• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Loại bỏ các chất kháng sinh trong nuôi thuỷ sản - phải chặn từ gốc

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 09/07/2017
Ngày cập nhật: 10/7/2017

Tổng Thư ký Hội Chế biến thuỷ sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau (CASEP) Ngô Thành Lĩnh cho biết, những năm gần đây thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe, doanh nghiệp và người nuôi tôm có ý thức hơn trong việc sử dụng các chất cấm trong nuôi thuỷ sản. Việc sử dụng kháng sinh chỉ còn ở các hộ nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trên thực tế trong gần 300.000 ha nuôi thuỷ sản, số hộ nuôi tôm nhỏ lẻ chiếm hơn 2/3 số doanh nghiệp nuôi với quy mô lớn.

Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu Sở Công thương tỉnh Cà Mau Phan Thanh Sang cho biết, Việt Nam đang nằm trong số 3 quốc gia có số lượng hàng thuỷ sản nhiễm dư lượng các chất kháng sinh vượt quá ngưỡng cho phép bị các thị trường lớn như: Mỹ, Úc, Nhật, EU cảnh báo.

Theo ông Sang, khi người dân sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hoá chất, kháng sinh trong nuôi thuỷ sản còn dẫn đến những thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế như: nhiều lô hàng thuỷ sản xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài cảnh báo do tồn dư hoá chất, kháng sinh và bị trả về, gây thiệt hại kinh tế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như uy tín của sản phẩm thuỷ sản Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó, tác động tiêu cực ngược lại ngành nuôi trồng thuỷ sản và chính các hộ dân. Do các nước nhập khẩu tăng cường kiểm tra hàng thuỷ sản của Việt Nam dẫn tới thời gian thông quan chậm, giảm khả năng cạnh tranh; khi các nhà nhập khẩu e ngại và hạn chế nhập khẩu thuỷ sản từ Việt Nam thì sẽ dẫn tới tồn kho, giảm giá nên cả doanh nghiệp và người dân đều bị thiệt hại nặng.

Chế biến xuất khẩu thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo ông Sang, việc quản lý gắt gao hơn với hoạt động nhập khẩu kháng sinh sẽ là biện pháp chủ động kiểm soát được dư lượng kháng sinh trong các loại thuỷ sản. Người dân đang bị “ngộ độc” giữa một rừng kiến thức, không phân biệt được đâu là sản phẩm được phép sử dụng, cứ thấy công ty, đại lý bán thuốc nào đến tận nơi quảng cáo rầm rộ thì tin và mua.

Ông Ngô Thành Lĩnh băn khoăn: "Hệ thống thuỷ lợi chưa đáp ứng nhu cầu nuôi thuỷ sản, môi trường hiện đang ô nhiễm ngày càng trầm trọng, khiến dịch bệnh ở tôm nuôi khó có thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc thú y, thuỷ sản chưa được kiểm soát, quảng cáo tràn lan, bán theo kiểu "cà rem" khiến người nuôi không biết đâu là sản phẩm trong danh mục được phép sử dụng, không để lại tồn dư kháng sinh cấm trong con tôm… Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua, phía cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để khắc phục, nhưng trên thực tế, kết quả vẫn còn rất hạn chế".

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, cho rằng, trước đây chúng ta tập trung tăng lượng mà quên chuyện tăng chất, đến giờ mới nhìn lại rằng “không ai chết đói mà là chết vì ngộ độc” và bắt đầu quan tâm đến thực phẩm sạch. “Nói không với kháng sinh, nuôi tôm sạch trước tiên để tự bảo vệ mình bởi giảm được chi phí và hiệu quả ổn định”, ông Quang khẳng định.

Tuy nhiên, với điều kiện sản xuất manh mún, rất khó để có sản phẩm an toàn. Theo ông Lê Văn Quang, doanh nghiệp phải đồng hành chia sẻ cùng với nông dân, hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, cùng giám sát chất lượng. Còn Nhà nước có cơ chế quản lý không phải mất lòng tin như bây giờ. Trong hơn 2 năm qua, Minh Phú đã thành lập chuỗi cung ứng tôm Minh Phú để giám sát và kiểm soát quá trình nuôi từ con giống, thức ăn, nuôi, giám sát thu hoạch, hướng dẫn nuôi ướp; đến khâu vận chuyển tôm về nhà máy. Vì thế, sản phẩm tôm của Minh Phú không bị nhiễm vi sinh, kháng sinh và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada và EU.

Dịch bệnh tôm đã xảy ra mấy năm nay nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được liều thuốc phòng trị nên tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ được 30-35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan trên 70%. Giá thành tôm Việt Nam luôn cao hơn các nước xuất khẩu khác 1-3 USD/kg. Và để giảm giá thành, nhiều doanh nghiệp tăng cường sử dụng kháng sinh, hoá chất trong nuôi trồng, bảo quản tôm. Chính vì thế, chất lượng con tôm Việt Nam giảm đi rất nhiều, rủi ro bị trả về lớn hơn. Thậm chí, doanh nghiệp mất nhiều thị trường quan trọng.

Ông Phan Thanh Sang cho rằng, việc mở rộng thị trường xuất khẩu đã khó khăn, nếu các doanh nghiệp không có giải pháp kịp thời để ngăn chặn chất cấm trong sản phẩm xuất khẩu sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp./.

Trung Đỉnh

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang