• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kiên Giang: Tạo nguồn tôm nguyên liệu sạch cho chế biến xuất khẩu thủy sản

Nguồn tin: Kiên Giang, 28/02/2017
Ngày cập nhật: 1/3/2017

Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh, tiềm năng kinh tế tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh Kiên Giang, trong đó có nuôi tôm. Đầu tư phát triển nuôi tôm từ nay đến năm 2020 là nội dung cốt lõi trong thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, vừa khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng đất đai, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, vừa cung ứng nguồn tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản, giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Hội nghị triển khai thực hiện Điều chỉnh quy hoạch gắn với cơ cấu lại nông nghiệp - nông thôn ngày 16/01/2017.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: Quy hoạch diện tích nuôi tôm nước lợ đến năm 2020 khoảng 104.325 ha, gồm các loại hình: nuôi công nghiệp - bán công nghiệp, quảng canh cải tiến 19.325 ha, tôm - lúa 80.000 ha; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 80.000 tấn.

Theo đó, tỉnh Kiên Giang chú trọng đầu tư phát triển nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp trên vùng Tứ giác Long Xuyên 4.700 ha và U Minh Thượng 300 ha theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững. Chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm để tăng giá trị sản xuất, cung ứng nguyên liệu chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho hay: Vùng nuôi tôm công nghiệp Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông, lưới điện, hệ thống kênh cấp, tiêu thoát nước đồng bộ và 2 trạm quan trắc môi trường tự động. Xây dựng tiểu vùng nuôi tôm công nghệ cao, áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh đạt chuẩn VietGAP, Global GAP, ASC, BAP… Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ con giống, thức ăn; quản lý, xử lý nước tuần hoàn; kiểm soát dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường bằng các công nghệ hiện đại. Áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Sản xuất ra khối lượng tôm hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng, cung cấp cho thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.

Tỉnh Kiên Giang nghiên cứu, thực hiện các loại hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: nuôi thâm canh, năng suất 10 - 20 tấn/ha/vụ; siêu thâm canh tôm trong nhà kính, năng suất 100 tấn/ha/năm; siêu thâm canh tôm với công nghệ biofloc, năng suất 100 - 150 tấn/ha/năm và nuôi tôm theo công nghệ tuần hoàn khép kín (RAS) 500 tấn/ha/năm. Hiện nay, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang bước đầu thành công trong thực nghiệm một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình công nghệ nuôi thâm canh và siêu thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cao. Điển hình như: Ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trong ao lót bạt thực hiện tại vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang. Hiệu quả mô hình này năng suất tôm hơn 30 tấn/ha/vụ, mỗi năm nuôi từ 2 - 4 vụ, nguồn tôm nguyên liệu sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP cung ứng thị trường nội địa và chế biến xuất khẩu. Nuôi tôm thương phẩm 3 giai đoạn năng suất cao trên ao lót bạt đáy của Công ty BIM - Kiên Giang, năng suất 20 - 40 tấn/ha/vụ, tôm thương phẩm sạch, kiểm soát được dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi. Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong ao lót bạt đáy của Công ty cổ phần Trung Sơn năng suất cao tại huyện Kiên Lương. Nuôi tôm mật độ thưa vừa sức tải môi trường, mật độ 40 - 60 con/m² của Công ty Minh Phú cho năng suất cao và phát triển bền vững.

Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hộ dân, doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp trên vùng Tứ giác Long Xuyên, tập trung ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Hoàn thành các hạng mục công trình, dự án hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Vàm Răng - Ba Hòn; triển khai dự án cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản Bình Trị (Kiên Lương) phục vụ sản xuất và thu hút đầu tư nuôi trồng thủy sản.

Trên vùng U Minh Thượng, quy hoạch 80.000 ha theo mô hình tôm - lúa và 19.325 ha nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao… Thi công hoàn thành hệ thống 30 cống thủy lợi trên tuyến đê biển An Biên - An Minh, tổ chức sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngoài ra, tập trung đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành những công trình thủy lợi trọng yếu, bức xúc trên địa bàn để đưa vào khai thác, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững và hiệu quả.

Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: “Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp thì mô hình tôm - lúa có nhiều ưu điểm vượt trội và thích ứng khá tốt. Có thể nói đây là mô hình sản xuất thông minh. Tỉnh tiếp tục đầu tư nghiên cứu khoa học, hoàn thiện quy trình canh tác của mô hình này để chuyển giao cho nông dân sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả. Mô hình tôm - lúa rất thân thiện với môi trường, vừa có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa sạch có giá trị xuất khẩu, vừa giúp nông dân thu về hai nguồn lợi trên cùng một diện tích sản xuất là tôm và lúa.”

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng khẳng định: Lĩnh vực nuôi tôm là một trong những nội dung quan trọng của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh và đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các ngành hữu quan và các địa phương vùng nuôi tôm trọng điểm rà soát hệ thống thủy lợi, chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm; tăng cường công tác khuyến ngư, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi; tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách riêng để hỗ trợ phát triển nuôi tôm; đổi mới và nhân rộng các mô hình nuôi tôm an toàn, hiệu quả và bền vững để phát huy tiềm năng của từng vùng, tiểu vùng sản xuất, tạo ra nguồn tôm nguyên liệu sạch cung ứng cho thị trường nội địa và chế biến xuất khẩu./.

Lê Huy Hải (TN - http://vanphong.kiengiang.gov.vn)

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang