• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển cây dâu tây trên núi Cấm

Nguồn tin: Báo An Giang, 09/05/2017
Ngày cập nhật: 10/5/2017

Xuất phát từ ý tưởng trồng cây xứ lạnh, anh Phạm Huy Cường (ngụ xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) đã trồng thí điểm thành công cây dâu tây trên núi Cấm. Sau gần 1 năm canh tác, anh Cường đang có hướng nhân rộng mô hình này trong tương lai.

Nói về quá trình “bén duyên” với cây dâu tây, anh Phạm Huy Cường chia sẻ: “Trước kia, tôi đã thực hiện thành công mô hình trồng hoa lily và cúc đồng tiền xuất xứ từ Đà Lạt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTTN) tỉnh đã cung cấp cho tôi nguồn giống của vài loại cây xứ lạnh, trong đó có dâu tây. Tôi tiến hành trồng thử, chúng phát triển rất tốt. Từ đó, tôi quyết tâm thực hiện mô hình này”.

Theo anh Cường, giống dâu tây do Sở NN&PTNT cung cấp có xuất xứ từ Nhật Bản và thích nghi khá tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên núi Cấm. “Cây dâu tây phát triển khá tốt và cho khoảng 20 trái/cây trong suốt vụ canh tác. Về chất lượng, trái dâu tây trồng trên núi Cấm không thua ở Đà Lạt là bao. Khá nhiều người đến tham quan mô hình này và đánh giá cao về chất lượng trái” - anh Cường cho biết thêm.

Tuy nhiên, không phải giống dâu tây nào cũng có thể “bám đất” trên núi Cấm. Hiện tại, anh Cường chỉ thành công với giống dâu tây Nhật Bản, riêng loại giống có nguồn gốc từ New Zealand không thích nghi được. “Dâu tây New Zealand chỉ sống được với điều kiện khí hậu lạnh thường xuyên trong khi thổ nhưỡng trên núi Cấm thì ngày nóng, đêm lạnh. Vào những tháng mùa khô, giống dâu tây New Zealand bị chết cây do không chịu được nhiệt độ cao” - anh Cường cho hay. Hiện tại, anh Cường đang có hướng phát triển giống dâu tây Nhật Bản, bởi kết quả thu được sau lần thí điểm đầu tiên rất khả quan. Với diện tích nhà lưới khoảng 700m2, anh có thể canh tác khoảng 1.600 chậu dâu tây với mật độ 2 - 3 cây/chậu. Ông Lê Quốc Châu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Tịnh Biên, cho biết: “Chúng tôi đã đến tham quan mô hình của anh Cường và nhận thấy dâu tây phát triển khá tốt, chất lượng trái ngon. Đây là mô hình nông nghiệp mới, tận dụng tốt đặc thù thổ nhưỡng trên núi Cấm. Nếu có điều kiện phát triển thì mô hình sẽ mang đến những kết quả khả quan”.

Để có thể gắn bó với cây dâu tây, anh Cường đã cất công lặn lội đến những vườn dâu ở tận Đà Lạt để tham quan và “học nghề”. Hiện nay, anh nắm khá vững những kiến thức cơ bản để chăm sóc cây dâu tây phát triển tốt trong điều kiện canh tác nhà lưới. “Được sự hỗ trợ về diện tích nhà lưới của Sở NN&PTNT, Sở Khoa học - Công nghệ, tôi có đủ điều kiện để phát triển cây dâu tây trên núi Cấm. Vấn đề hiện nay là tôi đang cần vốn để đầu tư giống dâu tây Nhật Bản. Sở NN&PTNT đang có hướng hỗ trợ tôi tìm nguồn giống ưng ý. Nếu có điều kiện thực hiện lại mô hình, tôi nghĩ mình có thể đạt được kết quả tốt hơn” - anh Cường bộc bạch.

Vì điều kiện khí hậu trên núi Cấm không quá lý tưởng nên anh Cường không hướng đến việc đạt năng suất cao trong mỗi vụ canh tác. “Dù khí hậu mát mẻ nhưng năng suất cây dâu tây trên núi Cấm không thể so với vùng chuyên canh tại Đà Lạt. Do đó, mục đích của tôi là sẽ trồng dâu tây kiểng. Theo đó, những cây dâu tây sẽ được trồng trong chậu và bán cho du khách khi họ có nhu cầu. Đặc biệt là những tháng cận Tết, khí hậu trên núi Cấm mát mẻ hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để tôi thực hiện mô hình” - anh Cường thông tin. Việc được mang những cây dâu tây về nhà, tự tay chăm sóc và sử dụng quả sẽ mang lại cảm giác thích thú cho người mua.

Với những tín hiệu tích cực từ cây dâu tây, anh Cường đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành chuyên môn để có thể phát triển mô hình nông nghiệp đặc thù này. Ông Lê Quốc Châu thông tin: “Trước mắt, chúng tôi sẽ đề xuất Hội Nông dân tỉnh để có hướng hỗ trợ anh Cường. Ngoài ra, Hội Nông dân Tịnh Biên sẽ cố gắng hỗ trợ anh Cường thực hiện mô hình, vì đây là hướng mới để hình thành thêm điểm tham quan cho du khách, khi đặt chân lên núi Cấm”.

Thanh Tiến

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang