• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngành cá tra Việt Nam: Tìm cơ hội trong thách thức

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 29/03/2017
Ngày cập nhật: 30/3/2017

Ngày 28-3, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức buổi hội thảo với chủ đề "Ảnh hưởng kinh tế thế giới đối với ngành Thủy sản Việt Nam". Tại đây, các doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu cá tra đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua các rào cản thương mại, tìm kiếm thị trường phù hợp và tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình giao dịch.

Nhiều sức ép

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam, sự thay đổi của Chính phủ Hoa Kỳ, diễn biến phức tạp của châu Âu, cũng như sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ngành hàng cá tra xuất khẩu. Bên cạnh các chính sách kinh tế diễn biến phức tạp, các yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm được đặt ra ngày càng cao. Sản phẩm thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam còn chịu sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế khác. Từ đó đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải cải thiện hệ thống quản trị chất lượng như nhân lực, thiết bị kiểm tra, nhận diện rủi ro an toàn thực phẩm của doanh nghiệp tư nhân lẫn cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành hàng cá tra.

Thu hoạch cá tra. Ảnh: V.CÔNG

Thị trường Trung Quốc có sự tăng trưởng đáng kể trong những tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, những yêu cầu về chất lượng sản phẩm cá tra từ thị trường này đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng khắt khe hơn. Ông Lục Đông Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vạn Đạt (TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: "Hiện nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm cả đường thủy và đường bộ, các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với nguyên liệu gia công, kiểm soát vi sinh, kháng sinh trong sản phẩm trở nên khắt khe hơn. Bên cạnh đó, phương thức thanh toán cũng là mối lo ngại vì truyền thống của thị trường Trung Quốc là thanh toán chậm sau khi lấy hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý đến vấn đề tỷ giá khi nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ". Theo ông Lục Đông Thái, các doanh nghiệp thủy sản muốn phát triển tại thị trường Trung Quốc cần nâng cao công nghệ gia công, chế biến. Lâu nay, cá tra Việt Nam đi vào thị trường Mỹ, châu Âu. Khi đi vào thị trường Trung Quốc hay các thị trường khác, cần phải chú trọng gia công theo khẩu vị của khách hàng ở những thị trường này.

Chủ động giảm thiểu rủi ro

Theo các chuyên gia, bản thân doanh nghiệp xuất khẩu phải đặt vấn đề chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Đồng thời, cần chủ động cải tiến công nghệ chế biến, bảo quản tiên tiến để sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Một vấn đề đáng quan tâm là những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thanh toán. Ông Chris Mc Nabb, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty Assurance Global Financial Services and Solutions, cho biết: Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về các mức độ rủi ro có khả năng xảy ra trong quá trình giao dịch. Phải cẩn thận với các nội dung thay đổi trong hợp đồng, trong bộ chứng thư vì có thể dẫn đến những rủi ro phát sinh trong quá trình giao dịch. Khi có những vấn đề phát sinh và không thể giải quyết được, doanh nghiệp có thể nhờ bên thứ 3 can thiệp giải quyết. Nhìn chung, quá trình thu hồi nợ ở nước ngoài thực sự rất phức tạp, mỗi nước có quy trình thu hồi nợ khác nhau và có thể mất từ 6-12 tháng. Khi các doanh nghiệp không thu hồi được nợ mới thấy được tầm quan trọng của việc thẩm định hồ sơ khách hàng ngay từ ban đầu.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam.

Ngành hàng thủy sản của Việt Nam đang chịu nhiều sức ép, trong đó có tác động từ "Chương trình giám sát cá da trơn" theo Đạo luật Farmbill của Mỹ sẽ áp dụng vào tháng 9-2017. Theo bà Đinh Ánh Tuyết, Chuyên gia Luật Thương mại Quốc tế-Đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIACVN), các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ có thể xem xét kiện ra WTO và khả năng thắng kiện là rất lớn. Vấn đề là phải có chiến lược dài hạn, phải có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, thậm chí là kết hợp đàm phán cấp Chính phủ. Như vậy, chiến lược của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam là phải chủ động đối phó với các vấn đề rủi ro. Trong đó bao gồm những rủi ro mang tính quốc gia, ngành hàng như chống bán phá giá, Đạo luật nông nghiệp của Hoa Kỳ (Farmbill). Đồng thời, phải phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, đơn vị kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm, công ty thu hồi nợ.

Ông Yoann Perrault, Giám đốc Kỹ thuật và Marketing, khu vực châu Á, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), chia sẻ: "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU giúp Việt Nam thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường châu Âu. Song tiếp cận được hay không và như thế nào còn phụ thuộc vào bản thân doanh nghiệp và mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhau. Tất cả các sản phẩm thủy sản của Việt Nam muốn vào thị trường này đều phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn đã đăng ký và niêm yết, tính minh bạch phải được coi trọng trong lĩnh vực thực phẩm". Theo ông Yoann Perrault, hiện nay, trong ngành cung ứng thực phẩm đang có xu hướng thu hẹp khoảng cách giữa người tiêu dùng và người sản xuất, nghĩa là 2 bên phải biết nhau là ai. Do đó, để xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, rất cần sự phối hợp của toàn chuỗi giá trị, từ người sản xuất, vận chuyển, chế biến, phân phối đến người tiêu dùng.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính đến ngày 15-2, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 164 triệu USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường Mỹ, EU, ASEAN giảm so với cùng kỳ 2016 trong khi thị trường Trung Quốc và Hồng Công, Brazil, Mexico tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc và Hồng Công tăng 58% so với cùng kỳ và chiếm tỷ lệ 16,7% trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Minh Huyền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang