• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xứ dừa nhập khẩu dừa nguyên liệu

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 22/03/2017
Ngày cập nhật: 23/3/2017

Nguồn thu nhập của người nông dân từ trồng dừa vẫn còn thấp. Ảnh: Thanh Long

Mặc dù có lúc phải “cầu cứu” UBND tỉnh để các lô dừa khô từ Indonesia thông quan được nhưng một số doanh nghiệp (DN) chế biến dừa tại Bến Tre vẫn không còn cách nào khác do nguồn nguyên liệu dừa khô tại tỉnh giảm mạnh. Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng diện tích đất trồng dừa của tỉnh hơn 70.000ha, tăng gần 2.000ha trong năm 2016.

Hơn 98% dừa nguyên liệu đưa vào chế biến

“Từ cuối năm 2016, chúng tôi đã phải nhập khẩu dừa khô từ Indonesia do không mua đủ số lượng dừa khô cần thiết tại địa phương. Vào khoảng hơn tháng trước, lô hàng gồm 8 container bị Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 tại TP. Hồ Chí Minh yêu cầu xuất lại nước sở tại do dừa đã nảy mầm. Nhưng lúc đó, nguồn nguyên liệu tại địa phương vẫn chưa cung ứng đủ nên buộc lòng chúng tôi viết cam kết chỉ sử dụng chế biến trong nhà máy và nhờ sự can thiệp của UBND tỉnh để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) “thông cảm một lần” nhưng đến nay vẫn chưa nhập được. Vì vậy, chúng tôi phải hoãn thời gian nhập khẩu với phía đối tác Indonesia đối với các lô hàng đã đặt tiền cọc, chờ nhà nước có chính sách mới cho việc nhập nguồn nguyên liệu này”, ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, một trong những DN chế biến dừa khô lớn nhất của tỉnh cho biết.

Theo ông Cù Văn Thành, không chỉ Lương Quới không nhập được mà còn một số DN khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. “Chủ các lô hàng cũng bị nghẽn lại tại Chi cục Kiểm dịch vùng 2 như chúng tôi. Họ có nhờ đến sự giúp đỡ của tôi để được Bộ NN&PTNT cho nhập nhưng bản thân tôi lo còn chưa xong thì sao giúp được” - ông Thành nói.

Do dừa tươi thường xuyên sốt giá nên nông dân bán trước khi khô. Ảnh: M. Phương

Vẫn theo ông Thành, tình trạng dừa thiếu hụt do trong vài tháng trước thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua, trong khi hệ quả thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 nên sản lượng dừa giảm rất nhiều. Nếu chạy hết công suất, mỗi ngày công ty của ông Thành phải cần tới khoảng 600 ngàn trái dừa khô mới đủ sản xuất 200 tấn cơm dừa/ngày. Khoảng hơn tháng qua, công ty đã cân đối được nguồn nguyên liệu dừa khô từ địa phương, một phần cũng vì thương lái Trung Quốc giảm lượng mua. Trên địa bàn tỉnh không chỉ có một số DN chế biến có quy mô lớn thiếu nguyên liệu phải nhập khẩu mà còn một số DN chuyên nhập khẩu rồi bán lại cho các cơ sở chế biến dừa khô tại địa phương.

Thông tin từ Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 10 DN chế biến cơm dừa nạo sấy, với tổng công suất thiết kế hơn 80 ngàn tấn/năm. Năm 2016, các DN này đã đưa vào chế biến khoảng gần 500 triệu trái, tương đương trên 98% sản lượng trái dừa khô của tỉnh. Giá trị tăng thêm của trái dừa rất cao, nhưng người nông dân trồng dừa - chủ thể của trái dừa không được hưởng bao nhiêu. Dừa xuất khẩu thô còn nhiều, lệ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, trái dừa tươi thường xuyên sốt giá nên nông dân thu hoạch sớm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, năng suất cho trái của cây dừa hiện bị giảm từ 50 - 70% so với cùng thời điểm năm trước. “Có nông dân cho rằng do bọ cánh cứng, bọ vòi voi gây hại làm mất năng suất. Tuy nhiên, khi chúng tôi kiểm tra thì không thấy dấu hiệu của các bệnh đó. Nguyên nhân chính khiến năng suất dừa giảm mạnh như lúc này là hệ lụy của đợt thiên tai hạn mặn mùa khô năm 2016. Bởi, cây dừa nếu bị mặn sẽ không ảnh hưởng ngay mà “treo đọt” vào chu kỳ cho trái mùa sau. Đó là đặc tính riêng của loại cây này. Tình trạng này sẽ còn diễn tiến trong vài tháng tiếp theo” - ông Dũng nhận định.

Lợi nhuận từ cây dừa còn thấp

Huyện Giồng Trôm là địa phương có diện tích và sản lượng dừa lớn nhất tỉnh, với hơn 20.000ha. Tuy nhiên, các thương lái địa phương cho biết rất khó để mua được dừa khô lúc này.

“Giờ mỗi tháng 2,5ha dừa của tôi chỉ thu hoạch được khoảng 600 trái dừa khô, trong khi bình thường thu ít nhất cũng 2.000 trái/tháng. Năng suất giảm như vậy đã hơn 4 tháng nay nhưng giá dừa cũng chỉ dao động từ 60 - 80 ngàn đồng/chục (12 trái)” - anh Huỳnh Văn Hiệp ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm nói.

Hơn 2ha dừa của anh Lê Văn Thanh ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm vừa thu được khoảng 500 trái nhưng lượng trái nhỏ hoặc bị méo mó khá nhiều nên thương lái “nặn vọt” lựa mua. “Sau Tết, tôi sửa chữa lại bờ bao trữ nước ngọt tưới dự phòng trường hợp năm nay lại mặn như năm rồi. Bên cạnh đó, tôi cũng tăng cường bón phân hữu cơ khôi phục dinh dưỡng cho đất để hạn chế treo đọt nhưng xem ra chưa có tác dụng. Với tình hình như thế này, mỗi héc-ta dừa sẽ bị thất thu từ 6 - 7 triệu đồng/tháng” - ông Thanh cho biết.

Theo Sở NN&PTNT, chủ trương xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ giữa nông dân và DN chính là “chìa khóa” để thu nhập của người trồng dừa tăng lên. Ngoài ra, việc trồng xen nuôi xen một số chủng loại sinh vật phù hợp trong vườn dừa cũng là một việc được khuyến khích. Bởi, giá trị lợi nhuận thu được của nông dân chỉ khoảng 50 triệu đồng/ha/năm là quá ít so với các cây trồng khác.

Hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 30 tổ liên kết sản xuất dừa và chỉ có 500ha dừa được Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu dừa Bến Tre (Betrimex), Công ty chế biến dừa Lương Quới bao tiêu sản phẩm. Nhưng việc tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm vẫn còn gặp nhiều bất cập giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với DN dẫn đến người dân gặp khó khăn trong sản xuất, DN thì gặp khó trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào.

Thái Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang