• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Mưa trái mùa ảnh hưởng thời vụ

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 08/02/2017
Ngày cập nhật: 10/2/2017

Nông dân xã An Bình Tây (Ba Tri) tranh thủ vận chuyển lúa về nhà.

Hệ quả của những cơn mưa trái mùa vừa qua đã khiến nhiều nhà vườn hứng chịu những thiệt hại đầu năm đáng kể. Điều này còn làm cho người nông dân lo lắng trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt…

Nhà vườn chỉ còn vụ nghịch

Trước Tết Đinh Dậu 2017, nhà vườn trồng cây ăn trái ở Chợ Lách, Châu Thành (Bến Tre) đã xiết nước, bón phân, xịt thuốc để cho cây ra hoa kết trái. Tuy nhiên, mưa trái mùa đã khiến bao nhiêu công sức, chi phí của nhà vườn phải “trôi sông trôi biển”. “Tôi xiết nước gần 1 tháng qua và đã tốn hơn 5 triệu đồng tiền phân, thuốc đầu tư vào 6 công (6.000m2) đất trồng chôm chôm. Khi cây đang ra hoa rất ổn định thì cơn mưa bất ngờ hôm mùng 6 Tết đã khiến hoa rụng sạch. Hiện tôi phải chăm sóc vườn lại từ đầu để cây ra đọt mới, chắc tầm hơn 2 tháng nữa mới có thể xử lý vụ nghịch. Nhưng làm vụ nghịch phải đầu tư hơn 10 triệu đồng. Thời tiết riết không biết đâu mà lần” - ông Hồ Văn Khởi, ấp Tân Thạnh, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách nói.

“Mặc dù thời tiết chỉ tạm thời làm mùa vụ trễ vài tháng chứ không phải mất trắng hoàn toàn, dù sao vẫn ổn hơn là xâm nhập mặn gay gắt như năm trước. Tuy thiệt hại chưa nhiều nhưng vấn đề thời tiết biến đổi bất thường cũng tạo cho nhà vườn chúng tôi những ngần ngại khi quyết định đầu tư” - ông Nguyễn Thành Thái, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách trăn trở. Xuất phát từ thực tế thời tiết biến đổi, buộc lòng lịch thời vụ thuận của nhà vườn phải chuyển ít nhất sang tháng 4-2017 mới tiếp tục xử lý cho ra hoa nghịch vụ được.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Lách cho biết, hiện có gần 40% diện tích đất trồng sầu riêng và chôm chôm đang xử lý cho ra hoa vào chính vụ. 100% diện tích măng cụt cũng đang trong giai đoạn ra hoa. Đó là những cây trồng chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng từ cơn mưa trái mùa vừa qua, nhà vườn chỉ còn cách chuyển sang xử lý nghịch vụ trong vài tháng tới. Ngoài ra, một số diện tích cây ăn trái đang trong giai đoạn thu hoạch vụ nghịch cũng có thể bị bệnh thán thư (thối vỏ) trên trái. “Nếu mưa trái mùa vẫn tiếp tục xuất hiện thì việc xử lý cây cho trái rải vụ phát triển nhanh hơn. Nhưng vấn đề trước mắt, bà con phải tốn thêm chi phí phủ bạt để an toàn khi quyết định xử lý cho ra hoa. Còn đối với diện tích cây trái người dân đã xử lý nghịch vụ, cây giống và hoa kiểng thì nhìn chung mưa giúp cây sinh trưởng tốt trong mùa khô. Đồng thời, nông dân có điều kiện tranh thủ trữ thêm nước ngọt để giải quyết vấn đề khô hạn trong mùa mặn 2017 sắp tới” - Tiến sĩ Liêm nói.

Chi phí thu hoạch lúa tăng thêm

Hiện nông dân ở huyện Ba Tri vẫn còn bị “hành” bởi cơn mưa trái mùa, nặng hạt diễn ra trước đó. “Nghe theo khuyến cáo của ngành chức năng, tôi xuống giống Đông Xuân sớm, thu hoạch trước Tết đạt gần 5 tấn/ha. Tưởng khỏe rồi. Ai dè cơn mưa trái mùa, tôi phải còng lưng phơi 2 cây rơm to tướng, mà trước đó đã phải vất vả phơi khô, chất kỹ lưỡng trong gần 10 ngày trời” - ông Ba Minh, ấp An Phú, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri than thở khi đang phơi lại rơm.

“Như ông Minh xới rơm phơi còn đỡ, còn 8 công lúa của tui bị mưa làm ngã đầu dưới nước, thuê nhân công thu hoạch mấy ngày qua vẫn chưa có, lại còn phải trả thêm khoảng 150 ngàn đồng/công nữa, thành ra tiền công thuê gặt đã 350 ngàn đồng/công. Chừng 2 ngày nữa mà không thu hoạch được, lúa sẽ lên mộng hết thôi. Trong khi đó, tính luôn cả tiền bán rơm thì cùng lắm thu được 1,5 triệu đồng/công, trừ các khoản chi phí, công nhà xong là hết sạch. Tuy nhiên, giá đó là chưa loại trừ trường hợp rơm ướt có bán được giá 1 triệu đồng/công không... Làm lúa riết hết ham!” - ông Sáu Chung, cạnh ruộng Ba Minh chua xót nói.

Để rơm không bị mục, nông dân phải rã cây rơm to ra để phơi khô lại lần nữa.

Hệ quả của mưa trái mùa chẳng những đội giá thu hoạch cho người nông dân trồng lúa tại Ba Tri mà còn khiến cho việc xuống xen vụ màu của nhiều nông dân trở nên khó khăn hơn. Anh Bùi Thanh Quốc, xã An Bình Tây bức xúc: “Hiện 800 gốc cà tím của gia đình tôi đã dư ngày để trồng ra ruộng nhưng mực nước quá cao nên đành phải chờ. Xung quanh đây, những anh em, họ hàng của tôi cũng gặp khó như vậy trong khi tranh thủ xen vụ màu. Chúng tôi chờ đợi mực nước hạ xuống trong từng giờ trôi qua nhưng dường như các cống đều chưa xả nước…”

Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri, hiện chỉ còn khoảng 30% trong tổng số hơn 12 ngàn héc-ta lúa Đông Xuân sớm trên địa bàn huyện chưa thu hoạch. “Sau cơn mưa bất ngờ, chi phí thu hoạch lúa của bà con bị tăng lên là không tránh khỏi. Hiện chúng tôi đã phối hợp với cơ quan điều tiết các cống đập (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi) và đã xả cống khi nước mưa đọng lại một cách không mong muốn trong ruộng nhằm giảm bớt khó khăn cho bà con khi thu hoạch và xuống giống vụ màu. Tuy nhiên, việc điều tiết cống diễn ra rất chậm do còn phải lường trước trường hợp có nước mặn xâm nhập bất ngờ” - ông Nguyễn Xuân Vinh - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri cho biết.

Độ Mặn có khả năng không cao

Theo lý giải của các chuyên gia về biến đổi khí hậu và sinh thái thuộc Trường Đại học Cần Thơ, những cơn mưa đang xảy ra ở Nam Bộ chính là hiện tượng La-Nina yếu. Những trận mưa trái mùa do ảnh hưởng của La-Nina yếu sẽ tiếp tục xảy ra ở Nam Bộ cho đến hết tháng 2-2017 trước khi thời tiết trở về trạng thái trung tính. Tác hại của những trận mưa trái mùa trên cũng không hề nhỏ, nhất là với những nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trồng hoa màu như hành tím, dưa, đậu phộng, ớt... Diêm nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ hiện tượng này.

Tuy nhiên, hiện tượng mưa trái mùa trên sẽ mang lại một lợi ích đáng kể là giúp tăng khả năng trữ nước cho đất, qua đó hạn chế rất nhiều tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2017.

Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2016-2017, tổng lượng dòng chảy sông Mêkông về khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10-20%, cao hơn mùa khô năm 2014-2015 và năm 2015-2016, do vậy tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2016-2017 ở khu vực Nam Bộ ít gay gắt hơn năm 2015-2016 và tương đương TBNN. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, mực nước từ tháng 1 đến tháng 3-2017 ở mức thấp hơn TBNN từ 0,1 - 0,3m, từ tháng 4 đến tháng 5-2017 ở mức xấp xỉ TBNN.

Mã Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang