• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chế biến hải sản - từ phân tán đến tập trung, những vấn đề đặt ra - Bài 3: Sau tất cả, vẫn là lợi ích lâu dài

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 06/12/2017
Ngày cập nhật: 8/12/2017

Các cơ sở, chế biến hải sản mong muốn các cấp chính quyền có những chính sách hỗ trợ khi di dời để các cơ sở nhanh chóng ổn định lại việc sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Chế biến hải sản tại Công ty TNHH Hwa Kyung Vina Bình Châu Seafood (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc). Ảnh: THANH TRÍ

Việc di dời các cơ sở chế biến hải sản (CBHS) vào khu CBHS tập trung nhằm hướng đến mục tiêu phát triển ngành này một cách bền vững, mang đến lợi ích lâu dài cho các cơ sở CBHS. Tuy nhiên, khi thực hiện di dời, CBHS sẽ gặp khó khăn vì phải tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở sản xuất tại địa điểm mới. Cho nên, chính sách hỗ trợ khi tổ chức di dời là vấn đề quan tâm hàng đầu của các chủ cơ sở CBHS.

Lợi ích khi vào khu CBHS tập trung

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty đầu tư và khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (gọi tắt là Công ty IZICO), đơn vị quản lý và khai thác hạ tầng 2 khu CBHS tập trung huyện Xuyên Mộc và huyện Đất Đỏ cho biết: Các khu CBHS tập trung sẽ được xây dựng với hạ tầng hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cơ sở CBHS. Ngoài hạ tầng cơ bản, khu CBHS tập trung còn có cả phòng thí nghiệm, nhà kho, hệ thống quan trắc môi trường tự động, hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Riêng hệ thống XLNT ở các khu CBHS tập trung áp dụng công nghệ cao nên nước thải qua xử lý đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn môi trường… Do đó, khi di dời vào khu CBHS tập trung, các DN sẽ không phải bận tâm nhiều đến việc tìm chỗ để xả thải.

Hiện nay, hạn chế lớn nhất của các cơ sở CBHS trên địa bàn tỉnh là yếu kém về khâu xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Trong khi, hầu hết cơ sở đều không được quy hoạch bền vững, nằm xen trong khu dân cư, hoặc gần khu dân cư. Vì vậy, nhiều năm qua, cơ sở CBHS chưa có chỗ thật sự để “an cư, lạc nghiệp”. Họ bị trói buộc vào thế luẩn quẩn, muốn phát triển, mở rộng quy mô cũng không được, muốn đầu tư cho bài bản lại sợ mai mốt phải di dời. Và bây giờ, khi chuyện di dời đã rõ ràng, bản thân họ lại lo lắng về tương lai phát triển và các khoản chi phí đầu tư cơ sở sản xuất, ổn định thị trường ở địa điểm mới.

Sản xuất nước mắm tại cơ sở nước mắm Thăng Long (phường 5, TP.Vũng Tàu).

Để giúp cho DN nhìn nhận cởi mở hơn trước khi thực hiện di dời, PV báo BR-VT đã gặp đại diện Nhà máy chế biến bột cá Tân Tiến - một trong 5 cơ sở CBHS may mắn tồn tại trong khu vực quy hoạch xây dựng khu CBHS tập trung huyện Đất Đỏ. Ông Nguyễn Đăng Dũng, Quản lý Nhà máy chế biến bột cá Tân Tiến cho biết: “Trước đây, khi còn là một cơ sở sản xuất nhỏ ở TP.Vũng Tàu, chúng tôi cũng gặp những vấn đề tương tự như các cơ sở CBHS đang gặp phải (bị người dân phản ánh về ô nhiễm, không dám đầu tư cơ sở sản xuất bài bản). Từ năm 2000, chúng tôi quyết định chọn một nơi nằm xa khu dân cư để di dời cơ sở sản xuất. Và may mắn là địa điểm chọn lại đúng khu vực quy hoạch khu CBHS tập trung huyện Đất Đỏ hiện nay”. Theo ông Dũng, do nằm xa khu dân cư nên quá trình sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, hoạt động sản xuất rất ổn định. Hiện nay, Nhà máy bột cá Tân Tiến đã mở rộng quy mô, đạt công suất sản xuất 50 tấn/ngày. Nhà máy được đầu tư hệ thống XLNT vi sinh công suất 300m3/ngày đêm; hệ thống khử mùi bằng công nghệ ozone. “Theo tôi, chuyển vào các khu CBHS tập trung theo quy hoạch của tỉnh, ban đầu các cơ sở sẽ gặp khó khăn, nhưng về lâu dài, các DN sẽ có điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất”, ông Dũng nói.

Việc di dời các cơ sở chế biến nhỏ lẻ vào khu chế biến hải sản tập trung sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất chế biến hải sản tại 1 cơ sở trên địa bàn thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ).

Đang xây dựng chế độ hỗ trợ di dời

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ cho biết, hiện trên địa bàn huyện Đất Đỏ có khoảng 70 cơ sở chế biến hải sản (tập trung tại xã Lộc An và thị trấn Phước Hải) và hầu hết đều không được cấp phép hoạt động. Khi được huyện tuyên truyền vận động di dời, đa phần các hộ sản xuất đều tán thành nhưng họ đều rất quan tâm đến vấn đề mức hỗ trợ di dời.

Trước chủ trương di dời các cơ sở CBHS, ông Nguyễn Văn Được, chủ cơ sở sản xuất cá khô tại khu vực Mộ Ông (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) thể hiện quan điểm: “Tôi hoàn toàn tán thành với chủ trương di dời vào khu CBHS sản tập trung. Cơ sở chế biến của chúng tôi có quy mô nhỏ, trung bình mỗi tuần chỉ làm khoảng 300kg sản phẩm. Nếu như giá đất cho thuê quá cao, chúng tôi lo lắng sẽ gặp khó khăn. Vì vậy tôi hy vọng chính quyền địa phương quan tâm xem xét để có những chính sách di dời hợp lý để giúp người dân đầu tư sản xuất ổn định”, ông Được nói.

Cùng quan điểm đó, ông Trần Văn Lợi, chủ cơ sở sản xuất mực khô Lợi Hảo (ấp Thanh Bình 3, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cho biết: “Hiện nay, do cơ sở sản xuất của tôi gần biển nên có thể tận dụng nguồn nước biển để sản xuất. Nếu vào khu CBHS tập trung, chúng tôi sẽ không còn nguồn nước sẵn như thế này nữa, liệu DN có được hỗ trợ đầu tư hay không”. Còn ông Đinh Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ Thương mại Thanh Loan (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) tỏ ra phấn khởi nhưng cũng muốn biết rõ về giá thuê đất và các chính sách hỗ trợ khác: “Khi biết được thông tin có khu CBHS tập trung tại địa phương, tôi phấn khởi vì có một nơi để hoạt động ổn định. Tôi muốn sớm biết về giá thuê đất, thời gian thuê, các chính sách hỗ trợ… khác để chủ động kế hoạch di dời”.

Ông Huỳnh Trung Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Hiện tỉnh đã xây dựng chương trình hỗ trợ di dời. Theo đó, chương trình này sẽ hỗ trợ các đơn vị, DN phải di dời tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới; hỗ trợ cho việc tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị; hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới; hỗ trợ người lao động trong thời gian ngừng sản xuất; chính sách sử dụng đất tại vị trí cũ; hỗ trợ một lần đối với cơ sở tự chấm dứt hoạt động sản xuất. Mỗi cơ sở sản xuất có cơ sở di dời chỉ được hỗ trợ 1 lần, trường hợp được ngân sách hỗ trợ từ quy định khác thì không được xem xét hỗ trợ theo chính sách này. Nguồn vốn hỗ trợ do ngân sách địa phương cân đối, các cơ sở sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ phải đúng mục đích, chế độ, chịu sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. “Hiện dự thảo này đang được triển khai lấy ý kiến của người dân trên cổng thông tin điện tử và tại các huyện, thành phố. Sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp, UBND tỉnh sẽ hoàn thành dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh phê duyệt để áp dụng trong giai đoạn 2018-2025”, ông Sơn cho biết.

Địa phương chủ động “đón đầu”

* Ông Lê Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, việc di dời các cơ sở chế biến vào khu CBHS tập trung là cần thiết và đúng đắn. Huyện sẽ tổ chức họp dân để thông báo tham khảo ý kiến về giá đất cũng như các chính sách di dời đến người dân để ghi nhận báo cáo về UBND tỉnh để tỉnh sớm ban hành các quyết định phục vụ việc sớm đưa vào sử dụng các Khu CBHS tập trung.

* Bà Lê Kim Lựu, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) cho biết, xã đang tập hợp danh sách các DN, hộ gia đình cá nhân đăng ký chuyển cơ sở sản xuất vào khu CBHS tập trung huyện Xuyên Mộc. Đối với những trường hợp nằm trong diện buộc phải di dời, xã đã thông báo, họp bàn để vận động các DN có kế hoạch chuẩn bị.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang