• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xoài núi trái vụ

Nguồn tin: Báo An Giang, 10/01/2017
Ngày cập nhật: 11/1/2017

Tết này, xoài cát Hòa Lộc khu vực Ô Tà Bang (xã An Phú), Ô Tứk Sa (xã An Cư), Tà Lọt (xã An Hảo)… thuộc địa bàn Tịnh Biên (An Giang) không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn đưa về Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh... giúp cư dân tăng thu nhập, nhờ kỹ thuật kích thích ra hoa và thu hoạch trái vụ.

Tịnh Biên hiện có 1.698 héc-ta vườn cây ăn quả các loại, hàng năm đạt tổng sản lượng trên 11.500 tấn, chủ yếu là xoài trồng trên đồi đất dốc và xen dưới tán rừng. Với tốc độ phát triển mạnh vài năm gần đây, ven triền núi Cấm, núi Dài nhỏ, núi Két, núi Trà Sư… hình thành những khu vực chuyên canh xoài cát Hòa Lộc thay cho xoài thanh ca, xoài ghép bưởi và nhiều loại giống bản địa khác. Ông Trình Quốc Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện khẳng định, việc cải tạo vườn và trồng cây ăn quả là 1 trong 10 mô hình làm ăn hiệu quả, khai thác đất đai làm tăng thu nhập kinh tế gia đình và tạo công ăn việc làm cho số đông lao động khu vực miền núi.

Từ việc lập vườn trồng xoài trên đất đồi dốc và sản xuất nông - lâm kết hợp, các hộ: Huỳnh Linh Hải, Huỳnh Ngọc Bích, Ngô Văn Thanh, bà Nguyễn Thị Hảnh (xã An Phú); Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Phương Bình (xã Thới Sơn); Nguyễn Văn Bé Ba, Lê Văn Tạo (thị trấn Chi Lăng)… đạt tổng doanh thu từ 400 triệu đồng đến 1,8 tỷ đồng/hộ/năm. Riêng xã An Phú đã thành lập Tổ hợp tác làm vườn và chủ yếu trồng xoài cát Hòa Lộc. Ông Huỳnh Linh Hải (Tổ trưởng) cho hay, thông qua việc tiếp cận kỹ thuật, chuyển giao và ứng dụng những tiến bộ, các thành viên đều thành thạo phương pháp xử lý và thu hoạch trái vụ. “Xử lý trái vụ thì nhà vườn được nhiều cái lợi, như không sợ dội mùa hay ế chợ” - ông Hải nói.

Phân loại trước khi tiêu thụ

Do diện tích trồng xoài ít và sản lượng không nhiều, nếu để cây thu hoạch theo tập quán dễ bị rủi ro về thị trường tiêu thụ và giá cả bấp bênh khó lường. Bởi, Bảy Núi có xoài thì các nơi khác cũng có, còn trái vụ kỳ vọng nhiều hơn. Với kinh nghiệm nhà vườn, anh Huỳnh Huy Hoàng (ấp Núi Két, xã Thới Sơn) thông tin, hàng năm địa phương thu hoạch trên 200 tấn xoài và tiêu thụ sang thị trường Campuchia qua Cửa khẩu Tịnh Biên. “Nhờ ứng dụng kỹ thuật kích thích ra hoa, khi ở Tịnh Biên có xoài thu hoạch thì bên Takeo chưa tới vụ, nên mới có thị trường tiêu thụ được” - anh Hoàng chia sẻ. Ứng phó với biến đổi thời tiết, lập vườn trồng xoài trên đất đồi dốc đòi hỏi kỹ thuật tốt, mới phát huy hiệu quả.

Đối với khu vực đất đồi dốc, cư dân lập vườn và thử nghiệm nhiều loại, có lẽ không cây nào thay thế xoài, chịu hạn vẫn cho trái bình thường. Trong đó, có nhiều loại giống thích nghi, như: Xoài cát Hòa Lộc, xoài ghép bưởi, xoài ba màu, xoài Thái, xoài Campuchia… được nhà vườn quan tâm ứng dụng. Song, thời tiết có nhiều biến đổi, việc xử lý ra hoa và thu hoạch trái vụ cũng dễ rủi ro. Ông Lê Văn Tâm (ấp Tà Lọt, xã An Hảo) giải thích, biện pháp kỹ thuật xử lý cây xoài rất quan trọng, chênh lệch khoảng tuần lễ (trễ hoặc sớm) mà gặp thời tiết không thuận lợi, coi như phủi tay và mất trắng chi phí vài triệu đồng/công. Nếu để cây xoài sinh trưởng tự nhiên, ra hoa và kết trái theo mùa, khó đạt yêu cầu như mong muốn.

Cư dân lập vườn trồng xoài ở khu vực Ô Tà Bang (xã An Phú), Ô Tứk Sa (xã An Cư), Tà Lọt (xã An Hảo)… đa số đều chọn phương pháp xử lý và thu hoạch trái vụ. Ai cũng xem đây là giải pháp tối ưu và hiệu quả tốt, thích nghi với biến đổi thời tiết, vừa ứng phó thị trường tiêu thụ và tránh được giá cả bấp bênh. Dịp đón Tết Nguyên đán sắp tới là đợt đầu của mùa khô 2016-2017, kế tiếp là đợt Thanh Minh và Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer. Do vậy, nhiều người hay nói vui, xoài Bảy Núi cho trái quanh năm và lúc nào cũng thấy thu hoạch. Trong đó, có đợt đầu mùa khô - Tết Nguyên đán là cao điểm và mở đầu cho một năm làm ăn khả quan.

“Với khoảng 2.000 héc-ta vườn cây ăn quả, tập trung chủ yếu là cây xoài, Tịnh Biên cần khuyến cáo cư dân chú trọng các giải pháp kỹ thuật canh tác, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tốt, tạo ra thương hiệu phục vụ du khách tham quan” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm góp ý.

TRỌNG ÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang