• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Liên kết chuỗi để con tôm Việt Nam vươn xa

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 22/05/2017
Ngày cập nhật: 24/5/2017

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp cùng một số đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị "Đối thoại khách hàng chuỗi giá trị tôm Việt Nam". Dịp này, vấn đề liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được đề cập và khẳng định là hướng đi đúng đắn để ngành tôm Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Liên kết lỏng lẻo

Nông dân huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng thu hoạch tôm.

Hiện tôm là 1 trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam (chiếm 44,39%), tạo công ăn việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, hầu hết các nghiên cứu về chuỗi giá trị tôm trong khoảng 10 năm trở lại đây đều chỉ ra rằng, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo; thiếu hiệu quả, công bằng và minh bạch thông tin. Chính điều này làm ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và giảm sức cạnh tranh của mặt hàng tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong năm 2015, xuất khẩu tôm không chỉ giảm về giá trị, mà thị trường còn bị thu hẹp hơn 1/3. Từ xuất khẩu sang 150 thị trường vào năm 2014 đến 2015 chỉ còn xuất qua 92 thị trường. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc đồng loạt giảm mạnh.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, nuôi tôm hiện nay chịu rất nhiều rủi ro: giá bán giảm nhanh, bị ép giá, tôm chết nhiều, con giống kém chất lượng, nguồn nước bị ô nhiễm, cạnh tranh nguồn nước... Song giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm còn khoảng trống lớn. Nghiên cứu của ICAFIS về chuỗi giá trị nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau mới đây cho thấy, có đến 72% nguồn vốn của doanh nghiệp dùng cho việc mua tôm nguyên liệu. Trong đó, 79,8% nguyên liệu của công ty phải mua từ các hộ nuôi nhỏ lẻ và thương lái địa phương. Song, việc xây dựng, duy trì các liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu chỉ chiếm 14,3% và rất lỏng lẻo, gần như không có liên kết chính thức nào, việc chia sẻ thông tin thiếu minh bạch giữa các tác nhân.

Đối với các hộ nuôi quy mô nhỏ, hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn là một rào cản lớn trong việc mở rộng sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn theo quy định. Theo ông Huỳnh Quốc Tịnh, Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 10-12% tổng diện tích nuôi (15% sản lượng) là trại nuôi tôm quy mô lớn (liên kết/ thuộc sở hữu của nhà máy chế biến). Hơn 85% diện tích còn lại thuộc hộ nuôi quy mô nhỏ/nông hộ. Đây là nhóm gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu và dễ tổn thương trong việc tiếp cận thị trường. "Vấn đề này đặt ra yêu cầu các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ hướng đến nuôi tôm có trách nhiệm và kết nối thành chuỗi cung ứng bền vững. Đó là liên kết giữa hộ nuôi quy mô nhỏ và lớn (liên kết ngang) với các nhà cung ứng dịch vụ, nhà máy chế biến, người mua thủy sản (liên kết dọc)"-ông Huỳnh Quốc Tịnh nói.

Hình thành chuỗi giá trị

Thực tế cho thấy, vấn đề liên kết để hình thành chuỗi giá trị tôm bền vững có trách nhiệm với xã hội và môi trường là xu thế tất yếu. Được sự tài trợ của Liên minh Châu Âu, ICAFIS đã triển khai thực hiện Dự án "Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam" (SusV). Dự án thực hiện trong 4 năm (2016 - 2020) tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, cho biết: "Sau hơn 1 năm triển khai, dự án bước đầu khẳng định chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn để ngành tôm Việt Nam vươn tầm quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy ký kết trên 54 hợp đồng liên kết chuỗi từ khâu đầu vào đến đầu ra để đảm bảo kiểm soát chất lượng trong chuỗi, áp dụng thực hành nuôi theo chứng nhận bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó giúp giảm giá thành đầu vào từ 15-20%, tăng giá bán ra từ 3-5% và hạn chế tối đa các tác động xấu đến môi trường".

Tìm hướng đi cho các hộ nuôi quy mô nhỏ, ông Huỳnh Quốc Tịnh, Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam đề xuất thành lập nhóm và tăng cường năng lực nhóm của các hộ nuôi hướng đến nuôi tôm bền vững. Đồng thời, đa dạng chuỗi liên kết, tăng tính cạnh tranh (hợp đồng canh tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ) và minh bạch trong khâu thu mua bán trung gian. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng cần hỗ trợ người sản xuất quy mô nhỏ cùng tham gia hội nhập thông qua áp dụng các chương trình, chứng nhận quốc tế; thúc đẩy sự tham gia và hợp tác của các doanh nghiệp thủy sản trong nước và quốc tế vào chuỗi giá trị tôm bền vững theo mô hình hợp tác công-tư. Tuy nhiên, khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình tiên tiến (GAP, BMP, ASC...) vào sản xuất, người nuôi tôm cần tập trung vào cải thiện chất lượng, sản lượng, môi trường, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí hơn là trông chờ vào giá bán.

Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, khẳng định, liên kết chuỗi là cách thức tốt nhất để tiếp cận thị trường. Liên kết tạo sự tương tác thông tin từ đó đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro khi thị trường biến động. Tại hội nghị, vai trò của nhà nhập khẩu trong chuỗi cũng được đề cập và khẳng định là tác nhân quan trọng giúp cho chuỗi giá trị tôm liên kết bền vững hơn. Ông Nicholas, đại diện Công ty Leonard, Hoa Kỳ, cho biết: "Chúng tôi rất quan tâm đến các thông tin như: doanh nghiệp xuất khẩu lấy nguồn nguyên liệu từ đâu, ai là người làm ra nguồn nguyên liệu này, quy trình sản xuất ra sao?... Vì vậy, điều cần thiết hiện nay là phải hình thành chuỗi từ người bán đến người mua (người nuôi-doanh nghiệp xuất khẩu- doanh nghiệp nhập khẩu). Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và cam kết mua hàng cho các mô hình liên kết sản xuất theo quy trình sạch như vừa nêu".

Mỹ Thanh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang