• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tới kỳ ra hoa vải thiều vẫn 'ngủ đông', nhà vườn Bắc Giang mất ăn mất ngủ

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 08/02/2017
Ngày cập nhật: 11/2/2017

Người trồng vải thiều tại Bắc Giang đang lo ngay ngáy bởi đã qua tiết Lập Xuân, những vườn vải vẫn nguyên cành lá như trời trồng, chẳng chịu ra hoa theo thường lệ. Đáng nói là tại các vùng vải được thâm canh cao tại Lục Ngạn, hầu hết các vườn vải đã được áp dụng quy trình chăm sóc, cắt tỉa, thậm chí khoanh vỏ rất chu đáo để kích thích ra hoa, nhưng...

“Vải điếc hoa”

Những ngày này, người trồng vải thiều ở vựa vải Lục Ngạn (Bắc Giang) đang nín thở chờ đợi, bởi những vườn vải mặc dù đã tới kỳ ra hoa nhưng vẫn “im như thóc”.

Hơn 80% diện tích vải trà chính vụ ở Bắc Giang chưa ra hoa

Ông Nông Văn Suất, một chủ vườn có hơn 2ha vải thiều tại thôn Tư Hai, xã Quý Sơn (Lục Ngạn), ái ngại cho biết: Tại địa phương thường có 2 trà vải, một trà vải sớm thường ra hoa trước Tết Nguyên đán, còn lại 80% diện tích là vải chính vụ (vải thiều Thanh Hà).

Trà vải chính vụ thường ra hoa xung quanh dịp Tết Nguyên đán hàng năm, rộ nhất là vào tiết Lập Xuân. Tuy nhiên năm nay, mặc dù đã qua tiết Lập Xuân nhiều ngày, các vườn vải trà chính vụ vẫn chỉ có lá xanh mà chưa hề có dấu hiệu mọc chồi hoa.

“Mọi năm, cứ tầm mồng 7 - 8 tết vải đã ra hoa trắng xóa cành. Không hiểu vì lí do gì mà trà vải chính vụ hiện cũng chỉ mới lác đác 10 - 15% số cây là nhu nhú mầm ở cành. Cũng chưa rõ những mầm nhú đó là chồi lộc hay chồi hoa nữa”, ông Suất lo lắng.

Trước tình hình vải thiều ra hoa chậm bất thường, những ngày qua, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện KH Nông nghiệp Việt Nam) cử các đoàn công tác về 2 tỉnh trồng vải trọng điểm là Bắc Giang và Hải Dương tìm hiểu tình hình để có giải pháp khắc phục.

Theo Cục Trồng trọt, qua kiểm tra cho thấy, hiện trà vải chín sớm (chiếm khoảng 20% tổng diện tích vải) tại 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương hoa đã cơ bản xuất hiện rõ và khá đều. Còn trà vải chính vụ (chiếm khoảng 80% tổng diện tích), hầu hết các vườn vẫn chỉ có bộ lá thành thục màu xanh vàng, chưa thấy xuất hiện lộc; chưa có biểu hiện phát dục ra hoa hay ra lộc; các đầu cành/đỉnh sinh trưởng đều đang ở trạng thái ngủ.

Đáng nói là tại các vùng vải được thâm canh cao tại Lục Ngạn, hầu hết các vườn vải đã được áp dụng quy trình chăm sóc, cắt tỉa, thậm chí khoanh vỏ rất chu đáo để kích thích ra hoa nhưng tình trạng “vải điếc hoa” vẫn không được cải thiện.

Theo Viện Nghiên cứu Rau quả, qua tham khảo các cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm cũng như các nhà vườn lâu năm cho thấy, phải hơn 10 ngày tới (khoảng tới ngày 20/2), mới có thể đánh giá được cuối cùng về mức độ ra hoa của trà vải chính vụ. Diễn biến vải ra hoa thế nào sẽ còn là một ẩn số và còn phải phụ thuộc vào tình hình thời tiết trong thời gian tới.

Thủ phạm do mùa đông ấm?

Nhận định về nguyên nhân của tình trạng vải chậm ra hoa, TS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho rằng: Hiện tượng này có liên quan tới tình trạng mùa đông năm nay ở phía Bắc ấm hơn mọi năm.

Theo ông Dũng, nhiệt độ là nhân tố chủ yếu tác động đến sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực của cây vải. Thể nguyên thủy của hoa vải là mầm hỗn hợp, có hoa, có lá. Nhiệt độ cao ức chế sự hình thành các cơ quan hoa mà thiên về sinh trưởng dinh dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của lá.

Trái lại, nhiệt độ thấp thúc đẩy sự phân hóa cành hoa nhỏ và cơ quan hoa, ức chế sự phát dục thể nguyên thủy của lá và thiên về hướng sinh thực.

Quá trình phân hóa mầm hoa vải có liên quan chặt chẽ tới nhiệt độ, nhiệt độ từ 0 - 10oC thuận lợi cho chùm hoa phân nhánh và phân hóa mầm hoa. Nhiệt độ từ 11 - 14oC thì cành hoa và lá mới có thể phát triển thành các chùm hoa có giá trị kinh tế.

Cán bộ Viện Nghiên cứu Rau quả kiểm tra các vườn vải không ra hoa

Trong khi đó, mặc dù chưa có thống kê chính thức về diễn biến thời tiết thời gian qua, song nhìn chung mùa đông năm nay ở phía Bắc ấm hơn mọi năm, không xảy ra nhiều đợt rét đậm kéo dài, lại có xen kẽ nhiều đợt nắng ấm. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho việc phân hóa mầm hoa vải gặp khó khăn.

Dự báo về các tình huống, TS Dũng cho biết: Nếu thời gian tới, thời tiết rét, nền nhiệt độ xuống thấp và khô ráo, các diện tích vải trà chính vụ chưa ra hoa vẫn sẽ có hi vọng ra hoa. Tuy nhiên nếu thời tiết tiếp tục ấm và mưa ẩm, cây vải sẽ có chiều hướng sinh trưởng sinh dưỡng, và tỉ lệ ra hoa sẽ đạt rất thấp mà chỉ tập trung cho việc ra lộc.

Về lâu dài, TS Trịnh Khắc Quang, GĐ Viện KH Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Diễn biến thời tiết đang ngày càng khó lường, vì vậy quy luật sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây trồng, trong đó có cây vải đã không còn theo chu kỳ ổn định như trước.

Đơn cử như cây vải, việc thay đổi chế độ ra hoa là kết quả ảnh hưởng do sự thay đổi chu kỳ thời tiết trong cả một năm, chứ không chỉ trong một giai đoạn ngắn. Vì vậy, để khắc phục được rủi ro này, cần phải sớm có đề tài nghiên cứu, giám sát sự thay đổi của thời tiết để có giải pháp kỹ thuật chủ động ứng phó.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, từ hôm nay (8/2), một đợt không khí lạnh với cường độ mạnh sẽ ảnh hướng tới miền Bắc nước ta, gây một đợt rét đậm trong những ngày tới. Đây được xem là “cơ hội vàng” có thể hạn chế tình trạng sinh trưởng sinh dưỡng của cây vải, kích thích quá trình ra hoa.

Tuy nhiên theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, với diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện KH Nông nghiệp Việt Nam sẽ không trông chờ vào sự may rủi của thời tiết, mà chủ động có các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo tỉ lệ ra hoa của các diện tích vải. Một trong những nhóm giải pháp này là sử dụng các chế phẩm dinh dưỡng qua lá kết hợp với phân bón để kích thích sự ra hoa, ức chế sự phát triển của lộc.

Bên cạnh đó, khuyến cáo các địa phương áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm tận dụng tối đa tỉ lệ đậu quả, hạn chế rụng sinh lý đối với diện tích vải đã và đang ra hoa. Các diện tích vải ra hoa kết hợp với lộc, có thể áp dụng kết hợp giải pháp cắt bớt lộc để tạo điều kiện cho hoa phát triển…

Hiện tại, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp với Viện KH Nông nghiệp Việt Nam gấp rút hoàn thiện giải pháp kỹ thuật để các địa phương sớm chủ động ứng phó, giữ được tỉ lệ ra hoa trong tình hình thời tiết diễn biến xấu.

LÊ BỀN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang