• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giải pháp phát triển bền vững ngành dừa: Xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 29/05/2017
Ngày cập nhật: 30/5/2017

Mỹ phẩm từ dừa tạo giá trị gia tăng cao. Ảnh: C.Trúc

Tháng 1-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre có kế hoạch xây dựng và phối hợp hoàn thiện chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông đã chủ trì phối hợp triển khai xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa đối với dừa công nghiệp và dừa uống nước.

Xây dựng chuỗi từ thấp đến cao

Mục tiêu đối với dừa công nghiệp, đến năm 2020, tỉnh sẽ hình thành 30 tổ liên kết, 19 tổ hợp tác (THT), 3 hợp tác xã (HTX) dừa công nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Nhật và EU. Đối với dừa uống nước, hình thành 5 tổ liên kết, 1 HTX sản xuất dừa uống nước, trong đó có sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ông Huỳnh Quang Đức - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho hay: Do đặc thù của Bến Tre nói riêng, Việt Nam nói chung nên việc xây dựng chuỗi của chúng ta sẽ khác nhiều về cách làm, phương châm đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và không nóng vội.

“Trước đó, tỉnh đã tổ chức hoạt động xây dựng chuỗi mà cụ thể là thành lập THT, gắn kết THT với doanh nghiệp (DN) và các hoạt động hỗ trợ. Đến nay, các liên kết đã bị phá vỡ hết và chúng tôi gần như phải làm lại từ đầu. Từ đó, chúng tôi rút ra kinh nghiệm để xây dựng chuỗi bền vững. Trước hết, hoạt động liên kết chuỗi phải giúp được cho nông dân tăng năng suất hiệu quả và tổ chức thông tin thị trường tốt nhất để có dự báo, định hướng kịp thời” - ông Huỳnh Quang Đức nói.

Bắt đầu từ khâu trồng dừa, ưu tiên tập trung về kỹ thuật trồng, quản lý sâu bệnh để ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng dừa thu hoạch. Sau đó là giúp người dân bán dừa được với giá tốt hơn so với người không tham gia liên kết chuỗi. DN khi tham gia chuỗi phải minh bạch về giá cả thu mua, giúp người dân hưởng lợi nhiều hơn, tận dụng lao động nông nhàn tại địa phương để người dân kiếm thêm thu nhập và dần gắn bó chặt chẽ hơn, uy tín hơn trong hoạt động liên kết chuỗi. Người dân có thể tham gia sơ chế dừa, cần DN hỗ trợ và giới thiệu thu mua luôn các phụ phẩm còn lại như nước dừa, gáo, chỉ xơ dừa.

Nông dân và DN cần hiểu biết nhau nhiều hơn. Về phía nông dân, ông Huỳnh Quang Đức cho rằng, hướng tới, THT sau khi thành lập cần được tham quan, tìm hiểu thêm về hoạt động sản xuất của nhà máy. Hơn nữa, DN có chính sách đồng hành, chia sẻ cùng người dân trong tổ chức sản xuất, ví dụ như chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí cho THT, HTX hoạt động trong chuỗi liên kết.

Chỉ ra thêm hạn chế về liên kết, ông Đức cho rằng, vấn đề tổ chức sản xuất của THT, HTX có tốt hơn thì mới có thể hợp tác tốt với DN. Trong khi, thời gian qua, hầu hết THT chưa làm được điều này nên cũng dẫn đến phá vỡ các liên kết. Để nâng cao năng lực quản lý tổ, tới đây trung tâm sẽ giúp xây dựng năng lực tại chỗ, về kiến thức, kỹ năng sản xuất và quản lý.

Từ tổ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ

So với các tổ liên kết sản xuất dừa trên địa bàn tỉnh hiện nay, THT Chăm sóc, cải tạo vườn dừa xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm hoạt động khá hiệu quả. Tổ được thành lập vào cuối năm 2013, có 60 thành viên với tổng diện tích trên 62ha. Theo ông Nguyễn Văn Trọn - Tổ trưởng THT, định kỳ hàng quý họp 1 lần. Nội dung họp bàn xoay quanh tình hình mua bán, giá dừa, tình hình sản xuất các vườn dừa, quản lý sâu bệnh hại dừa… Để có thêm hoạt động và ý nghĩa gắn kết giữa nông dân với nông dân, tổ thành lập quỹ phát triển sản xuất 32 triệu đồng. Thành viên nào thiếu vốn, có nhu cầu sẽ được tổ luân phiên cho mượn. Bà con góp vốn vào quỹ, lãi suất 1%/tháng. Đến nay, quỹ phát triển lên 42 triệu đồng.

Ông Trọn cho biết thêm, hàng năm, các thành viên được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc dừa, quản lý kỹ thuật chăm sóc trong điều kiện hạn mặn. Thời gian qua, tổ được Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu BếnTre (Betrimex) hỗ trợ xây dựng vườn dừa theo tiêu chuẩn organic (hữu cơ), với 34 hộ tham gia. Hướng tới, tổ duy trì hoạt động có hiệu quả và vận động các thành viên còn lại chuyển sang sản xuất hữu cơ.

Về tính cần thiết thành lập HTX trong giai đoạn hiện nay, ông Phan Chánh Thi - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, HTX ngành dừa là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ông nhấn mạnh mục tiêu thành lập HTX phải xuất phát từ mục tiêu hợp tác của các thành viên và phải tối đa hóa lợi ích của thành viên về dịch vụ, giá cả, tiếp cận dịch vụ. Nếu nông dân là chủ thể của HTX thì HTX là mắt xích quan trọng trong việc hình thành chuỗi. HTX đóng vai trò đầu mối liên kết với các đối tác giúp nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác, tăng năng suất dừa, tăng thu nhập, giải quyết khó khăn về vốn, nhân lực…

Phân khúc chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu ngành dừa được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển mạnh trong thời gian qua, đặc biệt là đa dạng hóa các sản phẩm từ dừa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Bà Phạm Thị Hân - Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay, nếu chạy hết công suất các nhà máy sẽ tiêu thụ 1,1 tỷ trái dừa/năm, vượt xa sản lượng dừa khô của tỉnh (gần 600 triệu trái dừa). Để đủ sản xuất, các DN đã thu mua thêm nguyên liệu trong và ngoài nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành dừa đạt 150 triệu đô-la, ngày càng hướng đến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao: dầu dừa tinh khiết, nước dừa đóng hộp công nghệ tiên tiến, mỹ phẩm cao cấp từ dừa, sữa dừa…

“Thách thức hiện nay là DN sẽ thiếu nguyên liệu trong thời gian tới nên cần phải liên kết xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Thị trường chưa ổn định, DN phải tìm cách phát triển, giữ thị phần. DN nên đầu tư sản phẩm giá trị gia tăng, đạt các tiêu chuẩn thế giới, đổi mới mẫu mã, phát triển thương hiệu. Sự cạnh tranh thị trường thế giới ngày càng gay gắt hơn. Sắp tới, Sở Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cơ sở, HTX, THT đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước” - bà Phạm Thị Hân cho biết thêm.

Cẩm Trúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang