• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cảnh báo nguy cơ “khủng hoảng thừa” các nhà máy chế biến hải sản

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 14/05/2017
Ngày cập nhật: 16/5/2017

Nhiều thời điểm, xưởng chế biến hải sản của Công ty CP Sông Việt vắng vẻ vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Những năm gần đây, tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào tại các nhà máy chế biến hải sản, trong đó chủ yếu là hải sản biển diễn ra thường xuyên. Có thời điểm, nhiều nhà máy lớn của tỉnh Thanh Hóa tập trung tại huyện Tĩnh Gia phải tạm ngừng một phần dây chuyền sản xuất vì không đủ nguyên liệu.

Theo tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2011 – 2016, số lượng doanh nghiệp đầu tư chế biến, xuất nhập khẩu (XNK) thủy hải sản tăng gấp 2,9 lần về số doanh nghiệp và tăng 2,3 lần về tổng công suất chế biến so với mục tiêu quy hoạch. Trong khi đó, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng và thu mua mới đáp ứng 60% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 81 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy hải sản với tổng công suất khoảng 280.000 tấn sản phẩm mỗi năm.

Chỉ tính riêng năm 2016 vừa qua, tổng sản lượng thủy, hải sản khai thác toàn tỉnh mới đạt 100.258 tấn. Cùng với sản lượng của đội tàu thu mua trên biển và sản lượng nuôi trồng (cả nước mặn và nước lợ) được khoảng 22.200 tấn thì tổng sản lượng của cả hoạt động khai thác, thu mua và nuôi trồng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Trên lý thuyết, nếu tất cả các nhà máy, cơ sở chế biến hoạt động hết công suất thì nhu cầu thủy, hải sản đầu vào phải cần tới 280.000 tấn/năm. Tại “thủ phủ chế biến thủy sản” Tĩnh Gia, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chế biến lớn, như: Công ty CP Thương mại Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải, Công ty CP Sông Việt, các nhà máy chế biến bột cá tại xã Hải Thanh... đều phải liên tục “đau đầu” để “xoay” đủ nguồn nguyên liệu đầu vào, bảo đảm việc làm cho công nhân. Cách đây chưa lâu, còn có chuyện tranh nhau thu mua hải sản từ các tàu khai thác và tàu hậu cần thu mua trên biển gây mất trật tự an ninh khu vực Cảng cá Lạch Bạng. Một số doanh nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh, như: Công ty CP Nông sản Thanh Hóa, Công ty CP XNK thủy sản Thanh Hóa, Công ty bột cá Thanh Hoa... cũng lâm vào cảnh tương tự.

Trong tương lai gần, thực trạng thiếu nguyên liệu thủy, hải sản cho chế biến vẫn còn thường trực, thậm chí gay gắt hơn nếu không có các giải pháp vĩ mô từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi lẽ, nguồn nguyên liệu chỉ “nhìn” vào 3 nguồn: Khai thác, thu mua và nuôi trồng. Với khai thác – mà chủ yếu là trên biển, tuy lượng tàu thuyền có xu hướng tăng, khả năng khai thác xa bờ ngày càng lớn, song nguồn tài nguyên thì đang cạn kiệt dần. Về nuôi trồng, diện tích nuôi thủy hải sản nước mặn, lợ vẫn ổn định từ 2011 đến nay là 7.700 ha. Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, nuôi thâm canh nên sản lượng hàng năm có tăng, song với diện tích ổn định thì việc tăng sản lượng này chưa tạo ra bước đột phá phục vụ cho nhu cầu chế biến. Riêng năm 2016, sản lượng thủy, hải sản nuôi trồng toàn tỉnh mới đạt 22.200 tấn – chiếm tỷ lệ quá ít (chưa đầy 8%) so với tổng nhu cầu sản lượng chế biến.

Hơn nữa, thời gian gần đây, thị trường xuất khẩu thủy sản của Thanh Hóa ngày càng được mở rộng, đến các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, I-ta-li-a, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ... nên nhu cầu đầu vào phục vụ cho chế biến trong tương lai chắc chắn sẽ tăng. Mặt khác, các khu du lịch của tỉnh, như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Tiên Trang... đang phát triển nhanh chóng về quy mô cũng như có nhiều đổi mới trong hoạt động chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều du khách tìm đến. Theo đó, nhu cầu lượng hải sản cho các khu du lịch cũng như hàng chục nghìn lao động tại Khu Kinh tế Nghi Sơn tăng sẽ “cạnh tranh” trực tiếp nguồn thủy – hải sản của các nhà máy chế biến.

Để khắc phục từng bước tình trạng thiếu nguyên liệu thủy hải sản đầu vào nói trên, việc đầu tiên là không nên tiếp tục cấp phép đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm thủy sản thô, các sản phẩm dưới dạng sơ chế, bán thành phẩm... giá trị kinh tế thấp. Bên cạnh đó, tỉnh cùng các ngành có liên quan cần tiếp tục rà soát và tính toán kỹ việc quy hoạch các cơ sở chế biến thủy, hải sản cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, các cơ sở phải bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Tỉnh cũng cần hướng hoạt động chế biến thủy, hải sản hiện đại hóa theo chiều sâu; khuyến khích ưu đãi các cơ sở chế biến đầu tư đổi mới dây chuyền thiết bị, áp dụng các công nghệ mới để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản được đầu tư kho lạnh bảo quản ngay tại các cảng cá, bến cá... Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thậm chí đầu tư quốc tế để triển khai phát triển nuôi trồng, khai thác hải sản xa bờ nhằm tăng nguyên liệu đầu vào.

Lê Đồng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang