• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hệ lụy từ "thẻ vàng" của EU đối với hải sản

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 29/10/2017
Ngày cập nhật: 31/10/2017

Việc EU “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam đã tác động nhiều đến hoạt động xuất khẩu. Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood trong giờ sản xuất. Ảnh: QUANG VŨ

Ngày 23-10 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EU) đã chính thức “rút thẻ vàng” (hình thức cảnh cáo chưa đi kèm các biện pháp trừng phạt) đối với hải sản Việt Nam, với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp. Việc này là thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam, bởi uy tín và thương hiệu của ngành hải sản bị ảnh hưởng; xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm...

Là công ty sản xuất kinh doanh và xuất khẩu trong lĩnh vực hải sản, Công ty CP Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) đã có thị phần xuất khẩu lớn sang nhiều quốc gia, trong đó có các nước EU. Ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT Coimex cho biết: Lượng hàng xuất khẩu của Coimex vào thị trường châu Âu chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng xuất khẩu. Đây là thị trường khó tính nên công ty luôn chú trọng và tuân thủ các quy định hàng hóa xuất vào thị trường này từ khâu nhập nguyên liệu đến thành phẩm.

“Tất cả nguyên liệu chế biến Coimex đều lấy ở thị trường trong nước nhưng các đơn vị cung cấp nguyên liệu cho Coimex đều phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu. Chẳng hạn, các đơn vị phải cung cấp được số đăng kiểm của tàu đánh bắt, có xác nhận của chính quyền địa phương vùng đánh bắt phải bảo đảm thuộc vùng biển Việt Nam… Khi chứng minh được các yêu cầu, chúng tôi mới nhập nguyên liệu”, ông Lê Văn Kháng cho biết thêm.

Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) cũng là DN đã tạo được uy tín lớn ở hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có châu Âu qua các sản phẩm hải sản mang thương hiệu Baseafood. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Các quy định tại các nước trên thế giới luôn có lộ trình, thời gian để các DN làm quen và rà soát, tổ chức lại sản xuất để đáp ứng được quy luật của sân chơi thế giới. Nắm bắt cơ hội này, Baseafood đã đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Việc chủ động nâng cao chất lượng sản xuất đã được đối tác Nhật Bản, Mỹ, EU… đánh giá cao.

Ông Trần Văn Dũng cho biết: Để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, ngoài nguồn nguyên liệu trong nước, Công ty còn nhập nguyên liệu từ các nước về gia công, chế biến. Mặt khác, DN đã chủ động thực hiện tính minh bạch về nguồn gốc, sự hợp pháp của sản phẩm theo quy định chống lại nạn khai thác bất hợp pháp, không khai báo theo quy định của EU. Cụ thể, DN chủ động rà soát, sửa chữa và tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với quy định quốc tế”.

Trước việc EU “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, các DN chế biến hải sản cho rằng, điều này đã tác động mạnh đến uy tín của hải sản Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời cũng tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Bởi trong thời gian bị “thẻ vàng”, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian thực hiện thủ tục bị kéo dài, thậm chí từ 3-4 tuần/container. Mặt khác, việc kiểm tra này sẽ khiến chi phí tăng lên, chưa kể phí lưu cảng. Rủi ro lớn nhất là tỷ lệ các container hàng bị từ chối, trả lại là khá cao và tổn thất sẽ lớn.

Các DN hải sản của tỉnh cho biết, dù các đơn hàng xuất đi thị trường châu Âu của DN luôn tuân thủ các quy định, có đầy đủ giấy tờ chứng nhận sản phẩm phù hợp các tiêu chuẩn của thị trường vẫn bị kiểm tra nguồn gốc khai thác. Theo ông Lê Văn Kháng, ngoài nỗ lực của bản thân DN, các DN cần sự hỗ trợ, cầu nối của Nhà nước để hải sản của Việt Nam không bị làm khó khi xuất khẩu. Trong đó, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát và quản lý chặt việc khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Nếu quản lý chặt sẽ giảm mạnh tình trạng các tàu cá của Việt Nam bị bắt vì xâm phạm lãnh hải nước khác.

Việc ngư dân tuân thủ nghiêm ngặt quy định về vùng đánh bắt sẽ góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu hải sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ảnh: THÀNH HUY

Ông Trần Văn Dũng cho rằng, Nhà nước cần thể hiện vai trò hướng dẫn ngư dân trong việc khai thác hải sản, đồng thời có những ràng buộc đối với các tàu cá khai thác bừa bãi, gây ảnh hưởng đến uy tín của hải sản Việt Nam.

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Sở NN-PTNT đã tổ chức triển khai về Chỉ thị 24/CT-UBND ngày 16-10-2017 của UBND tỉnh về việc tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh BR-VT khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Theo đó, các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố kiên quyết không cấp giấy phép khai thác hải sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm. Đồng thời tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước giấy phép khai thác hải sản trong vòng 6 tháng đến 1 năm đối với tàu cá vi phạm lần đầu và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm. Các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc khai thác, tiêu thụ, chế biến hải sâm, hải sản quý hiếm trái phép; xây dựng đề án và thực hiện lộ trình chuyển đổi nghề cho tàu lưới kéo và tàu khai thác hải sản ven bờ…

“Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã mời các DN hoạt động trong lĩnh vực hải sản cung cấp các thông tin liên quan đến các quy định IUU (quy định chống đánh bắt cá bất hợp pháp của liên minh châu Âu) và yêu cầu các DN khi thực hiện các đơn hàng ngoài các giấy chứng nhận nguồn gốc phải có sổ nhật ký theo dõi. Từ nay trở đi, chủ tàu nào xin cấp phép khai thác hải sản, ngành cũng yêu cầu phải có sổ nhật ký theo dõi. Nếu phát hiện các tàu cá vi phạm lãnh hải bị bắt, ngành sẽ xóa bộ không cho đăng ký, đăng kiểm”, ông Lê Tòng Văn nói.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm khoảng 17% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam trong 3 năm qua. Do đó, việc nhận thẻ vàng của EU có thể gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp tới việc xuất khẩu hải sản sang EU, và sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác. Ngoài EU, phía Mỹ cũng có thể áp dụng IUU từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản Việt Nam đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

ĐÔNG HIẾU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang