• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Giải pháp phát triển bền vững ngành dừa - Kinh nghiệm từ mô hình canh tác hiệu quả

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 24/05/2017
Ngày cập nhật: 26/5/2017

Dừa xiêm xanh đang được thị trường ưa chuộng. Ảnh: M. Phương

Năm nay, năng suất dừa trái giảm từ 40 - 70% so với những năm trước. Các nguyên nhân khách quan được nông dân nêu ra là: cây dừa đang vẫn còn bị ảnh hưởng dư âm của thiên tai hạn mặn năm 2016, bước vào chu kỳ dừa treo trái, sâu bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát... Theo kinh nghiệm từ các nông dân có mô hình trồng dừa hiệu quả, thì kỹ thuật chăm sóc và trồng xen, nuôi xen có vai trò quan trọng.

Kỹ thuật chăm sóc

Ông Nguyễn Văn Hoảnh ở thị trấn Giồng Trôm có hơn 2ha đất trồng dừa; bình quân 25 cây/1.000m2 (cây cách cây cách 8m, hàng cách hàng 5m). Ông dựa vào tuổi của cây trồng để bón phân đa - trung - vi lượng. Thay vì dùng phân vô cơ, ông Hoảnh tận dụng nguồn phân hữu cơ tại địa phương ủ với nấm Trichoderma nhằm cung cấp dinh dưỡng, hệ sinh vật có lợi, từng bước tạo màu mỡ cho đất. Cách này cây trồng tăng sức đề kháng phòng ngừa nhiều loại bệnh. Ông còn nuôi kiến vàng làm thiên địch có lợi, hạn chế sử dụng thuốc hóa học có độc tính cao. Khi cần sử dụng thuốc, ông ưu tiên các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. “Các vườn dừa cho năng suất không cao là do nông dân trồng với mật độ dày, bón phân không đầy đủ. Nếu trồng dừa với mật độ thưa thì trồng xen thêm bưởi hoặc cây có múi khác. Cây trồng chính vẫn cho năng suất cao kết hợp với cây trồng xen tăng thu nhập cho nhà vườn” - ông Hoảnh nói.

Cũng với kỹ thuật trồng thưa, ông Nguyễn Thanh Vũ ở xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, có 6.000m2 đất trồng dừa, bình quân 16 cây/1.000m2. Với kinh nghiệm thâm canh vườn dừa theo hướng hữu cơ đạt năng suất và chất lượng cao, ông quan tâm từ khâu bón phân, phòng trừ sâu bệnh, khắc phục dừa rụng trái non, nuôi thả ong ký sinh, hạn chế dừa treo trái vào tháng 3 - 5 dương lịch. Ông nói: “Phân hữu cơ bón từ 25 - 30kg/1 cây/năm, chia làm 3 đợt bón vào đầu, giữa và cuối mùa mưa. Phân được sản xuất từ bã thực vật, phân chuồng ủ với nấm Trichoderma. Mỗi năm, tôi bồi bùn một lần. Mùa mưa thường xuyên làm cỏ, cắt tỉa xơ để hạn chế sâu bệnh, chuột đục khoét trái dừa non. Mùa nắng định kỳ 10 ngày tưới cho cây 1 lần để cung cấp nước và giữ độ ẩm. Cách này giúp giảm rụng trái non và khắc phục treo trái. Trữ nước ngọt bằng hệ thống đê bao cục bộ để đảm bảo nước ngọt phục vụ tưới tiêu, giúp cây có năng suất luôn ổn định”. Để trị các côn trùng dịch hại nguy hiểm trên dừa hiện nay là bọ vòi voi, bọ cánh cứng, ông Nguyễn Thanh Vũ nuôi kiến vàng và thả ong ký sinh. Trong bối cảnh chung, hiện mô hình vườn dừa mẫu của ông Vũ vẫn cho năng suất ổn định từ 5.500 - 6.000 trái/năm. Nếu năm 2013, năng suất bình quân đạt 50 trái/cây/năm thì đến nay đạt từ 65 - 70 trái/cây/năm. Với giá bán 8.000 đồng/trái, doanh thu 50 triệu đồng/năm, trừ chi phí, ông lời 43,3 triệu đồng/năm.

Một điểm thu mua dừa trái. Ảnh: C. Trúc

Trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo để chăm sóc vườn dừa hiệu quả, ông Nguyễn Văn Đoàn ở xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú chia sẻ: “Tôi bơm lớp đất dưới đáy ao nuôi tôm càng xanh (nuôi xen trong vườn dừa) lên chăm sóc cây dừa. Để khống chế dừa treo trái mùa nghịch, cần tính toán thật kỹ thời gian dừa treo trái mà tính ngược lại 8 tháng trước khi cây trổ bông. Trong 4 tháng cây trổ bông nhiều, bón 3 cử phân, với 80g kali. Trong mùa mưa, cây dừa dễ rụng trái dẫn đến treo trái về sau; độ ẩm, thiên địch có hại nhiều, nếu không xịt thuốc thì sẽ rụng trái. Vì thế, trong 4 tháng này phải xịt 3 cử thuốc và bón bổ sung phân kali vào các tháng 8, 9, 10, 11”. Theo ông Đoàn, để có buồng dừa sai trái và chất lượng, người chăm sóc vườn dừa giống như người mẹ nuôi dưỡng con, phải tính toán, chăm sóc từ giai đoạn thai nghén.

Trồng xen, nuôi xen

Những năm qua, việc trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa đã khẳng định là giải pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp người trồng dừa có thu nhập ổn định, mức sống cao và ổn định. Tuy nhiên, trồng xen, nuôi xen thế nào mới đem lại hiệu quả là vấn đề được người dân quan tâm và chia sẻ.

Mô hình trồng xen được đánh giá hiệu quả cao là trồng bưởi da xanh xen trong vườn dừa. Kỹ thuật trồng dừa thưa được lợi thế là có thể trồng xen bưởi giữa khoảng cách các cây dừa. Theo ông Nguyễn Văn Hoảnh, nếu vườn dừa xiêm xanh đơn thuần thì lợi nhuận bình quân đạt khoảng 140 triệu đồng/ha/năm. Nhưng nếu bưởi xen dừa xiêm xanh thì lợi nhuận bình quân trên 270 triệu đồng/ha/năm.

Hay mô hình nuôi xen tôm càng xanh với kỹ thuật tiên tiến trong vườn dừa của ông Nguyễn Văn Đoàn vừa giúp có nguồn phân hữu cơ chăm sóc vườn dừa, vừa tăng thêm thu nhập 50 triệu đồng/ha mặt nước/vụ. Vào thời điểm giá dừa sụt giảm, ông Đoàn thu nhập chính nhờ vào thu hoạch tôm nuôi trong mương vườn dừa. Lúc giá dừa cao, năng suất vườn dừa vẫn ổn định nên vẫn đảm bảo nguồn thu từ cây dừa và con tôm.

Bên cạnh đó, người trồng dừa còn tận dụng diện tích mặt đất để nuôi dê, bò, gà trong vườn dừa, giúp tăng thu nhập, ổn định đời sống, giữ vững vườn dừa.

Theo ông Huỳnh Quang Đức - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để có nhiều cơ hội chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác hiệu quả, bền vững vườn dừa, bà con có thể thường xuyên liên hệ đường dây nóng của trung tâm để được giải đáp kịp thời, đầy đủ. Người trồng dừa cần chủ động liên kết, tham gia các mô hình như tổ hợp tác, hợp tác xã để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, giảm chi phí trong sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Giống nghiên cứu ươm giống dừa đảm bảo cung ứng đủ và đạt chất lượng cho phát triển vườn dừa bền vững trong thời gian tới. Sở Khoa học và Công nghệ chú ý nghiên cứu các giống dừa thích ứng với biến đổi khí hậu, chịu mặn, năng suất và chất lượng cao. Ngành nông nghiệp cam kết lộ trình thực hiện vườn dừa mẫu để nhân rộng; phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2016 - 2020, hướng đến năm 2025.

Cẩm Trúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang