• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: Tăng cường quản lý các cơ sở chế biến thủy sản

Nguồn tin: Báo Nam Định, 18/07/2017
Ngày cập nhật: 19/7/2017

Những năm qua, các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày càng mở rộng sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm. Thực phẩm nói chung và thực phẩm thủy sản nói riêng là những nhu yếu phẩm không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người. Chính vì thế việc quản lý các cơ sở chế biến thủy sản là rất cần thiết, không thể lơ là.

Người dân xã Hải Lý (Hải Hậu) phơi cá mai.

Các cơ sở chế biến thủy sản ngày càng phát triển với nhiều hình thức như chế biến hải sản khô, thủy sản ăn liền, nước mắm, mắm tôm… chủ yếu tại các địa phương trọng điểm về khai thác, nuôi trồng thủy sản như Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Theo quy định, các cơ sở chế biến thủy sản cần có đầy đủ các điều kiện về thủ tục hành chính cũng như cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thủy sản do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp; phải có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác. Ngoài ra, nhà xưởng và trang thiết bị phục vụ cho quá trình chế biến phải phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản… Bởi sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người nên việc đảm bảo các điều kiện, quy định là yêu cầu quan trọng. Vì thế, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở NN và PTNT thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản. Khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống sân phơi, trang bị máy móc trong khâu chế biến, đóng gói các sản phẩm để vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng vừa đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện, các cơ quan chức năng đặc biệt chú ý tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở chế biến về Luật Bảo vệ môi trường, các quy trình xử lý nước thải, thu gom rác thải trong quá trình làm nghề, quy hoạch lại không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kiến thức về chế biến thủy sản cho các chủ cơ sở sản xuất… Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm hại đến môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của nhóm hàng thủy sản và kiểm tra thực tế điều kiện vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Các cơ sở chế biến thủy sản mới xây dựng, trước khi đưa vào hoạt động, sản xuất 15 ngày phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền để được kiểm tra, công nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình đi thanh tra, kiểm tra, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh và Phòng NN và PTNT các huyện đã phát hiện một số cơ sở chế biến hải sản khô tại xã Hải Lý (Hải Hậu) trước kia cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đầy đủ, tuy nhiên do thời gian sử dụng đã lâu nên xuống cấp. Các cán bộ đã nhắc nhở các cơ sở đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp để việc sản xuất, kinh doanh đảm bảo và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến thủy sản đã nâng cao ý thức, trách nhiệm, mạnh dạn đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết bị phục vụ sản xuất. Một số cơ sở đã chú trọng nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường như cơ sở ông Ngô Văn Ruệ, xã Giao Xuân (Giao Thủy); Nguyễn Văn Tụng, xã Hải Đông (Hải Hậu)… Còn nhắc đến chế biến nước mắm, mắm tôm ai cũng biết đó là nghề truyền thống của người dân xã Giao Châu (Giao Thủy); làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu)… Các công đoạn đều được giám sát và thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt. Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là địa chỉ chế biến nước mắm, mắm tôm uy tín lâu năm. Cty đã có đầy đủ giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Để các sản phẩm được chế biến ra đảm bảo chất lượng cũng như an toàn vệ sinh, nhân viên Cty sẽ trực tiếp kiểm tra chất lượng nguyên liệu tôm, cá khi thu mua. Cty đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Ninh Cơ” cho các sản phẩm hải sản chế biến của Cty từ năm 2014. Năm nay, Cty cũng mở rộng thêm 20 nghìn m2 nhà xưởng, xây thêm các bể chứa để tăng năng lực sản xuất, đảm bảo cho hoạt động thu mua nguyên liệu và chế biến hằng ngày, cống rãnh thoát nước không để đọng nước. Ngoài ra, dụng cụ đựng nước mắm, mắm tôm được chọn lựa từ những cơ sở uy tín chứ không mua chai lọ phế phẩm. Những bể chứa nước mắm, mắm tôm được che đậy cẩn thận. Hay tại một số cơ sở chế biến sứa ăn liền như Cty TNHH Vạn Hoa, Thị trấn Thịnh Long; cơ sở Thiện Bích, xóm Tây Bình, xã Hải Triều (Hải Hậu), cơ sở của ông Trần Trung Trực, xã Giao Hải (Giao Thủy)… việc thực hiện các quy định, quy chuẩn về điều kiện kinh doanh, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm luôn được chú trọng. Anh Hoàng Đức Thiện, chủ cơ sở chế biến sứa Thiện Bích cho biết: “Cơ sở của tôi hoạt động khá lâu năm và đã được cấp đầy đủ các giấy tờ như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cấp. Chúng tôi cũng luôn nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân lên trên hết để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm không những thơm ngon mà còn đảm bảo về chất lượng. Có như vậy cơ sở mới có chỗ đứng vững chắc và được mọi người tin tưởng chọn lựa”. Để có những sản phẩm sạch an toàn cung ứng cho thị trường, cơ sở chỉ lựa chọn những con sứa tươi ngon, sau đó vệ sinh sạch sẽ bằng nước sạch, tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Việc đảm bảo các điều kiện trong quá trình chế biến giúp giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm cho sản phẩm trong quá trình sản xuất, cung cấp cho thị trường một mặt hàng thực phẩm tiện lợi, phù hợp, đảm bảo với thị hiếu của người tiêu dùng.

Việc quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh thủy sản được thực hiện chặt chẽ như vậy mới đảm bảo an toàn chất lượng các sản phẩm, cũng như đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Kinh tế thủy sản là một ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, do vậy tăng cường quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh thủy sản là nhiệm vụ cần được các chính quyền và ngành chức năng quan tâm, tập trung chỉ đạo, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm cho nhiều người dân lao động./.

Thanh Hoa

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang