• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nỗi lo tôm sú chứa tạp chất

Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 12/09/2017
Ngày cập nhật: 16/9/2017

Trong thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trên toàn quốc, các đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang nhiều cơ sở kinh doanh đang bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Chính vì vậy, để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh thủy hải sản, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở thu mua, bảo quản, kinh doanh thủy hải sản. Qua đó, đoàn đã phát hiện tình trạng, nhiều đối tượng đưa tôm nguyên liệu có tạp chất lưu thông trên thị trường…

Đoàn kiểm tra thực hiện lấy mẫu để giám sát tại một cơ sở thu mua, bảo quản, kinh doanh thủy hải sản.

Trên cơ sở nắm bắt thông tin và kết quả giám sát chất lượng, ATTP nông lâm sản và thủy sản, cơ quan chức năng đã phát hiện một lượng tôm sú có nguồn gốc chủ yếu từ các tỉnh phía Nam được vận chuyển về trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu bị bơm tạp chất với mục đích gian lận thương mại và giúp tôm đông lạnh chết trở nên tươi ngon, bắt mắt người tiêu dùng.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất một số cơ sở thu mua, bảo quản, kinh doanh thủy hải sản trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố, như: Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, Ba Đồn và Đồng Hới, bao gồm cả các đối tượng đang vận chuyển tôm sú nguyên liệu có nguồn gốc từ miền Nam ra (gồm cả vận chuyển đi tiêu thụ và vận chuyển từ xe khách về cơ sở).

Thông qua các lượt kiểm tra, đoàn đã lấy 6 mẫu tôm của các đối tượng đang vận chuyển tôm nguyên liệu có nguồn gốc từ miền Nam có dấu hiệu khả nghi để gửi đi phân tích các chỉ số.

Theo ông Nguyễn Sinh Thành, Phó Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, kết quả từ cơ quan có thẩm quyền khẳng định, trong 6 mẫu tôm sú thu được, có 5 mẫu có chứa tạp chất agar, trong đó địa bàn huyện Bố Trạch 1 mẫu, Lệ Thủy 1 mẫu, TX. Ba Đồn 1 mẫu và TP. Đồng Hới 2 mẫu. “Tạp chất agar có thành phần chủ yếu là bột agar (bột rau câu hay còn gọi là thạch trắng). Tạp chất này không gây độc tức thời, nhưng có thể khiến người sử dụng bị thương hàn, nhiễm khuẩn...

Bởi, bột agar bơm vào tôm tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn phát triển, như: vi khuẩn shigeilla (sinh bệnh kiết lỵ), vi khuẩn salmonella (gây bệnh thương hàn), ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, nếu ăn phải loại tôm này, người dân sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm, như: tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa...”, ông Thành thông tin thêm.

Với những kết quả thu được, đoàn kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân trong lĩnh vực ATTP với mức phạt 5 triệu đồng/cá nhân. Cụ thể, bà Phan Thị Hạnh, Hoàng Thị Mơ, ở phường Hải Thành (TP. Đồng Hới); Phan Thị Bích Thủy ở xã Cam Thủy (Lệ Thủy); Nguyễn Thị Liễu ở phường Quảng Long (TX. Ba Đồn) và Nguyễn Thị Liên ở xã Lý Trạch (Bố Trạch) với tổng khối lượng là 317kg tôm sú có chứa tạp chất agar, trong đó riêng bà Nguyễn Thị Liễu là 200 kg.

Qua lời khai của các đối tượng vi phạm cho thấy, loại tôm thường được chọn để bơm tạp chất phần lớn là tôm sú đông lạnh và được vận chuyển từ miền Nam ra. Các đối tượng sau khi nhận hàng tại các xe đem tôm đi tiêu thụ cho những nhà hàng có nhu cầu, nhất là các nhà hàng dịch vụ tiệc cưới trên địa bàn tỉnh.

Rõ ràng, có một thực tế đáng báo động là trong thời gian qua một số nhà hàng phục vụ nhu cầu của người dân đã không ngần ngại sử dụng nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn để kinh doanh và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Võ Tất Thành còn cho rằng, thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở thu mua, bảo quản, kinh doanh thủy hải sản nhỏ, lẻ không đăng ký kinh doanh nên khó kiểm tra, kiểm soát, vì vậy, cá nhân và cơ sở vi phạm có thể còn nhiều hơn. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra ATTP trên cơ sở hợp tác và tự nguyện, nên việc đấu tranh và phát hiện các cơ sở buôn bán tôm có chứa tạp chất cũng tùy theo nhận thức và ý thức chấp hành của các cá nhân và hộ gia đình.

Theo ông Nguyễn Sinh Thành, sở dĩ trong thời gian qua tình trạng bơm tạp chất vào tôm không được giải quyết triệt để là do chưa có sự vào cuộc quyết liệt trong xử lý vi phạm tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam nơi có nhiều cơ sở thu gom tôm nguyên liệu. Hành vi đưa tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng, đem lại lợi nhuận “khủng” và nhiều hệ lụy xấu, nhưng khi phát hiện chỉ bị xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe. Mặt khác, lượng tôm sú được vận chuyển về Quảng Bình tiêu thụ có số lượng không lớn, chủ yếu theo đơn đặt hàng từ các nhà hàng.

Loại tôm thường được chọn để bơm tạp chất phần lớn là tôm sú đông lạnh và được vận chuyển từ miền Nam ra.

Vì vậy, sau khi vận chuyển tôm về địa bàn là chuyển giao trực tiếp cho các bếp ăn tiêu thụ nên công tác kiểm tra, giám sát gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, thời gian gửi mẫu xét nghiệm và cho kết quả kéo dài gần 20 ngày đã gây ảnh hưởng đến việc xử lý triệt để vi phạm của các cá nhân và cơ sở (vì chưa có quy định được niêm phong các lô hàng thủy sản khi chưa có kết quả mẫu, nhưng khi có kết quả phát hiện hàng vi phạm ATTP, hầu hết khối lượng hàng đã được tẩu tán đi tiêu thụ).

Trong thời gian tới, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để và đẩy lùi hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp và các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và vào cuộc quyết liệt.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức tuyên truyền, giáo dục người sản xuất, kinh doanh hiểu rõ và hiểu đúng các quy định ATTP; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, chuyển giao cho người sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tôm bảo đảm chất lượng, ATTP và không có tạp chất do đưa vào; các sở, ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và đột xuất (dựa trên các thông tin) kết hợp với công tác lấy mẫu giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý; đối với các trường hợp có vi phạm các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, cần xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh tôm có tạp chất theo quy định của pháp luật...

Về cách thức nhận biết tôm có tạp chất, theo bà Ngô Thị Diệu, Trưởng phòng quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Chi Cục Quản lý chất lượng nông lân sản và thủy sản), về màu sắc gần như không thể phân biệt được tôm bơm tạp chất và tôm sạch mà cách phân biệt duy nhất đối với người tiêu dùng là quan sát kỹ hình dáng.

Nhìn con tôm bơm tạp chất thường có hình dáng thẳng, múp máp và căng tròn bất thường; tôm sẽ phình to đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân; phần đuôi xòe ra không thon; tôm có độ bóng nhìn bắt mắt..

N.L

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang