• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chế biến hải sản - từ phân tán đến tập trung, những vấn đề đặt ra - Bài 1: Chưa tận dụng hết thế mạnh

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 04/12/2017
Ngày cập nhật: 6/12/2017

Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường tỉnh lấy mẫu nước thải từ miệng xả của một nhà máy chế biến hải sản có nguồn thải ra cống số 6, xã Tân Hải, huyện Tân Thành.

Chế biến hải sản (CBHS) là nghề truyền thống và là một mũi nhọn xuất khẩu, giúp BR-VT mỗi năm thu về gần 300 triệu USD. Tuy nhiên, ngành CBHS đang bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường. Việc quy hoạch khu CBHS tập trung để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, ổn định sản xuất, phát triển thị trường là vấn đề cấp thiết mà BR-VT đang triển khai.

Cơ sở CBHS quy mô nhỏ lẻ, hoạt động chế biến và xả thải chưa đạt chuẩn về môi trường đang gây ra những tác động không nhỏ đến đời sống của người dân.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Khai thác và CBHS là thế mạnh thứ hai của BR-VT, sau dầu khí. Ngành khai thác hải sản của tỉnh dựa trên nguồn lợi hải sản vùng biển Đông Nam bộ với trữ lượng khoảng 2 triệu tấn, cho phép khai thác hàng năm khoảng 800 ngàn tấn. Từ nguồn nguyên liệu phong phú, ngành CBHS của tỉnh có điều kiện phát triển, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm. Kim ngạch xuất khẩu hải sản hàng năm của tỉnh đạt khoảng gần 300 triệu USD/năm.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 224 DN CBHS với tổng công suất thiết kế trên 250.000 tấn thành phẩm/năm. Các cơ sở CBHS tập trung ở những khu vực: phường 5, phường 10, phường 11, 12 (TP. Vũng Tàu); khu phố Hải Hà, khu vực Cửa Lấp (huyện Long Điền); xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ); xã Tân Hải (huyện Tân Thành)… Tuy nhiên, các cơ sở CBHS nhỏ chiếm đến khoảng 400 cơ sở hoạt động ở các khu vực gần biển trong đó có khoảng 118 cơ sở nằm trong khu dân cư (tăng 2-3 lần so với giai đoạn trước năm 2010).

Sự gia tăng nhanh chóng của các cơ sở CBHS một cách tự phát, không chỉ gây mất cân đối cung cầu nguyên liệu mà còn tạo ra áp lực lớn đối với các vấn đề kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Thống kê gần đây của Sở NN-PTNT, chỉ có 4% các DN sử dụng công nghệ hiện đại của châu Âu, 1 đơn vị có dây chuyền cấp đông nhanh rời IQF tiên tiến. Qua đó cho thấy, trình độ kỹ thuật công nghệ trong ngành CBHS trên địa bàn tỉnh hiện nay còn thấp, tỷ trọng lao động thủ công cao, trang thiết bị lạc hậu và không đồng bộ.

Khung cảnh nhếch nhác, bừa bộn, mất ATVSTP tại một điểm chế biến hải sản trên địa bàn huyện Đất Đỏ.

Tạo nên những “điểm nóng” ô nhiễm môi trường

20 năm qua, bãi biển Hải Hà (dài hơn 2km thuộc khu phố Hải Hà, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) như một cái ao tù đọng nước thải đen ngòm (người dân quen gọi khu vực này là ao Hải Hà). Tác nhân chính gây ô nhiễm ở khu phố Hải Hà là 51 trại sơ chế, phân loại cá trong khu vực. Các trại cá ở khu phố Hải Hà là nơi thu gom hải sản từ các ghe, tàu rồi phân loại, sơ chế trước khi bỏ mối và bán lẻ ở các chợ. Điều đáng nói là cả 51 trại phân loại cá này chưa có hệ thống xử lý nước thải và thu gom rác thải.

Khu vực Cửa Lấp - giáp ranh giữa TP. Vũng Tàu và huyện Long Điền, nhiều năm qua ô nhiễm nghiêm trọng do xả thải của các cơ sở CBHS. Tại khu vực đường Bờ Đê dọc chân cầu Cửa Lấp, nước sông đục ngầu, mùi hôi thối nồng nặc. Còn đoạn sông Cửa Lấp chảy qua địa phận phường 12, nước nhuốm màu đen, đóng thành từng mảng và bốc mùi hôi thối. Bà Lê Thị Thúy (ở nhà số 1750/50 đường 30-4, phường 12, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Sông Cửa Lấp ô nhiễm ngày một nặng. Vào những ngày trời mưa hoặc khi gió chướng, người dân ở đây không ai chịu nổi mùi hôi thối, nhà nào cũng phải đóng kín cửa và ở hẳn trong nhà”.

Khu CBHS Tân Hải (huyện Tân Thành) được hình thành từ những năm 1998, đến nay đã có 22 cơ sở hoạt động với các loại hình như nước mắm, bột cá, surimi... Trong số 22 DN có 13 cơ sở được cấp phép xây dựng hoặc giấy chứng nhận đầu tư, 9 cơ sở còn lại không có giấy phép xây dựng. Trước tình hình ô nhiễm nghiêm trọng, từ năm 2009, UBND tỉnh đã có thông báo yêu cầu các DN không được mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực này vẫn không thuyên giảm, đặc biệt là ở khu vực cống số 6. Đỉnh điểm là tháng 9-2015, cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) xảy ra hiện tượng chết hàng loạt, gây thiệt hại hơn 18 tỷ đồng. Sau sự việc này, đã có 16 DN buộc phải đóng cửa, ngưng hoạt động.

Một cơ sở chế biến hải sản tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ. Ảnh: TÂM TRÍ

Nhiều nơi phải phục hồi môi trường

Thời gian qua, để xử lý ô nhiễm ở cống số 6 (xã Tân Hải), Sở TN-MT đã phối hợp với Viện Tài nguyên - Môi trường cải tạo trầm tích bằng việc xây dựng các ô chứa để bơm bùn lên phơi và sử dụng chế phẩm sinh học Biomix khử mùi.

Ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, ngoài khu vực CBHS xã Tân Hải (huyện Tân Thành), nhiều khu vực CBHS trên địa bàn tỉnh đều nằm trong diện phải cải tạo, phục hồi môi trường. Cụ thể, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt đề án xử lý ô nhiễm môi trường khu vực Cửa Lấp (TP.Vũng Tàu). Theo đó, Sở TN-MT sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tập trung thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, xử lý, khắc phục ô nhiễm các nguồn thải trực tiếp vào khu vực Cửa Lấp.

Tại khu phố Hải Hà (huyện Long Điền), từ tháng 1-2017, UBND huyện Long Điền đã họp dân thông báo về chủ trương di dời 51 trại cá trong khu vực để cải tạo, phục hồi môi trường. Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, chủ các cơ sở CBHS cơ bản thống nhất chủ trương di dời. Hiện huyện Long Điền đang rà soát, phân loại và có kế hoạch hỗ trợ các cơ sở CBHS ở đây tiến hành di dời. Sau đó, huyện sẽ thực hiện cải tạo môi trường bằng các giải pháp như nạo vét những khu vực bị ô nhiễm, xây đụn cát lọc nhân tạo, thu gom rác, trồng cây xanh…

Theo báo cáo của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh có hơn 400 cơ sở CBHS trong đó có 118 cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư. Sở TN-MT đã khoanh vùng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường gồm: khu CBHS tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành), khu vực các xã An Ngãi, Phước Hưng, Phước Tỉnh và khu phố Hải Hà (huyện Long Điền), các cơ sở chế biến hải sản tại phường 5, 10, 11 và 12 (TP. Vũng Tàu); khu vực CBHS cầu Cửa Lấp (TP. Vũng Tàu và huyện Long Điền)... Ông Nguyễn Dũng, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, dù đã khoanh vùng điểm nóng ô nhiễm môi trường nhưng việc cải thiện, khắc phục hiện nay chưa mấy hiệu quả.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang