• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cá đồng ngày càng hiếm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 19/01/2017
Ngày cập nhật: 20/1/2017

Giữa tháng chạp âm lịch, cây lúa đông xuân ngoại thành Long Xuyên (An Giang) cấy giặm vừa xong, còn đồng ruộng Tứ giác Long Xuyên trong giai đoạn xanh tươi. Bấy giờ, nông dân mới tính chuyện đánh bắt cá đồng, chuẩn bị bữa ăn tươm tất cho gia đình trong những ngày Tết, với nhiều sản vật miệt vườn do thiên nhiên ban tặng.

Đó là chuyện ngày xưa, ít ra cũng từ 5 - 10 năm trước. Nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên kể lại, hồi đó bạn hàng mua cá có mặt khắp nẻo đường, hễ ai bắt được cá đem bán là có người mua, nhất là các loài đặc sản, như: Tôm, lươn, rắn, rùa, ếch… “Bấy giờ, muốn lai rai mồi ngon, hay mua đem về ăn thì phải đi chợ thiệt sớm. Trời hừng sáng lên một chút tới chợ là chẳng còn thứ gì. Tất cả bạn hàng thu gom đưa về chợ huyện, chợ tỉnh bán hết, chỉ còn lại mấy thứ cá hủn hỉn” - ông Khưu Văn Thạnh (chợ Ba Dong, xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn) cho biết. Hiện tại, cá hủn hỉn cũng không đủ để ăn, mà hiếm khi đánh bắt được.

Ông Thạnh hướng dẫn dạo chợ, thấy toàn là rau cải và các loài cá nuôi ao, hầm, bè, như: Điêu hồng, cá tra, cá lóc, cá rô… và đại đa số các loài hải sản từ vùng biển. Không chỉ có Ba Dầu, Vĩnh Nhuận, Tây Phú… mà nhiều chợ trung tâm, chợ đầu mối vùng Tứ giác Long Xuyên, nổi tiếng là khu vực tụ họp nhiều loài thủy sản miệt đồng nước, giờ đây cũng thưa loài thủy sản đánh bắt thiên nhiên. Ông Trình Văn Tiến (kênh T4, xã Lạc Quới, Tri Tôn) cho hay, tại đây muốn kiếm con cá đồng không phải dễ, do nước trên đồng cạn kiệt, ai nấy lo thời vụ sản xuất, không đi bắt cá mắm gì được.

Nông dân Vĩnh Gia và Lạc Quới bảo rằng, người dân ở đây ăn cá đồng toàn là từ đồng tràm Mẹc Lung, Vĩnh Điều, Tân Khánh Hòa… (huyện Giang Thành, Kiên Giang) chở ra. Nguồn lợi thiên thiên trên kênh Vĩnh Tế không còn như xưa, nhất là khi đồng ruộng gieo sạ lúa đông xuân và bước vào những tháng mùa khô bắt đầu cạn kiệt. “Dân 2 xã này có tổ chức nuôi cá lóc, cá rô, lươn… nhưng hổng thạnh gì cho mấy, hổng ai mặn mà nuôi nữa” - ông Trần Văn Tuấn (ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia, Tri Tôn) kể. Như vậy, nguồn thủy sản nuôi trồng nước ngọt được bổ sung cho đánh bắt thiên nhiên, với việc “tự động” điều tiết các nơi khác theo nhu cầu mua bán trên thị trường, chủ lực vẫn là các loài hải sản tươi sống từ Ba Hòn, Hà Tiên.

Nghề cào cá ở Tứ giác Long Xuyên

Cá đồng và nhiều loại thủy sản đồng nước khác là sản vật quý báu của vùng Tứ giác Long Xuyên. Song, khi sản xuất phát triển thì nguồn lợi này bị giảm theo tỉ lệ nghịch, chưa xuất hiện mô hình nào góp sức để tái tạo hoặc có cũng không đáng kể. Ông Võ Thành Danh (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) cho biết, điển hình như chợ Ba Thê, nơi được xem là chi phối hàng hóa mạnh nhất trong vùng và ngày xưa đầy ắp các loài cá, sản vật miệt đồng. Vậy mà, giờ đây mặt hàng cá đồng cũng thiếu vắng, chợ bán toàn cá nuôi từ nơi khác chở tới, ít thấy mặt hàng cá tổ chức nuôi trồng tại chỗ để cung ứng nhu cầu tại địa phương.

Đề cập đến việc đánh bắt, khai thác cá đồng, nhất là vào mùa cận Tết, đối với người dân vùng Tứ giác Long Xuyên chỉ còn trong ký ức, họ coi như kỷ niệm một thời gắn bó với vùng đất này. Nhớ lại thời sung túc nhất, mấy mùa nước tràn đồng, thời điểm nước rút cuối năm và bước qua mùa khô là nguồn thủy sản đồng nước thiên nhiên dồi dào và phong phú chủng loài, khiến người ta cảm thấy hưng phấn lên, thực phẩm tươi sống cho bữa ăn hàng ngày không thiếu thứ nào. Song, trước sức tiêu thụ ngày càng lớn, con cá, sản vật miệt đồng lại “xuất khẩu” đi mạnh hơn, mọi biện pháp đánh bắt được áp dụng, khiến nguồn thủy sản tự nhiên cạn kiệt dần.

“Cá thiên nhiên là phải sinh sống trên kênh, rạch và đồng nước. Khi nó không có điều kiện trú ngụ để sinh sôi nảy nở, tái tạo thì tất nhiên bị cạn kiệt. Thế nhưng, để tái tạo nguồn lợi thiên nhiên, bổ sung mặt hàng thủy sản đồng nước bị cạn kiệt, gần như ít được nghe ai nhắc tới” - ông Nguyễn Văn Hải (xã Vọng Đông, Thoại Sơn) tỏ ra am hiểu.

TRẦN ĐĂNG – TRỌNG ÂN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang