• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Siết chặt dư lượng hóa chất, kháng sinh để giữ thị trường xuất khẩu

Nguồn tin: Nông nghiệp VN, 10/07/2017
Ngày cập nhật: 11/7/2017

6 tháng đầu năm 2017, số lượng các lô hàng thủy sản XK bị cảnh báo về dư lượng hóa chất, kháng sinh có chiều hướng giảm tại một số thị trường. Tuy nhiên...

Sẵn sàng kịch bản cho cá da trơn

Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề mà ngành thủy sản sẽ tiếp tục phải có giải pháp căn cơ để giữ thị trường XK trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo thông tin mới nhất của Cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad, Bộ NN-PTNT), kể từ ngày 2/8/2017, Mỹ sẽ chính thức áp dụng chương trình giám sát cá da trơn (Farm Bill) đối với các sản phẩm cá da trơn XK của Việt Nam (sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu là từ ngày 1/9/2017). Đây sẽ là một bất lợi nữa cho XK thủy sản của nước ta trong thời gian tới.

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thủy sản XK. Ông Tiệp cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, số lượng các lô hàng thủy sản XK của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… bị cảnh báo về dư lượng hóa chất, kháng sinh đã giảm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm chỉ có 4 lô bị EU cảnh báo (so với 14 lô của năm 2015 và 12 lô của năm 2016); Hàn Quốc cảnh báo 1 lô, Nhật Bản cảnh báo 9 lô (so với 36 lô năm 2015, 32 lô năm 2016) và Úc không có lô nào bị cảnh báo…

Tuy nhiên tại thị trường Hoa Kỳ, số lượng các lô vi phạm lại có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây.Cụ thể, nếu như cả giai đoạn 2014 - 2015, chỉ có tổng cộng 6 lô bị Hoa Kỳ cảnh báo thì 6 tháng đầu năm 2017 đã có 7 lô dính vi phạm (so với 8 lô bị cảnh báo của cả năm 2016). Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã có văn bản cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp kiểm tra chặt (lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng) thậm chí đình chỉ nhập khẩu nếu Việt Nam không có các biện pháp kiểm soát hữu hiệu, tạo chuyển biến rõ nét trong thời gian tới.

Các lô thủy sản XK của chúng ta bị các thị trường cảnh báo thời gian qua là do vi phạm những loại chỉ tiêu nào thưa ông?

Thời gian qua, chúng ta đã tăng cường kiểm soát và tình hình sử dụng thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường tại các vùng nuôi thủy sản đã có chuyển biến tốt. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm hoặc lạm dụng thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường khiến lô thủy sản XK vẫn bị phát hiện chất cấm hoặc dư lượng vượt mức cho phép. Ví dụ trong số 9 lô bị cảnh báo tại thị trường Nhật trong 6 tháng đầu năm 2017 thì có 8 lô là bị phát hiện có chất cấm như CAP, AOZ, Enrofloxacin và một lô có chất thuộc nhóm Sulfonamide vượt ngưỡng tối đa cho phép.

Tại thị trường Mỹ, các lô bị cảnh báo chủ yếu cũng do bị phát hiện ra kháng sinh cấm hoặc vượt giới hạn tồn dư cho phép. Cụ thể, các chỉ tiêu bị cảnh báo tại thị trường Mỹ từ 2015 tới nay gồm có 2 kháng sinh cấm là Enrofloxacin và Ciprofloxacin cùng 5 loại kháng sinh được sử dụng có giới hạn tối đa gồm Sulfadiazine, Sulfamethazine/Sulfadimidine, Trimethoprim, Sulfadimethoxine, Sulfamethizole.

Việc xử lý đối với các lô hàng vi phạm hóa chất, kháng sinh thực hiện thế nào để tránh tái diễn thưa ông?

Nafiqad đã yêu cầu với DN thực hiện truy xuất nguồn gốc các lô hàng bị cảnh báo, qua đó cho thấy lỗi vi phạm chủ yếu là do một số người nuôi vẫn sử dụng kháng sinh cấm, hoặc quá lạm dụng thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường gây ra tồn dư cao.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt về quản lí, kiểm soát sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu các lô hàng vi phạm, tạo điều kiện đẩy mạnh XK thủy sản. Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng phải tự tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh cho người nuôi, đồng thời nên có hệ thống tự kiểm tra, giám sát ATTP đối với nguồn nguyên liệu dùng để chế biến, tránh các rủi ro khi XK.

Như ông cho biết từ 2/8/2017, Mỹ sẽ chính thức áp dụng kiểm tra 100% lô cá da trơn của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Vậy những nội dung kiểm tra là gì?

Theo lộ trình mà phía Mỹ đưa ra, giai đoạn chuyển tiếp trước khi triển khai Farm Bill là 18 tháng, tức từ 1/9/2017 sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên Nafiqad vừa nhận được thông báo cho biết phía Mỹ sẽ áp dụng kiểm tra 100% lô cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ ngay từ ngày 2/8/2017 do các quy định của Mỹ về thực thi Luật chuẩn chi ngân sách. Chúng tôi cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT sớm làm việc với Đại sứ quán Mỹ và tham tán nông nghiệp của Mỹ để làm rõ vấn đề này.

Về nội dung của Farm Bill, một trong những thay đổi cơ bản khi triển khai Farm Bill đối với cá da trơn của Việt Nam, đó là họ sẽ thực hiện kiểm tra 100% các lô hàng thay vì kiểm tra có xác suất như trước đây. Tuy nhiên, việc kiểm tra 100% chỉ tiến hành đối với các nội dung như thực tế lô hàng, các hồ sơ lô hàng như giấy kiểm tra chứng nhận về ATTP, bao gói, nhãn mác, các chỉ tiêu ngoại quan, cảm quan… Còn việc lấy mẫu để phân tích các chỉ tiêu về dư lượng hóa chất, kháng sinh thì vẫn được tiến hành theo xác suất. Việc lấy mẫu để phân tích theo xác suất thế nào sẽ phụ thuộc vào lịch sử của nhà XK và chủng loại sản phẩm.

Mặc dù vậy theo quy định Farm Bill, nếu phát hiện ra lô hàng của DN bị vi phạm về ATTP, họ sẽ lập tức bắt buộc 100% các lô hàng sau đó của DN ấy phải lấy mẫu phân tích đối với trên 85 chỉ tiêu về kháng sinh và 106 chỉ tiêu về thuốc BVTV... Cho đến khi DN thực hiện điều tra xác định nguyên nhân và triển khai biện pháp khắc phục, được cơ quan có thẩm quyền nước XK chứng nhận, sau đó phía Mỹ mới xem xét thẩm tra để gỡ bỏ chế độ kiểm tra 100% cho DN vi phạm. Đây sẽ là một bất lợi lớn cho hoạt động XK cá da trơn của Việt Nam trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Một trong những nội dung quan trọng khác của Farm Bill, đó là yêu cầu phải kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi từ SX tới chế biến, XK. Theo đó, Việt Nam sẽ phải đáp ứng những điều kiện và trình tự thủ tục trong việc giám sát, kiểm tra, có thể theo quy định riêng của pháp luật Việt Nam nhưng phải đảm bảo tương đương với các quy định của Hoa Kỳ. Thông thường, thời gian đánh giá sự tương đương của một sản phẩm chăn nuôi XK vào Hoa Kỳ phải kéo dài từ 5 - 7 năm.

Hiện tại, cơ quan chức năng phía Việt Nam cũng đã đàm phán và được phía Mỹ tạo đồng thuận sẽ cho phép chúng ta kéo dài thêm thời gian đánh giá tương đương để các DN vẫn có thể XK bình thường. Hai bên cũng đang phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ Việt Nam trong việc đánh giá tương đương.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn kiên trì các giải pháp ngoại giao, đấu tranh để phía Mỹ sớm hủy bỏ Farm Bill, thậm chí vẫn phải tính tới kịch bản khởi kiện, bởi đây là quy định không cần thiết, không có lợi cho cả hai phía và là quy định cứng nhắc của Hoa Kỳ khi Farm Bill là quy định vốn chỉ dành cho động vật trên cạn, có nhiều nguy cơ về dịch bệnh lây sang người.

Lê Bền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang