• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Điện và tôm

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 26/06/2017
Ngày cập nhật: 27/6/2017

Trong sự thành công của nghề nuôi tôm hàng chục năm qua, có sự đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng của ngành điện, đặc biệt là từ khi có thêm đối tượng nuôi mới là tôm thẻ chân trắng.

Những diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh giờ luôn có đủ điện để sản xuất

Sở dĩ người viết dùng từ “thầm lặng” bởi trong “bảng vàng” thành tích của nghề nuôi tôm ít khi thấy ai nhắc đến công lao của ngành điện, nhưng chỉ cần đôi lúc trục trặc về điện thôi là họ bị kêu ca đủ điều. Không biết vì quá quen với chuyện “bị kêu” hay không, hay chỉ vì trách nhiệm, mà họ vẫn cứ miệt mài thi công, sửa chữa… để làm sao đưa được điện về với các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng.

Nói đến vai trò của điện trong nuôi tôm ai cũng biết là rất quan trọng, bởi mọi tiến bộ về khoa học – công nghệ phục vụ nuôi tôm có cao siêu đến đâu, nếu không có điện cũng khó mà hoạt động trơn tru được. Và, chỉ có người nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh mới thấu hiểu hết cảnh khổ lúc chưa có điện cũng như niềm vui kể từ ngày điện về phục vụ nuôi tôm.

Trước đây, khi chưa được kéo đường hạ thế 3 pha đến vùng nuôi, các thành viên HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa, ở xã Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu) không dám đầu tư mạnh để nuôi với mật độ cao vì chi phí đầu tư cho việc chạy quạt ôxy bằng máy dầu rất tốn kém. Ông Tăng Văn Xúa kể: “Mấy năm đầu nuôi tôm thẻ khó nhất là không đủ điện để chạy quạt ôxy, phải chạy bằng máy dầu, chi phí tốn gấp 3 – 4 lần chạy điện, nên nhiều hộ làm liều kéo điện sinh hoạt ra tận ao để chạy quạt ôxy, khiến các thiết bị sử dụng điện trong nhà gần như không hoạt động được vì không đủ điện”.

Có thể thấy, nếu không có đủ điện, nghề nuôi tôm của tỉnh khó có thể phát triển mạnh lên quy mô nuôi thâm canh, bán thâm canh gần 30.000ha như hiện nay. Hiểu được tầm quan trọng của điện cũng như khó khăn của ngành điện, trong quá trình điện hóa phục vụ nuôi tôm, người nuôi đã không ngần ngại tích cực tham gia, đóng góp vào việc hiến đất đai, cây trồng, tạo thuận lợi về mặt bằng cho ngành điện thi công hệ thống điện đúng tiến độ. Đối với những trang trại, hộ nuôi tôm lớn còn tự đầu tư bình hạ thế, trụ, đường dây, góp phần cùng với ngành điện, đưa điện về đến tận ao nuôi.

Với phương châm luôn đồng hành cùng nghề nuôi tôm của tỉnh, nên ngoài việc đảm bảo nguồn điện cho người nuôi tôm, ngành điện còn triển khai Chương trình “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016 – 2017”; trong đó, Công ty Điện lực Sóc Trăng là đơn vị được Tổng Công ty Điện lực miền Nam chọn thực hiện thí điểm chương trình này.

Với mục tiêu giới thiệu các giải pháp tiết kiệm điện để thay thế mô hình cũ đang sử dụng phổ biến hiện nay, qua triển khai, giới thiệu mô hình đã có 158 hộ nuôi tôm đăng ký tham gia giai đoạn thí điểm với tổng diện tích là 167ha, tổng số gối đỡ con lăn là 8.482 bộ (trong đó 5.237 gối loại đỡ và 3.245 loại treo), tổng số dàn quạt là 1.644, ước tính tổng chi phí thực hiện là 714 triệu đồng.

Kết quả thử nghiệm bước đầu được người nuôi tôm đánh giá cao, khi nhiều hộ chia sẻ, giải pháp sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U cho dàn quạt, cho thấy tiết kiệm điện khoảng 12%; xử lý trục quay của dàn quạt đồng trục với trục quay của động cơ, tiết kiệm điện khoảng 13%. Với hiệu quả của mô hình tiết kiệm điện mới này, trong thời gian tới, Điện lực Sóc Trăng sẽ giới thiệu thêm mô hình sử dụng hộp số giảm tốc thay bộ phận truyền động từ sử dụng dây curoa, để giúp người nuôi tôm tiết kiệm hơn nữa điện năng. Ngoài ra, qua khuyến cáo, người nuôi cũng đã chuyển từ sử dụng bóng đèn dây tóc sang sử dụng đèn led để tiết kiệm điện.

Sóc Trăng là một trong những tỉnh nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trọng điểm của cả nước, nên nhu cầu về điện tới đây sẽ ngày càng cao, áp lực lên ngành điện sẽ ngày càng lớn. Tuy nhiên, với mục tiêu luôn đồng hành cùng ngành tôm, chắc chắn ngành điện sẽ có những giải pháp khả thi, giúp đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện, tạo điều kiện cho con tôm trúng mùa, nhưng vẫn tiết kiệm chi phí sản xuất, thông qua việc tiết kiệm điện.

Tích Chu

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang