• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kết nối và hình thành vùng nguyên liệu dừa xiêm xanh

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 14/06/2017
Ngày cập nhật: 19/6/2017

Dừa xiêm xanh đóng thùng chuẩn bị xuất khẩu.

Bến Tre hiện có trên 70 ngàn héc-ta dừa, chiếm 40% diện tích dừa cả nước, trong đó dừa xiêm có diện tích gần 8 ngàn héc-ta. Dừa xiêm xanh là loại dừa tươi uống nước được thị trường trong nước rất ưa chuộng.

Thời gian qua, giá dừa xiêm xanh cũng bất ổn định, khi thị trường hút hàng thì có lúc giá lên tới 130 ngàn/chục nhưng lúc ế hàng thì giá chỉ còn 30 - 40 ngàn đồng/chục, làm cho nhà vườn gặp khó khăn. Nguyên nhân do dừa tươi uống nước của tỉnh chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường nội địa, thông qua các thương lái mua của người nông dân đem tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước, chỉ một ít được xuất khẩu.

Xây dựng vùng nguyên liệu

Theo ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Mekong (xã Hữu Định, huyện Châu Thành), doanh nghiệp ông chuyên sản xuất đóng gói, xuất khẩu các mặt hàng dừa uống nước, trong đó dừa xiêm xanh là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng từ 300 - 400 ngàn trái. Nguồn dừa nguyên liệu chủ yếu là từ nhà vườn Bến Tre. Dự kiến sẽ mở rộng trung bình mỗi tháng xuất khoảng 500 - 600 ngàn trái. Hiện sản phẩm của công ty đã có mặt và được ưa chuộng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Hà Lan, Ai Len, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha... Đối tượng khách hàng của công ty phần lớn là những tập đoàn bán lẻ, hệ thống siêu thị và chợ nông sản.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng mở rộng, công ty đã phối hợp với Sở Công Thương, chính quyền địa phương triển khai hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, ổn định nguyên liệu đầu vào. Thông qua chính sách bao tiêu sản phẩm, công ty sẽ giữ ổn định vùng nguyên liệu, nâng giá dừa cho nông dân. Đồng thời, sẽ phối hợp hỗ trợ kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh nhằm nâng cao năng suất, sản lượng dừa trái thương phẩm của nhà vườn.

Đối tượng tham gia là nhà vườn trồng chuyên canh dừa xiêm xanh đang cho thu hoạch, diện tích từ 2.000m2 trở lên. Giá thu mua theo mặt bằng chung của thị trường tại địa phương, công ty sẽ báo giá 10 ngày/lần. Đảm bảo giá mức thấp nhất là 50 ngàn đồng/chục tại bất kỳ thời điểm nào trong năm. Về hình thức thu mua, công ty sẽ cử nhân viên thu mua trực tiếp tại nhà vườn hoặc sẽ thông qua đội dịch vụ thu gom tại địa phương, nông dân không phải tốn chi phí. Phân loại, kiểm đếm theo quy cách phân loại tương tự thương lái. Dừa loại I, trọng lượng trái từ 1,3kg trở lên; dừa loại II, trọng lượng trái từ 1 - 1,3kg; dừa có trọng lượng dưới 1kg mua theo giá dừa xô. Nhà vườn sẽ ký hợp đồng bao tiêu với công ty nếu đồng ý tham gia và thống nhất chính sách áp dụng. Hợp đồng có quy định về diện tích và sản lượng dừa trong vụ thuận, vụ treo.

Liên kết chặt chẽ

Theo bà Phạm Thị Hân - Phó giám đốc sở Công Thương, từ trước đến nay, nông dân thường thích bán nông sản cho thương lái do tính cơ động của thương lái rất cao. Thương lái đến tận vườn để mua theo giá thị trường, khỏi ký hợp đồng, nhiều trường hợp ứng tiền trước và thanh toán ngay khi mua hàng. Khi thị trường hút hàng thì thương lái tranh nhau mua giá cao, không quan tâm nhiều đến chất lượng. Tuy nhiên, khi thị trường ế ẩm, nông dân kêu nhiều lần nhưng thương lái cũng không đến, hoặc có đến thì trả giá rẻ, chọn lựa hàng tốt mới mua.

Các loại nông sản của tỉnh đều đã trải qua giai đoạn thăng trầm “được mùa mất giá, thất mùa được giá” và hiện nay dừa xiêm đang trong giai đoạn “thất mùa được giá”. Giá dừa xiêm tăng cao, thương lái tranh nhau nâng giá thu mua, tuy nhiên nông dân không có đủ dừa xiêm để bán. Hiện tại nông dân trồng dừa xiêm rất phấn khởi, nhưng trong tương lai nếu không liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ thì điệp khúc “được mùa - mất giá” chắc chắn sẽ lặp lại.

Để mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân ngày càng bền vững, lâu dài, doanh nghiệp cần hỗ trợ việc cung ứng phân, kỹ thuật chăm sóc, triển khai tốt công tác thu mua, tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân bán dừa cho doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định. Ngoài xuất khẩu, doanh nghiệp phải quan tâm đến thị trường trong nước để khi thị trường xuất khẩu biến động, giá xuất khẩu sụt giảm thì còn thị trường nội địa bù vào và ngược lại, nếu thị trường trong nước sụt giảm thì có thị trường xuất khẩu bù lại.

Điều quan trọng nhất nhằm đảm bảo cho mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trở nên bền vững là cả hai bên cần phải tuân thủ những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng, không nên vì lợi ích trước mắt mà phá vỡ hợp đồng đã ký kết.

Hữu Hiệp

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang