• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nâng cao chất lượng trái cây đặc sản

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 31/05/2017
Ngày cập nhật: 2/6/2017

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại nêu giải pháp nâng cao chất lượng trái cây. Ảnh: T. Đạt

Hội thảo “Nâng cao chất lượng trái cây đặc sản tỉnh Bến Tre” và “Những giải pháp đảm bảo sản xuất bảo quản trái cây trong điều kiện hạn mặn” do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Chợ Lách tổ chức là những hoạt động nổi bật trong Lễ hội Cây - trái ngon, an toàn tỉnh Bến Tre lần thứ XVI.

Kỹ thuật chăm bón

PGS.TS Trần Văn Hâu - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, kỹ thuật chăm sóc cây của nhà vườn còn dựa quá nhiều vào phân bón, thuốc phun xịt. Hơn nữa, nông dân sử dụng không phù hợp về liều lượng, giai đoạn sử dụng không hợp lý… khiến sau mỗi vụ thu hoạch, lượng dinh dưỡng trong đất, trong thân cây bị suy giảm rất nghiêm trọng. “Việc bón phân, phun thuốc, cung cấp lượng nước hợp lý trong từng giai đoạn chẳng những giúp nâng cao năng suất, chất lượng mà còn trực tiếp bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây, cho đất sau mỗi vụ thu hoạch. Ngoài ra, việc bón vôi để cung cấp các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cây cũng giữ vai trò quan trọng để cho trái có chất lượng tốt” - PGS.TS Trần Văn Hâu nói.

Theo PGS.TS Trần Văn Hâu, đã có nghiên cứu khoa học từ thực tiễn và kết luận: liếp vườn khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ khoảng 20 năm tuổi sẽ rơi vào giai đoạn rửa trôi gần hết chất dinh dưỡng khiến cây rơi vào tình trạng kiệt quệ. Việc bón lượng vôi vừa đủ cho cây là đặc biệt quan trọng nhưng nhiều nhà vườn đã không đánh giá cao. Đương nhiên, lượng vừa đủ chất N-P-K, nước cần thiết cho từng loại cây luôn phải được đảm bảo và không có nghĩa là bón thừa sẽ đạt. “Khi thấy hiện tượng như cơm sầu riêng sượng, thán thư trên lá, thối vỏ chôm chôm… đó là lỗi trong quá trình chăm sóc, nếu được điều chỉnh hợp lý thì khắc phục được. Riêng xử lý nghịch vụ trong điều kiện biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, người dân cần tính toán kỹ hơn để tránh thiệt hại trước mắt và suy kiệt sức khỏe nghiêm trọng cho cây” - PGS.TS Trần Văn Hâu khuyến cáo.

Về khâu bảo quản sau thu hoạch đối với trái sầu riêng, PGS.TS Hâu nhấn mạnh: Sầu riêng cần thu hoạch từ giai đoạn đủ 110 - 120 ngày tuổi (tính từ lúc đậu trái). Sau khi thu hoạch, tránh tiếp xúc với các vật thể khác để không bị thối trái, có thể nhúng trái nhanh vào dung dịch ethephon nồng độ 0,2% để kích thích trái chín đều, giảm hiện tượng sượng cơm. Ngoài ra, sau khi nhúng, cần để trong điều kiện thoáng mát, cho trái chín tự nhiên. Điều này không làm cho vỏ bị ngả vàng khiến thị trường không ưa chuộng.

Sầu riêng Bến Tre được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: M. Phương

Riêng về trái bưởi da xanh, TS Võ Hữu Thoại - Phó viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, lượng vôi cần thiết giúp kích thích cây trao đổi chất tích cực hơn. Đặc biệt, kỹ thuật chăm sóc cây thiếu khoa học tại phần lớn vườn hiện nay gây nhiều hậu quả ngày càng nghiêm trọng trong vườn cây, chất lượng trái giảm dần sự “ngon tự nhiên”.

Chứng nhận GAP để nâng cao giá trị

Bà Phan Thị Thu Sương - Phó giám đốc Sở NN&PTNT chỉ ra những hạn chế khiến trái cây đặc sản Bến Tre đang mất dần uy tín trên thị trường: “Còn tồn tại nhiều hạn chế như tình trạng sản xuất phân tán, manh mún; thiếu diện tích chuyên canh quy mô lớn, năng suất, chất lượng trái cây thấp là chủ yếu; việc đầu tư thâm canh chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật; số lượng, quy cách, chất lượng không đồng đều. Đặc biệt, hiện khối lượng trái cây đạt chứng nhận GAP còn quá ít (chỉ 270ha trong tổng diện tích gần 28.000ha). Tất cả những bất cập, tồn tại như đã nêu làm nông dân luôn bị nằm “kèo dưới” khi ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ, hợp đồng xuất khẩu”.

Theo bà Sương, muốn xuất khẩu trái cây tươi, giải pháp quan trọng nhất là nâng cao khả năng bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Quan trọng nhất là nhà vườn gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ để cùng xây dựng thương hiệu… Các khâu này hiện còn quá kém, mặc dù Nhà nước hết sức quan tâm hỗ trợ. Cũng vì vậy, hơn 90% sản phẩm trái cây của Bến Tre tiêu thụ ở thị trường trong nước với sức cạnh tranh không cao, xuất khẩu rất ít nhưng phải trải qua nhiều khâu trung gian. Hiện sản lượng trái cây thu hoạch của tỉnh hơn 305.000 tấn/năm, đứng vị trí thứ 3 về diện tích, sản lượng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, tập trung ở 5 loại trái cây đặc sản, gồm: bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, măng cụt. Hiện có 10 hợp tác xã, 128 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Sở đã đề ra 7 giải pháp căn cơ “từ gốc” được thực hiện bằng những chính sách phù hợp để từng bước nâng cao giá trị trái cây Bến Tre trên thị trường tiêu thụ.

“Chọn vùng đất thích hợp để quy hoạch thành vùng chuyên canh. Chọn cây giống có phẩm chất cao, sạch bệnh. Chú ý sử dụng cây giống đầu dòng làm mắt ghép và khai thác ưu thế của gốc ghép khỏe để giúp cây dễ ra hoa, đậu trái, tăng khả năng kháng sâu bệnh và chống chịu tốt với môi trường. Khi trồng cây nên lên liếp, đắp mô, thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, tưới nước, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học. Thu hoạch trái đúng thời điểm, đúng cách và trái cây bán ra thị trường cần có nhãn hiệu, thương hiệu, giấy chứng nhận GAP… Đặc biệt là giải pháp vận động, hỗ trợ người dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể. Chuỗi giá trị liên kết sản xuất, tiêu thụ đang được tập trung thực hiện” - bà Sương cho biết.

Giải pháp khắc phục khi cây trồng bị nhiễm mặn

TS Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết phần lớn loại cây trồng tại địa phương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bắt đầu từ độ mặn 0,5 - 0,8%o. Đồng thời, chia sẻ giải pháp mà ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách khuyến cáo nhà vườn áp dụng trong thời gian qua, gồm: hàng năm, đều bón phân hữu cơ đệm cho cây; tăng cường hàm lượng canxi, phân kali để bổ sung năng lượng kháng chịu mặn và đẩy chất muối nội tại trong cây ra ngoài; ưu tiên chọn phân vi sinh và hạn chế dùng phân bón hóa học; đảm bảo lượng nước tưới tiết kiệm, vừa đủ và đạt chất lượng, giúp cây sinh trưởng tốt.

TS Võ Hữu Thoại cho rằng, địa phương cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân về sức chịu mặn cụ thể đối với từng loại cây trồng. Qua đó, người dân có thể tự xử lý trong điều kiện của mình tốt hơn. Sau mỗi đợt xâm nhập mặn, chẳng những cây trồng bị ngộ độc mặn mà đất đai cũng bị nhiễm lượng muối trong đó. Vì vậy, việc giải độc cho cây cũng phải tiến hành song song với rửa phèn mặn cho đất. Cụ thể, nhà vườn phải kiểm tra tình trạng, đánh giá mức độ thiệt hại và đề ra kế hoạch phục hồi trong từng thời điểm. Việc đánh giá mức độ thiệt hại, nếu tán cây thiệt hại nhiều (trên 50%), cần chăm sóc cây như giai đoạn kiến thiết cơ bản nhằm phục hồi tán cây, không để ra quả; tán cây thiệt hại dưới 50%, chăm sóc cây như giai đoạn mang quả để cây có thể ra hoa, đậu quả. Trong chăm sóc, cần cắt tỉa những cành khô héo, cành chết và mạnh dạn cắt bỏ những quả đang ở trên cây, dùng nước tưới đảm bảo đủ lượng chế phẩm sinh học, giúp kích thích rễ non cho cây. Sau khi cây đã phục hồi cơ bản, sử dụng phân lân, phân N-P-K để bổ sung nguyên tố đa, trung, vi lượng cần thiết để cây phục hồi nhanh hơn. Nếu mặn chỉ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển đối với chỉ một số cây trong vườn và việc duy trì vườn cây vẫn còn hiệu quả thì tiến hành càng sớm càng tốt việc trồng dặm hoặc củng cố, phục hồi cây.

ThS Trần Minh Tuấn - Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đánh giá việc Bến Tre chủ động những giải pháp ứng phó, phòng tránh ngộ độc mặn cho cây trồng trong điều kiện khó kiểm soát, dự báo về độ mặn như hiện nay là rất tốt. Bởi, thời gian gần đây dòng chảy từ phía thượng nguồn sông Mekong thay đổi quá lớn khiến cho diễn biến xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất khó lường. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo ông Phạm Anh Linh - Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, Hội thi đấu xảo trái cây năm nay quy tụ cả những sản phẩm ngoài tỉnh và có đến 160 mẫu dự thi nhưng chỉ có 9 giải nhì và không có giải nhất. “Điều này phản ánh tình hình xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu đã gây cho chúng ta sự khó khăn, mất năng suất như thế nào. Vì vậy, các giải pháp hạn chế thiệt hại từ những bất lợi trên luôn luôn được các cấp chính quyền quan tâm, người dân cũng nên chủ động hơn trong điều kiện của mình” - ông Linh nói.

Trọng Đạt

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang