• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu cá tra vào Mỹ, sản phẩm phải đạt chất lượng

Nguồn tin: Báo An Giang, 15/08/2017
Ngày cập nhật: 17/8/2017

Từ ngày 2-8 đến nay, 100% lô hàng cá tra xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất vào Mỹ phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của Cục Kiểm tra và An toàn thực phẩm (FSIS). Động thái này một lần nữa cho thấy, phía Mỹ đã tìm mọi cách hạn chế việc xuất sản phẩm fillet cá tra vào thị trường này, trong khi đối với các DN Việt Nam, từ lâu Mỹ là thị trường số 1 trong tiêu thụ sản phẩm.

Gian dối sẽ không tồn tại

“100% lô hàng xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ buộc phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt của FSIS (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm vào thị trường này buộc phải đạt chất lượng cao. Trước đây, việc kiểm tra này do Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) thực hiện và xác suất kiểm tra chỉ từ 3% - 5% trên tổng lô hàng. Nay, tất cả các lô hàng được đưa vào kho ngoại quan, sau đó cơ quan chức năng sẽ kéo từng container ra kiểm tra, nếu đạt các tiêu chuẩn mới cho nhập. Trong quá trình kiểm tra, DN vừa mất tiền lưu kho, tiền kiểm cho từng lô hàng và thời gian kiểm hàng bị kéo dài hơn, từ đó chi phí và giá thành sản xuất tăng lên, giá bán sẽ cao hơn; sản phẩm sẽ kém sức cạnh tranh…” - Ủy viên Ban Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam Lê Chí Bình chia sẻ.

Các DN trong tỉnh đã chủ động sản xuất hàng sang thị trường Trung Quốc và các nước Châu Âu

Theo ông Bình, thông qua việc kiểm tra, phía Mỹ muốn loại dần các DN làm ăn gian dối, chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu. “Nếu nhìn sự kiện này một cách tích cực, đây là dịp để người nuôi lẫn DN tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại ngành hàng theo hướng bền vững; ở đó chất lượng sản phẩm được chú trọng, lợi nhuận được chia đều cho các bên tham gia. Đây là dịp để ngành cá tra “loại dần” các DN làm ăn chụp giựt, bởi nông dân có thực hành nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP đi chăng nữa nhưng trong quá trình chế biến, DN cứ đưa nhiều hóa chất, trong đó có chất bảo quản, nước vào miếng fillet thì còn nói gì đến chất lượng sản phẩm…” - bà Trần Thị Hạnh (ngư dân xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú), bức xúc.

Chất lượng buộc phải nâng lên

Nhìn lại lịch sử xuất khẩu cá tra vào Mỹ cho thấy, trước đây có thời điểm, các DN đưa nhiều nước vào miếng fillet, tỷ lệ mạ băng lên đến 35% và hàm lượng ẩm lúc bấy giờ khoảng 90%. Với cách làm gian lận này, miếng fillet khi rã đông, sản phẩm bị nhão và độ thơm của thịt cá sẽ không còn, ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu và uy tín của sản phẩm quốc gia. Nhìn ra được thực tế này, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Sản phẩm thủy sản - cá tra fillet đông lạnh” kèm theo Thông tư số 07/2017/TT-BNNPTNT. Theo đó, tỷ lệ mạ băng của mặt hàng cá tra fillet đông lạnh không được lớn hơn 20% khối lượng tổng của sản phẩm, hàm lượng nước không được lớn hơn 86% khối lượng tịnh của sản phẩm. Từ đây, sản phẩm cá tra fillet đông lạnh khi xuất vào Mỹ cũng như các thị trường khác phải tuân thủ quy chuẩn trên, điều này có nghĩa chất lượng sản phẩm phải được nâng lên để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra của các DN Việt Nam đạt trên 996 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 3 thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, Trung Quốc và EU. Riêng các DN An Giang, 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu 72.974 tấn, tương đương 139,40 triệu USD; so cùng kỳ bằng 98,59% về lượng và tăng 3,89% về kim ngạch.

Xuất khẩu cá tra vào Mỹ, sản phẩm phải đạt chất lượng, điều này đồng nghĩa với việc DN làm ăn “gian dối” sẽ bị thải loại, chất lượng của sản phẩm buộc phải được nâng lên để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ và các nước trên thế giới. Xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ khó khăn hơn khi Luật Trang trại (Farm Bill) có hiệu lực. Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, bỏ cách làm ăn chụp giựt, các DN buộc phải tính toán đến vấn đề đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và cùng nhau nâng cao vai trò hiệp hội ngành hàng để từng DN có đủ sức mạnh, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, mang tính sống còn, phát sinh trong quá trình sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới.

“Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là điều bắt buộc các DN phải tính tới. Tuy nhiên hiện nay, có đến 60% sản phẩm cá tra xuất khẩu của các DN Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc, về lâu dài điều này sẽ không tránh được rủi ro. Nếu phía Trung Quốc ngưng nhập khẩu mặt hàng cá tra như đã từng làm đối với sản phẩm thịt heo và nhiều mặt hàng nông sản khác trong thời gian qua chúng ta sẽ gặp khó ngay…” - ông Trần Tuấn Kiệt (ngư dân xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) gợi ý.

Minh Hiển

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang