• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Nâng cao hiệu quả ngành thủy sản

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 23/06/2017
Ngày cập nhật: 25/6/2017

Bến Tre có lợi thế đa vùng nuôi trồng, khai thác thủy sản nhưng chưa thể khai thác hết tiềm năng. Ảnh: T.Đạt

Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành thủy sản”, do UBND tỉnh Bến Tre vừa tổ chức, ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, qua 6 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích thả giống nuôi trồng thủy sản đạt hơn 40 ngàn héc-ta (tập trung tôm biển, nhuyễn thể, cá tra…), đạt gần 86% kế hoạch năm, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng sản lượng thu hoạch hơn 131 ngàn tấn, đạt 51% kế hoạch, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Gần 1.900 tàu cá khai thác thủy sản trên biển, thu được 91 ngàn tấn, tăng 31% so với cùng kỳ, đạt gần 45% kế hoạch năm. Tuy giá cả không ổn định nhưng tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt gần 17 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 46% giá trị sản xuất của khu vực nông nghiệp.

Ông Bùi Văn Lâm nhìn nhận thực trạng đang tồn tại đe dọa ngành thủy sản như: môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm; quy hoạch vùng nuôi, thủy lợi chưa sát với tình hình phát triển; một số mô hình kinh tế tập thể được xây dựng nhưng chưa phát huy hiệu quả; lĩnh vực khai thác thủy sản đứng trước nguy cơ cạn kiệt, ngư trường khai thác ngày càng hẹp, trong khi khâu bảo vệ sau khai thác còn rất thấp; ngư dân có tay nghề ngày càng mai một… Nguyên nhân do ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện theo chủ trương quy hoạch vùng… của một bộ phận người dân chưa cao. Trong lĩnh vực khai thác, công nghệ bảo quản còn lạc hậu nhưng ngư dân ngán ngại đầu tư, không dám đổi mới…

“Sản phẩm thủy sản nói chung của Bến Tre hiện tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng rất thấp. Điều này chẳng những làm giảm giá trị thương mại mà còn khó tìm được đầu ra trong nước, xuất khẩu. Hơn 400 cơ sở, doanh nghiệp thu mua nhưng chủ yếu sơ chế rồi bán lại” - ông Bùi Văn Lâm đánh giá.

Theo TS Nguyễn Văn Sáng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN&PTNT), phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến là giải pháp quan trọng. Để làm được điều này, ngoài vai trò quan trọng của Nhà nước trong đầu tư nghiên cứu, quy hoạch, tăng cường hiệu quả quan trắc môi trường, việc kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là từ các doanh nghiệp rất cần thiết. Việc tiên quyết hiện nay chính là công tác nghiên cứu để sản xuất con giống thủy sản có chất lượng tốt hơn và cung cấp cho người nuôi theo các chuỗi giá trị liên kết. Nguồn giống nên được tập trung sản xuất tại các tổ hợp tác, hợp tác xã. Doanh nghiệp và Nhà nước tăng cường công tác quản lý, kiểm dịch trước khi cung cấp ra thị trường.

Đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thủy sản như Việt Úc, CP, Huy Thuận… cho rằng, để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản thì quy hoạch thủy lợi cũng đóng một vai trò rất lớn. Mặt khác, Nhà nước nên tập trung hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế, tiềm lực cho doanh nghiệp dẫu đầu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập thừa nhận, thực trạng ở cả 3 lĩnh vực thủy sản, gồm: khai thác, nuôi trồng và chế biến đều yếu kém. “So với một số tỉnh, kỹ thuật nuôi tôm biển của Bến Tre còn tụt hậu, đặc biệt là việc phát triển vùng quy hoạch công nghệ cao. Ngoài ra, các vấn đề quy hoạch vùng nuôi, liên kết vùng trong khu vực… cũng cần phải khoa học hơn. Phương tiện đánh bắt chủ yếu là lưới kéo - một phương thức đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn lợi tự nhiên. Sản phẩm thủy sản chỉ dừng lại sơ chế, việc bảo quản sản phẩm chưa được chú trọng” - ông Lập nhìn nhận.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Lập, Sở NN&PTNT đóng vai trò quan trọng trong thực hiện giải pháp nền tảng xây dựng các chuỗi giá trị liên kết, truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Trong thực hiện, sở nên tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các sở, ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và chính quyền các địa phương có liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Xuyên suốt trong quá trình vận động của ngành thủy sản là chủ trương phát triển theo định hướng cho một nền nông nghiệp có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, bền vững trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Việc quan trọng trước mắt là giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường vùng nuôi, đầu tư phát triển con giống có chất lượng tốt hơn. Các địa phương phải thực hiện nghiêm chủ trương không để phát triển thêm phương tiện lưới cào và kêu gọi, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, trong đó ưu tiên các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao và chế biến thủy sản.

Thay đổi đồng bộ từ phương thức đánh bắt đến bảo quản

Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, ngành thủy sản đang đứng trước cơ hội rất lớn, bởi Trung ương đang tập trung thực hiện nhiều chính sách cho lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là con tôm biển phát triển tương xứng với tiềm năng. Cùng với đó là những kế hoạch cụ thể, những tiềm năng phát triển thủy sản vốn có của Bến Tre. UBND tỉnh, ngành nông nghiệp trong thời gian tới cần tập trung hoàn thiện một cách đồng bộ giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nông dân và doanh nghiệp liên kết trong các chuỗi giá trị.

Về thị trường tiêu thụ, ngoài hướng tới thị trường ngoài nước, cũng cần tập trung các mặt hàng thủy sản đặc sản để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Doanh nghiệp dẫn đầu có vai trò quan trọng trong thực hiện thành công chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản sạch, hữu cơ. Các doanh nghiệp này rất cần bộ công cụ chính sách hỗ trợ tích cực từ Nhà nước.

Vấn đề tái cơ cấu lĩnh vực khai thác thủy sản, việc quan trọng nhất hiện nay chính là khâu bảo quản sản phẩm sau khai thác. “Từ khi con cá bị bắt lên tàu, chúng liên tục bị “những trận đòn”, khiến các tế bào bị phá vỡ gần hết, quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn. Đó là chưa kể phương thức đánh bắt thủy sản của chúng ta còn quá nhiều bất cập cho sự phát triển bền vững. Cũng chính vì những sự tồn tại này, giá trị hải sản của chúng ta trên thị trường còn quá thấp. Tôi đề nghị chính quyền và ngành nông nghiệp cần làm sao để thay đổi đồng bộ từ phương thức đánh bắt đến bảo quản hải sản” - ông Phan Văn Mãi đề nghị.

Trọng Đạt

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang