• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Mùa dâu trên đỉnh Thiên Cấm sơn

Nguồn tin: Báo An Giang, 16/05/2017
Ngày cập nhật: 17/5/2017

“Thời điểm này năm ngoái, chúng tôi đã có dâu chở xuống bán cho các chủ vựa dưới chân núi. Còn giờ, cả vườn dâu chỉ được vài cây có trái chín, số còn lại vẫn phải chờ nhưng năng suất không cao như mọi năm...” - anh Nguyễn Văn Lợi (47 tuổi, ngụ ấp Rau Tần, xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) tâm sự khi dẫn chúng tôi thăm vườn dâu của mình trên đỉnh Thiên Cấm sơn (núi Cấm).

Để thăm được các vườn dâu trên núi Cấm, chúng tôi trải qua chặng đường khá gian nan từ chân núi. Dù được anh tài xế Honda đầu chở phía sau nhưng con đường nhiều dốc nghiêng như sắp dựng đứng, khiến tôi như nghẹt thở. Qua những đoạn đường thử thách ấy, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm, lắng nghe câu chuyện về những cây dâu nơi đây. Mùa dâu bắt đầu trùng với dịp lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (tháng 4 âm lịch).

Xưa kia, người dân chỉ quen với những cây dâu rừng, giá trị kinh tế thấp, sau này bà con đã mạnh dạn đưa giống dâu Gia Bảo (dâu xanh) và dâu bòn bon (da vàng) về trồng trên vùng đất núi - hai giống dâu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thích hợp với khí hậu mát mẻ nên cây dâu ở đây được trồng chủ yếu từ lưng chừng lên đến đỉnh núi. Khách hành hương đúng vào dịp dâu đang rộ sẽ không khỏi xao lòng trước những trái dâu mọng nước, buông mình lủng lẳng thành từng chùm ngã nghiêng trước gió.

Người trồng lo lắng khi trái dâu chín muộn

Anh Lợi dắt tôi đi vòng quanh nhà xem vườn dâu của mình. Theo anh, khoảng 1-2 năm trước, trái dâu xum xuê, ôm lấy thân từ gốc đến ngọn. Còn hiện tại, nhìn vườn dâu có cây không có một trái, anh Lợi không giấu được nỗi lo. “Hơn 100 gốc dâu của tôi mùa này thu hoạch cao lắm chỉ độ 100kg là cùng. Mấy chục năm gắn bó với cây dâu, đây là mùa “khó ăn” nhất! Dù có đến 2 đợt ra bông, nhưng hầu như các cây dâu đều đậu trái rất ít. Một phần do nắng hạn kéo dài, không đủ nước tưới, một phần do đợt sương muối bất thường hồi tháng 12 âm lịch năm 2016 đã khiến bông rụng hàng loạt. Mùa dâu năm nay đến trễ hơn các năm trước. dâu chín muộn nên tới tận giờ, vườn tôi vẫn chưa thu hoạch được trái nào. Cứ đà này chắc đến cuối tháng 4 âm lịch mới có dâu bán. Vậy là “xong” một mùa dâu...!” - anh Lợi thở dài.

Xa hơn một chút là vườn dâu của anh Nguyễn Văn Chức (31 tuổi, tổ 4, ấp Rau Tần). Tại đây, chúng tôi được nghe những câu chuyện không khả quan lắm về cây dâu. Sở hữu trên 600 gốc dâu (Gia Bảo và bòn bon), anh Chức cho biết mùa này thu hoạch cao lắm chỉ khoảng 4 tấn dâu. Với chừng ấy cây đó, nếu gặp năm trúng mùa có thể đạt đến gần 20 tấn dâu.

“Làm vườn, chúng tôi rất sợ gặp sương muối ngay đợt cây đang trổ bông, vậy mà cũng không tránh khỏi. Năm rồi cũng có nhưng ít hơn. Mấy tháng trước nhìn vườn dâu ra bông cây nào cũng xum xuê lòng tôi khấp khởi mừng. Nhưng không lâu sau, sương muối xuất hiện làm rụng bông hàng loạt, trông đến tội. So với mọi năm, giá dâu không chênh lệch lắm! Dâu bòn bon được 6.000 đồng/kg, còn giống dâu xanh Gia Bảo được thị trường ưa chuộng hơn nên có giá 11.000 đồng/kg. Tuy giá cao, nhưng từ nay đến hết mùa, giá dâu sẽ còn bất thường” - anh Chức rầu rỉ nói.

Ảnh hưởng của thời tiết nên cây dâu không trĩu quả như mọi năm

Trước tình trạng dâu mất mùa liên tục như hiện nay, không ít nhà vườn nản chí, một số người “hạ” bớt cây, có người còn đốn hoàn toàn vườn dâu để chuyển sang trồng loại cây trái khác. “Thời gian trước, cây dâu cho năng suất khá cao, mang về thu nhập ổn định cho người trồng. Nhưng giờ, chỉ trông chờ vào cây dâu thì cuộc sống rất bấp bênh. Vườn của tôi đã chặt hết vài cây dâu để trồng xen bơ, tiêu. Tới hôm nay, vườn tôi chưa có trái dâu nào chín để bán. Đây là chuyện hy hữu, lần đầu tiên xảy ra kể từ ngày tôi trồng cây dâu!” - bà Phan Thị Bi (69 tuổi, ngụ ấp Rau Tần) chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Rau Tần, toàn ấp có hơn 100 hộ dân, trong đó có đến 50% hộ trồng dâu. Đây là loại cây mang lại thu nhập khá cao cho bà con nhưng những năm gần đây, điệp khúc “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa” diễn ra liên tục, khiến nhiều người không còn mặn mà với cây dâu.

Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo Chau Khonh cho biết: “Trước thực trạng cây dâu bị tác động của thời tiết, ảnh hưởng đến năng suất, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tập huấn giúp bà con nâng cao kỹ thuật trồng. Nhưng ảnh hưởng của sương muối là mối nguy lớn nhất với bà con. Chúng tôi hy vọng các ngành chuyên môn có thể nghiên cứu, giúp bà con có biện pháp đối phó để có thể duy trì việc trồng dâu trên Thiên Cấm Sơn”.

Phương Lan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang