• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Canh” thanh long tết

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 10/01/2017
Ngày cập nhật: 12/1/2017

Hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2017, bởi vậy bà con nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung và huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc nói riêng đang ra sức chăm sóc thanh long chờ ngày thu hoạch đúng dịp tết.

Ảnh: N.L

Đêm, từng vùng trời các xã trồng thanh long ở đâu cũng rực sáng ánh đèn vàng. Đó là hình ảnh từng vườn thanh long đang kỳ chong đèn, đẹp lung linh. Đối với người đi đường, đó đơn thuần chỉ là vẻ đẹp tự nhiên của vùng trời Bình Thuận mỗi khi vào dịp cuối năm. Còn đối với bà con nông dân - những chủ vườn lại đang mang trong mình sự hồi hộp, lo lắng, làm sao cho trái thanh long ra trái thật đẹp, năng suất để bán vào dịp tết.

Tìm đến vùng trồng thanh long xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) vào ngày Tết Dương lịch 2017, chúng tôi được chứng kiến bạt ngàn thanh long đang kỳ cho trái. Có vườn đang được chủ vườn thuê người hái, có vườn đang kỳ chong đèn, nơi thì quả thanh long mới chỉ to hơn nửa nắm tay. Lân la hỏi chuyện, chị Đặng Thị Thanh Hương (thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp) vừa thoăn thoắt vuốt tai thanh long, vừa chia sẻ: “Toàn bộ 280 trụ thanh long của gia đình đã ngắt chong đèn gần 2 tháng nay, dự kiến sẽ cắt trái vào dịp rằm tháng chạp”. Chị Hương cho hay, năm nay do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa nhiều nên một số diện tích chong đèn bị “gãy”, nấm nhiều, trái nhỏ nên gia đình rất lo lắng. Vì vậy, từ nay đến khi thu hoạch, phải dồn công chăm sóc với mong muốn thu được lợi nhuận khá.

Còn chị Trương Thị Trinh ở cùng thôn có 700 trụ thanh long hiện còn đang chong đèn, dự kiến sẽ bán trái vào dịp thanh minh. Nói về giá cả, chị Trinh cho hay, thời gian gần đây giá thanh long tăng lên 15.000 -18.000 đồng/kg (loại 1) nhưng thời điểm này lại bắt đầu giảm giá xuống còn 10.000 - 11.000 đồng/kg, riêng loại hàng dạt thì chỉ bán được 4.000 - 5.000 đồng/kg. Chính sự trồi sụt của giá cả liên tục như vậy, nên khi chúng tôi hỏi dự kiến thu nhập từ thanh long vụ tết, chị lắc đầu bảo: “Không biết đâu mà lần và chưa nói trước được điều gì”.

Tại xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc), nhiều hộ dân cũng đang “canh” thời gian để trúng dịp Tết Nguyên đán. Chị Lê Thị Thủy có gần 1.000 trụ thanh long, hiện thời điểm này đang cho trái “chạy chỉ”. Theo chia sẻ của chị Thủy, năm ngoái gia đình chị cũng “canh” thanh long bán tết, thu về được khoảng 10 triệu đồng tiền lãi, nhưng năm nay chưa biết thế nào vì giá cả biến động thất thường.

Khác với những hộ trồng thanh long kể trên, hộ anh Lê Tùng (xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam) với trên 1.000 trụ thanh long lại chọn cách chong đèn theo pha chứ không chờ dịp tết. Theo anh Tùng và một số nông dân khác, những năm trước họ cũng ra sức chăm bón, nhưng do chong đèn bị “gãy” lứa nên thua lỗ, do đó năm nay nhiều hộ không còn trông chờ vào dịp tết.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trời có mưa tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đốm nâu phát triển mạnh trên các vườn thanh long, đặc biệt là những vườn đang mang trái và vườn lấy cành non. Diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu toàn tỉnh là 5.544 ha, trong đó nhiễm nhẹ 4.641 ha, nhiễm trung bình 867 ha và nhiễm nặng 36 ha, so cùng kỳ năm 2015 tăng 3.106 ha. Ngoài ra, bệnh thối rễ, teo tóp cành có diện tích nhiễm 481 ha, phân bố tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và thị xã La Gi.Các đối tượng dịch hại khác phân bố rải rác, cục bộ trên toàn vùng trồng thanh long. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các Trạm BVTV tiếp tục theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn. Đối với bệnh thối rễ, teo tóp cành, cần xử lý nguồn bệnh bằng thuốc BVTV (thuốc trừ nấm + thuốc trừ tuyến trùng) và phục hồi bộ rễ bằng các thuốc kích thích sinh trưởng hoặc các loại phân bón có khả năng kích thích ra rễ. Đối với những cây bị nặng có thể phun thêm phân bón qua lá để hồi phục. Sau khi cây đã phục hồi rễ có thể bón thêm các loại phân có chứa hàm lượng lân cao như: Super lân, lân nung chảy, phosphrite... hoặc bón thêm phân hữu cơ khoáng hay hữu cơ vi sinh, tránh bón phân NPK, vôi với hàm lượng cao dễ gây tổn thương cho rễ mới hồi phục. Mặt khác, cần vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả bị bệnh và tiến hành ủ bằng chế phẩm BIO-ADB để diệt nấm bệnh. Tuyệt đối không để cành, trái bị bệnh hại nặng trong vườn thanh long, hoặc vứt bỏ tại lề đường, bờ mương, bờ sông và kênh rạch vì đây là nguồn bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan theo gió và nước.

Giáp tết - nhà nhà, người người đều hy vọng được hưởng một mùa xuân mới ấm no, hạnh phúc. Nhất là những người nông dân “chân lấm, tay bùn” lại càng hiểu hơn và hy vọng về thành quả đạt được từ công sức họ bỏ ra. Nhưng nỗi lo về sâu bệnh, thiên tai, giá cả vẫn đang là gánh nặng đè lên đôi vai người nông dân. Họ vẫn đang từng ngày chăm sóc cây trồng để mong một cái tết đủ đầy…

Kiều Hằng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang