• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đừng quên yếu tố thị trường

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 27/03/2017
Ngày cập nhật: 30/3/2017

Góp ý cho kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỉ USD đến năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh các vấn đề về con giống, kỹ thuật, mô hình nuôi… nhiều đại biểu còn đặc biệt lưu ý vấn đề mở rộng thị trường để tránh lặp lại điệp khúc “được mùa, thất giá” như một số loại nông, thủy sản khác.

Mặc dù vẫn khẳng định thị trường tôm còn rất lớn, nhưng đại biểu đến từ các tỉnh, thành khu vực Phú Yên trở vào vẫn không khỏi băn khoăn về vấn đề thị trường tiêu thụ, bởi để đạt mục tiêu 10 tỉ USD cũng đồng nghĩa với một sản lượng tôm tăng lên rất cao qua từng năm.

Một đại biểu đến từ tỉnh Ninh Thuận dẫn chứng: “Trong 30 năm qua, dù đã rất nỗ lực, nhưng chúng ta cũng chỉ mới đạt 3,1 tỉ USD, trong khi thời gian còn lại để đạt 10 tỉ USD chưa đến 10 năm. Đây thật sự là một thách thức lớn đối với ngành tôm trong thời gian tới không chỉ ở việc làm sao nâng được năng suất, sản lượng, mà còn ở khâu tiêu thụ. Chính việc tiêu thụ mới là yếu tố quyết định, là động lực khuyến khích nghề nuôi ngày một phát triển hơn”.

Không chỉ phát triển tốt nghề nuôi và chế biến, mà ngành tôm cũng cần làm tốt công tác thị trường để ổn định khâu tiêu thụ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đề xuất: “Ngay từ bây giờ, các bộ, ngành chức năng cần tính đến việc xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ tôm cho mục tiêu 10 tỉ USD, vì nếu không, khi sản lượng bắt đầu tăng lên mà thị trường tiêu thụ không có, thì người nuôi sẽ rất thiệt thòi”.

Sự băn khoăn của lãnh đạo các địa phương và người nuôi tôm là hoàn toàn có cơ sở, vì cùng lúc khi chúng ta cố gắng tăng sản lượng, chất lượng, thì những nước có nghề nuôi tôm phát triển mạnh hơn chúng ta hiện nay cũng sẽ không ngồi yên để chúng ta “một mình, một chợ”. Hơn nữa, cho dù mọi quốc gia hay tôn giáo nào cũng đều tiêu thụ tôm, nhưng số lượng luôn có sự khác biệt rất lớn, bởi con tôm không dành cho người nghèo, thậm chí là người có thu nhập trung bình. Điều này rất dễ nhận thấy qua thực tế Việt Nam, dù là nước sản xuất tôm lớn, nhưng hầu như chỉ để xuất khẩu, vì thu nhập người dân còn hạn chế.

Con tôm Việt Nam hiện chủ yếu được xuất khẩu vào các thị trường lớn, như: Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… nhưng hiện hầu hết những thị trường này đều dựng nên các rào cản thương mại, mà nổi bật là chính sách tăng cường tần suất kiểm tra dư lượng kháng sinh, điều tra thuế chống bán phá giá và mới đây là chống gian lận thương mại trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Lâu nay, chỉ riêng việc dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm và thuế chống bán phá giá thôi, việc tiêu thụ tôm đã không ít lần gặp khó, mà người gánh chịu hậu quả nhiều nhất không ai khác ngoài người nuôi.

Cũng còn một vấn đề khác quan trọng không kém, đáng để quan tâm, đó chính là khả năng tiếp nhận của thị trường. Theo quy luật, mỗi một thị trường bình quân mỗi năm chỉ tăng sản lượng tiêu thụ khoảng 5% (ngoại trừ những thời điểm đặc biệt) là vừa, nếu cao hơn, ngay lập tức giá bán sẽ bị giảm. Điều này, các doanh nghiệp thủy sản đã rất thấm thía qua tốc độ tăng đột biến sản phẩm cá tra trong những năm trước đây. Do đó, nếu không có thêm thị trường mới, việc tiêu thụ tôm sẽ gặp khó ngay tại những thị trường truyền thống.

Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản từng khẳng định với người viết, nếu chúng ta đột ngột gia tăng sản lượng vào một thị trường nào đó, ngay lập tức, các nhà nhập khẩu sẽ “đè” giá xuống ngay, dù nhu cầu tiêu thụ của họ vẫn cao. Vị doanh nghiệp này lý giải: “Các nhà nhập khẩu họ rất “cao cơ” trong đàm phán giá cả hợp đồng. Chỉ cần họ thấy sản lượng của chúng ta tăng bất thường, họ sẽ ép giá ngay, vì họ biết rằng, lúc này chúng ta cần bán nhiều hơn để giải phóng nguồn hàng”.

Như vậy có thể thấy, nếu chúng ta chỉ chú trọng vào việc nâng cao năng suất, sản lượng và cả về chất lượng đi chăng nữa, nếu không làm tốt công tác thị trường tiêu thụ cũng sẽ rất khó đạt mục tiêu đề ra cho ngành tôm đến năm 2025. Ngược lại, nếu làm tốt công tác thị trường sẽ khuyến khích người nuôi mạnh dạn hơn trong việc mở rộng quy mô, đầu tư khoa học – công nghệ tiên tiến để đạt năng suất và chất lượng ngày càng cao.

Cơ hội phía trước của ngành tôm Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng nhìn chung là rất lớn, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức kèm theo, mà một trong điểm yếu lớn nhất lâu nay vẫn là công tác xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ, cũng như xây dựng thương hiệu. Hy vọng lần này, với sự quyết tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng sự hưởng ứng của người nuôi, doanh nghiệp, mục tiêu trên sẽ được hoàn thành và con tôm Việt Nam sẽ có được thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới.

Tích Chu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang