• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc: Cơ hội và rủi ro!

Nguồn tin: Vasep, 15/03/2017
Ngày cập nhật: 16/3/2017

Tháng 1/2017, trong khi giá trị XK cá tra sang Mỹ giảm mạnh: 40,9%, sang EU giảm 22,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng XK cá tra sang thị trường XK đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam là Trung Quốc – HongKong vẫn đạt 17,7 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng XK hàng năm cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng từ 24,2 - 88,7%. Trong đó, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường năm 2016 đạt 304,7 triệu USD, tăng gấp 4,17 lần so với 5 năm trước đó (năm 2012) và tăng gần gấp 2 lần so với năm trước đó (2015). Sự gia tăng đột biến XK sang thị trường này vừa là cơ hội lớn nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều rủi ro…

Nhu cầu cao, khả năng bù đắp tốt

Chỉ trong 2 năm từ 2015 - 2016, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc XK tăng gần 2 lần. Với một đất nước với số dân 1,4 tỷ người, sức tiêu thụ thủy sản, trong đó có cá tra ngày càng mạnh mẽ thì đây quả là một sự bù đắp tốt và là cơ hội cho các DN XK cá tra đang bị gặp khó tại các thị trường XK lớn như hiện nay. Khoảng cách địa lý gần, giao thông thuận tiện, chung một múi giờ, trong năm 2016, nhiều DN cá tra Việt Nam đã nhận thấy sức hút tại thị trường này. Theo phản ánh của nhiều DN, nhu cầu thu mua cá tra tiêu dùng nội địa tại các nhà hàng, khách sạn, bữa ăn trường học, công ty… của Trung Quốc – HongKong tăng mạnh. Người Trung Quốc cũng đã chế biến được 600 món ăn khác nhau từ sản phẩm cá tra Việt Nam.

Trong 10 năm trở lại đây, nhu cầu NK thủy sản của Trung Quốc tăng mạnh, trong đó, tôm và cá tra là hai sản phẩm có giá trị NK từ Việt Nam cao nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây, sức tăng trưởng NK cá tra tại thị trường trường này tăng rất nhanh, cá tra đã dần trở thành món ăn ưa thích bên cạnh các mặt hàng hải sản, cá thịt trắng hay cạnh tranh cả với sản phẩm thế mạnh cá rô phi Trung Quốc.

Năm 2016, XK cá tra sang hầu hết các thị trường lớn gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù XK cá tra sang thị trường Mỹ vẫn đạt mức 387,4 triệu USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ nhưng DN XK cá tra bám trụ lại được thị trường này chưa đến 4 DN do thuế chống bán phá giá quá cao và rào cản kỹ thuật ngặt nghèo của Chương trình thanh tra cá da trơn.

Giá trị XK cá tra sang thị trường lớn thứ 3 (vốn là thị trường lớn thứ 2) cũng bị giảm sút liên tiếp trong 3 năm vừa qua. Kết thúc năm 2016, giá trị XK sang thị trường này đạt 261,1 tiếp tục giảm 8,4% so với năm trước. Khó cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng bản địa cộng với việc truyền thông bôi bẩn trên nhiều thị trường Châu Âu, giá trị NK cá tra từ Việt Nam giảm và giảm. Các thị trường XK cá tra lớn khác với mức giá XK ở mức khá như: ASEAN cũng giảm 0,2%, Mexico giảm 12%, Brazil giảm 12,5%, Colombia giảm 5,4%, Ảrập Xêút giảm 16,6% so với năm trước.

Do vậy, Trung Quốc được coi là thị trường thay thế tiềm năng cho các DN XK cá tra trong năm 2016 và có thể cả trong một vài năm tới.

Mừng nhưng lo

Theo phản ánh của một số DN XK cá tra, XK cá tra sang thị trường Trung Quốc rất tiềm năng và nhiều cơ hội. Có thời điểm, giá XK cá tra tại Trung Quốc còn cao hơn so với thị trường EU. Phản ứng về việc tăng giá của khách hàng Trung Quốc tốt và họ sẵn sàng chấp nhận vì thực chất DN nước này có thể lời gấp hàng chục lần so với giá mua tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, bán cá tra cho một số DN Trung Quốc đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro, trong đó có rủi ro trong thanh toán. Một DN cho biết, thông thường, nhiều DN Trung Quốc đề nghị chỉ đặt cọc khoảng 30% tổng tiền lô hàng cá tra, cộng với giá vận chuyển trung bình một lô hàng cá tra tới cửa khẩu khoảng 45 - 47 triệu đồng, nếu container tới cửa khẩu và phía bạn nhận hàng thì DN được còn nếu không thì coi như mất trắng.

Hiện nay, phần lớn sản phẩm cá tra XK sang thị trường Trung Quốc ở 2 dạng chính: cá tra xẻ bướm và philê. Một số DN cho rằng, với sản phẩm cá tra xẻ bướm, nếu khách hàng Trung Quốc mua thì vui vì giá tốt, lượng hàng lớn nhưng nếu không mua thì khó có thể xuất sang thị trường nào.

Tiền thanh toán các đơn hàng cá tra xuất sang Trung Quốc khá đa dạng, khách hàng có thể trả bằng đồng đô la, Nhân dân tệ hoặc thậm chí là cả Việt Nam đồng. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng yêu cầu trả bằng Nhân dân tệ hoặc Việt Nam đồng. Tất nhiên, phần lớn DN XK Việt Nam mong muốn khách hàng trả bằng USD nhưng nhiều DN Trung Quốc chỉ trả bằng tiền đồng giống như việc tiêu thụ nội địa.

Trong bối cảnh các nhà NK Trung Quốc tăng mua thông qua cả hai con đường chính ngạch và tiểu ngạch sản phẩm thủy sản, cơ quan thẩm quyền hai nước cũng đã có những thỏa thuận về việc kiểm soát chất lượng hàng thủy sản XK. Theo đó, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) là cơ quan được giao cấp chứng nhận cho các lô hàng XK. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề thương mại đường biên mậu vẫn còn kẻ hở khiến cho nhiều thương nhân Trung Quốc vẫn mua hàng mà không cần tới giấy chứng thư cho lô hàng qua đường tiểu ngạch.

Một số DN cho rằng, để tránh những bài học đã từng xảy ra giống như mặt hàng chè trong vài năm trước tại thị trường Đài Loan. Hiện nay, một số DN nước ngoài đang thuê nhà máy hoặc gia công sản phẩm cá tra Việt Nam rồi vận chuyển bằng đường bộ sang tiêu thụ tại Trung Quốc qua đường tiểu ngạch không qua kiểm soát. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng thủy sản XK đồng thời thiếu công bằng cho các DN XK.

Năm 2014, một số kênh thông tin đại chúng của Đài Loan đã tung tin trà Việt Nam “nhiễm dioxin” đã khiến cho hàng trăm tấn hàng trà của Việt Nam (chủ yếu là của Lâm Đồng) xuất sang Đài Loan không thông quan được và nếu thông quan được cũng khó tiêu thụ tại thị trường nước này... Trong khi đó, hơn 70 container trà Ô Long trị giá hơn 140 tỷ đồng bị ách tắc tại Đài Loan, trong đó có nhiều lô hàng của các DN Đài Loan SX trồng, chế biến chè ở Lâm Đồng....

Như vậy, rõ ràng, sức tiêu thụ khổng lồ tại thị trường Trung Quốc đang mở ra cho DN XK cá tra Việt Nam cơ hội và bù đắp cho những thiếu hụt tại các thị trường khác đang gặp khó. Nhưng bên cạnh sự tăng trưởng đột biến này, các DN cũng cần lưu ý một số trường hợp rủi ro và đẩy mạnh hay duy trì chất lượng sản phẩm cá tra XK sang thị trường Trung Quốc – Hong Kong để tránh “vết xe đổ” mà các DN XK chè đã gặp phải.

Tạ Hà

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang