• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

‘Thẻ vàng’ EU và 'khung cửa hẹp' của thủy sản Việt Nam

Nguồn tin: Báo Chính phủ, 22/11/2017
Ngày cập nhật: 23/11/2017

Luật Thủy sản mới được kỳ vọng giúp Việt Nam tránh được việc nhận “Thẻ đỏ” từ EU, nhưng tới 2019 mới có hiệu lực thi hành. Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng đang "tổng lực" triển khai các giải pháp với mục tiêu trong vòng 6 tháng sẽ thoát khỏi tình trạng "Thẻ vàng" mà EU đã cảnh cáo.

Tại buổi làm việc với Phái đoàn EU chiều 21/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã bày tỏ đáng tiếc trước việc EU ban hành “Thẻ vàng”- cảnh báo việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU, tạo ra môi trường phức tạp hơn khi hai bên đang đẩy mạnh hợp tác thương mại-đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao khuyến nghị của EU nhằm hỗ trợ Việt Nam xử lý các vấn đề về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo. Các khuyến nghị phù hợp với chủ trương của Việt Nam là thực hiện chính sách nghề cá bền vững, phòng, chống tiến tới chấm dứt các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp. Các cơ quan của Việt Nam đã và đang nỗ lực tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý, ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng này.

Phó Thủ tướng mong muốn EU sớm rút “Thẻ vàng” để không tạo lo lắng cho ngư dân Việt Nam và ảnh hưởng tới việc hai bên ký EVFTA trong thời gian tới.

Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, EU sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện các giải pháp cần thiết, đi đến sớm rút “Thẻ vàng” cho thuỷ hải sản của Việt Nam.

Cùng ngày, tại cuộc họp báo giới thiệu Luật Thủy sản vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới “Thẻ vàng” của EU.

Một điểm đáng chú ý, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Luật Thủy sản vừa được thông qua đã luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của EC.

Cụ thể, các khuyến nghị đó được thể hiện trong các nội dung sau: Quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá. Quy định nội dung quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn. Về quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là Luật Thuỷ sản 2017 dù được kỳ vọng giúp Việt Nam tránh được việc nhận “Thẻ đỏ” từ EU, nhưng đến ngày 1/1/2019 mới có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 6 tháng cho việc thay đổi “Thẻ vàng” từ EU.

Tìm mọi cách thoát “Thẻ vàng”

Trước câu hỏi liệu Việt Nam có thoát được “Thẻ vàng” của EU trước 2019 không, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, năm nay Ủy ban châu Âu (EC) có 3 đoàn sang kiểm tra, có 2 Cao ủy sang làm việc với lãnh đạo Bộ. Thủ tướng đã có Công điện 732 nêu rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, nếu để tàu địa phương vi phạm vùng đánh bắt sẽ xử nghiêm.

“Đến nay tình trạng tàu cá vi phạm của Việt Nam đã giảm hẳn. Quảng Ngãi từ tháng 7 đến nay không ghi nhận 1 tàu cá nào vi phạm nữa mặc dù đây là tỉnh đội sổ về số tàu cá vi phạm vùng đánh bắt lâu nay. EU quan tâm đến các hành động thực tiễn”, Thứ trưởng cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng, “chúng ta sẽ tìm mọi cách để thoát thẻ vàng. Tất cả các nội dung làm việc với EU thì Bộ sẽ quyết tâm để được cụ thể hóa”.

Bộ NN&PTNT cũng vừa có văn bản gửi 7 Bộ gồm Bộ Quốc Phòng, Công an, Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông cùng UBND các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang xin góp ý về Chỉ thị của Thủ tướng về việc khắc phục việc EC cảnh báo bằng “Thẻ vàng”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ NN&PTNN xin ý kiến góp ý từ các bộ ngành, địa phương về các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng trên. Văn bản gửi về Bộ trước ngày 23/11 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước ngày 30/11.

Trước đó, ngày 23/10, EU đã quyết định rút "Thẻ vàng” với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc IUU. Đây là một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam, bởi trong 10 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên EU đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam, với kim ngạch 1,215 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2016.

Những hệ lụy có thể xảy ra là uy tín và thương hiệu của ngành hải sản bị ảnh hưởng; xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ - nước chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác IUU từ 1/1/2018...

Hơn nữa, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu...

Đặc biệt, Việt Nam có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót. Nếu không có các biện pháp nhằm cải thiện tình hình, theo đánh giá của EU, chúng ta sẽ bị chuyển sang cảnh báo “Thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU.

Thanh Hằng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang