diễn ra tình trạng thiếu bạn thuyền trầm trọng. Nhiều chủ tàu chia sẻ với tôi rằng, trước đây, chủ tàu là người có quyền lựa chọn bạn thuyền đi cùng. Còn nay, những người đi bạn là người lựa chọn chủ tàu để đi. Nếu chủ tàu đối xử tốt, trả lương cao thì họ đi lâu dài, còn ngược lại thì chỉ đi xong 1 chuyến là họ “nhảy” sang tàu khác. Vì lực lượng bạn thuyền không ổn định nên việc khai thác thủy sản của các tàu đều gặp khó khăn.

Chủ tàu Phan Văn Thảo (52 tuổi) ở khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng cho biết, hiện tại ở Cửa Tùng, trung bình mỗi tàu thiếu từ 3-4 bạn thuyền. Thiếu thì thiếu mà đi thì vẫn phải đi. Mặc dù vẫn ra khơi, nhưng sản lượng đánh bắt thủy sản bị giảm sút đáng kể. Nếu như vào thời gian này năm ngoái, trung bình mỗi người trên tàu của tôi đã thu được từ 40-50 triệu đồng. Nhưng hiện tại thì chỉ được 15-17 triệu đồng/ người mà thôi. Nguyên do là thiếu lao động biển, việc khai thác thủy sản bị chậm lại, hiệu suất không cao, năng suất và sản lượng đều giảm.

Đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Đội tàu đánh bắt xa bờ thị trấn Cửa Việt nằm bờ vì thiếu bạn thuyền

Ngồi trò chuyện trong ngôi nhà khang trang, bề thế hướng mặt ra dòng sông Hiếu, chủ tàu Bùi Đình Chiến nói với tôi, những năm trước, phong trào xuất khẩu lao động ở địa phương còn ít, chưa phát triển nên lực lượng thanh niên ở nhà rất đông. Nhờ đó, bạn thuyền lúc nào cũng dồi dào. “Vài năm trở lại đây, nhà nhà, người người đổ xô đăng ký đi học để xuất ngoại nên hiện tại, ở Cửa Việt số thanh niên trẻ tuổi còn rất ít. Độ tuổi từ 1935 thì đi học hoặc đi xuất khẩu lao động hết. Còn độ tuổi trên 40 thì họ ở nhà chứ không ra biển nữa, vì không làm được việc nặng. Lao động biển ngày càng hiếm!”, ông Chiến than thở.

Cùng chung tâm trạng ấy, ông Bùi Xuân Tấn cho biết, số tàu thuyền đóng mới ngày càng nhiều và to hơn, còn lao động biển thì lại ít đi. Ngay con trai của ông Tấn là anh Bùi Đình Tú (27 tuổi) cũng không còn mặn mà với nghề biển. Anh Tú không theo nghiệp biển cùng cha mà chọn cho mình con đường xuất khẩu lao động. Anh Tú đang ấp ủ giấc mơ đi làm việc ở Hàn Quốc với mong muốn đổi đời.

Khi được hỏi về nguyên nhân thiếu bạn thuyền, những ngư dân vùng biển cho biết, có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng thiếu lao động biển. Nhưng tựu trung lại thì có những nguyên chính như: lực lượng bạn thuyền cao tuổi nay đã nghỉ nghề biển vì không đủ sức làm việc nặng, trong khi thế hệ trẻ ở vùng biển không còn mặn mà với biển nữa, họ vào miền Nam làm việc hoặc đi xuất khẩu lao động để mong đổi đời.

Từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, số người vào miền Nam lập nghiệp và đi xuất khẩu lao động ngày càng tăng. Từ khi có Nghị định 67 của Chính phủ, tàu công suất lớn được đóng mới ngày càng nhiều, do đó lực lượng lao động biển cũng bị phân chia…

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, hiện tại, toàn tỉnh có tổng số 2.304 tàu thuyền với tổng công suất gần 120.000 CV. Trong đó, tàu xa bờ có 213 chiếc, tàu gần bờ 2.091 chiếc. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, trên địa bàn tỉnh có 24 tàu được đóng mới, trong đó có 19 chiếc đã đưa vào sử dụng.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển ngày càng được nâng cao, trẻ em được ăn học đàng hoàng và ngày càng học lên cao, học xong, các em ở lại làm việc, công tác ở khắp nơi trong cả nước.

Trong khi đó, lực lượng ngư dân “truyền thống” thì ngày càng lớn tuổi, sức khỏe yếu không đảm đương nổi công việc nặng nhọc của nghề biển. Nguyên nhân thứ 2 là hiện nay, ở vùng biển không chỉ có nghề biển mà người dân đã mở rộng, phát triển thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ khác để phát triển kinh tế. Nguyên nhân thứ 3 là ở một số xã biển có sự mất cân bằng về giới tính trong sinh sản, tỉ lệ bé trai ít hơn bé gái…

Những nguyên nhân trên dẫn đến sự phân hóa đáng kể về lực lượng lao động biển ở địa phương. Về những giải pháp xử lý trước thực trạng thiếu lao động biển như hiện nay, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm: “Để khắc phục tình trạng thiếu lao động biển, thời gian qua, các ban, ngành liên quan đã quan tâm, đẩy mạnh các chính sách phát triển ngành thủy sản như hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Chúng tôi cũng khuyến khích các chủ tàu tăng cường trang bị các thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác dự báo thời tiết, dự báo ngư trường, giúp ngư dân ổn định tâm lý khi gặp sự cố, an tâm bám biển vươn khơi.

Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn lực cũng cần được chú trọng, cần khuyến khích các lao động ngoài vùng biển tham gia lao động biển. Thời gian vừa qua, ngành Thủy sản nói riêng và các ban, ngành liên quan nói chung đã mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn, đào tạo lao động biển, khai thác đánh bắt thủy sản có chất lượng cao.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tình trạng thiếu lao động biển như hiện nay”.

Trần Tuyền

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang