• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cần phát triển chuỗi giá trị tôm nuôi

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 18/01/2017
Ngày cập nhật: 20/1/2017

Lĩnh vực nuôi tôm nước lợ chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của ngành Thủy sản Việt Nam. Đến nay, nghề nuôi tôm có sự phát triển mạnh mẽ với mức độ thâm canh ngày càng cao, cùng với đó là giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch của ngành Thủy sản. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, ĐBSCL là vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ của cả nước, chiếm khoảng 91% về diện tích và 82% về sản lượng. Trong đó, Bạc Liêu được xếp vào tỉnh có diện tích, sản lượng tôm nuôi lớn của khu vực ĐBSCL và cả nước.

Nghề nuôi tôm - thuận lợi và thách thức

Đối với nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, nhất là 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau, nghề nuôi tôm và chế biến tôm xuất khẩu đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng ngàn lao động. Năm 2016, Bạc Liêu có tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản hơn 304.400 tấn, cho kim ngạch xuất khẩu trên 450 triệu USD. Đặc biệt, năm 2016, Bạc Liêu tiếp tục gặt hái nhiều thành công từ các mô hình sản xuất, nuôi trồng hiệu quả như: nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng bền vững theo hướng VietGAP... Đồng thời, thực hiện mô hình liên kết chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản trên 300ha với hơn 180 hộ nông dân tham gia. Tôm nuôi từ các mô hình trên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá bán cao hơn các hộ nuôi đại trà từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Bạc Liêu cũng đang triển khai xây dựng Đề án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ), mở ra hướng đi mới, đột phá cho nghề nuôi tôm.

Chế biến tôm tại Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Âu Vững (TX. Giá Rai).

Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: L.D

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, nghề nuôi tôm ở 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau đã và đang đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro và chưa thật sự bền vững. Đó là nghề nuôi tôm còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, mối liên hệ hợp tác chuỗi giá trị tôm nuôi còn rời rạc, lỏng lẻo, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan… tạo nhiều áp lực cho phát triển nghề nuôi tôm.

Thực trạng trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất, đẩy ngành chế biến thủy sản xuất khẩu vào cảnh bị động về nguồn tôm nguyên liệu và chất lượng tôm. Kéo theo đó, các hoạt động thương mại, dịch vụ cung cấp cho nghề nuôi trồng thủy sản (như con giống, thức ăn và các dịch vụ đầu vào) cũng bị ảnh hưởng; và tỷ lệ nợ khó thu hồi, nợ xấu tăng cao ở các tổ chức tín dụng là khó tránh khỏi.

Phát triển chuỗi giá trị tôm nuôi

Với những khó khăn trên, việc tổ chức lại sản xuất thông qua xây dựng chuỗi giá trị cho con tôm là quan trọng và bức thiết. Vì vậy, tại hội thảo tham vấn Giải pháp phát triển cho vay theo chuỗi giá trị tôm ở 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau (do Viện Chiến lược - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tổ chức tại Bạc Liêu), các nhà quản lý, nhà khoa học đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp để Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục ban hành các chính sách cho vay theo chuỗi giá trị và các quy định, hướng dẫn cho các ngân hàng thương mại tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là ưu tiên đầu tư vốn sản xuất cho nông dân. Cũng như góp phần thực hiện có hiệu quả Dự án phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) thông qua chương trình Chuyển dịch châu Á đã ra đời và được triển khai trong 4 năm (2016 - 2019) trên địa bàn 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Dự án cũng hướng tới cải thiện việc tiếp cận các nguồn tài chính, hiệu quả sản xuất, trao quyền cho người nuôi tôm quy mô nhỏ, vận động hành lang cho việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững trong chính sách cho vay theo chuỗi giá trị của Chính phủ.

Để thực hiện mục tiêu chuỗi giá trị cho con tôm và hướng đến phát triển bền vững, nhiều mục tiêu lớn cũng được đề ra. Đó là thúc đẩy người nuôi tôm và các công ty chế biến xuất khẩu áp dụng và thực hành đánh giá tác động xã hội, tác động môi trường và đa dạng sinh học; nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và cải thiện tiếp cận tài chính; tăng cường năng lực và vị thế cho người nuôi tôm quy mô nhỏ và ủng hộ các áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững trong chính sách tín dụng theo chuỗi giá trị…

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để phát triển chuỗi giá trị cho con tôm Việt Nam và hướng đến phát triển bền vững, cần tập trung vào các giải pháp như: thực hiện các nhóm giải pháp về pháp lý trong việc bình đẳng, công khai về lợi ích và chịu trách nhiệm đến cùng với những cam kết của mình; hợp tác, tương hỗ lẫn nhau trong quá trình xử lý rủi ro; tuân thủ các quy trình trong chuỗi liên kết. Đồng thời đề xuất ngành quản lý và địa phương quy hoạch lại vùng nuôi và các dự án nuôi trồng; xây dựng khung pháp lý về hợp đồng kinh tế dân sự để bảo vệ lợi ích cho các chủ thể tham gia trong chuỗi (đặc biệt là lợi ích của người nông dân). Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn cần nghiên cứu nhu cầu khách hàng; học hỏi kinh nghiệm để triển khai cho vay theo các tiêu chí đánh giá và các điều kiện cho vay chuỗi giá trị. Lựa chọn một số doanh nghiệp tiêu biểu để triển khai mô hình thí điểm cho vay theo chuỗi giá trị tôm. Đối với doanh nghiệp, hộ nông dân, đơn vị bảo hiểm thì cần tích cực tham gia các khóa đào tạo; chủ động thương thảo và thương luận bộ quy tắc ứng xử mẫu; tăng cường công tác đánh giá kiểm soát rủi ro trong bảo hiểm nông nghiệp…

Hy vọng, việc tích cực thực hiện chuỗi giá trị cho con tôm sẽ góp phần tạo thêm những động lực, sức bật mới cho nghề nuôi tôm và giúp ngành chế biến xuất khẩu thủy sản ngày càng phát triển.

TRƯƠNG BIÊN CƯƠNG

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang