• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người trồng cam ở Nghệ An thiệt hại vì giống kém chất lượng

Nguồn tin: Nhân Dân, 04/12/2017
Ngày cập nhật: 6/12/2017

Do trồng phải giống cam chất lượng thấp nên lá cam cứ vàng úa và rụng dần đến hư hại.

Đang mùa cam chính vụ nhưng nhiều hộ trồng cam ở “thủ phủ” cam ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… (Nghệ An) đều không có thu hoạch do cây bị còi cọc, vàng lá... nguyên nhân bởi trồng phải giống cam trôi nổi, kém chất lượng.

Đang vào chính vụ cam, bên cạnh những vườn cam cho thu hoạch khá thì không ít vườn cam ở vùng trọng điểm cam Vinh như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn “đều” chung hiện tượng là cho quả “ngơ”, quả nhỏ như quả chanh, hay không ra quả; cây cứ còi cọc dần và bị bệnh vàng “lá chè” mặc dù được chăm sóc chu đáo. Không chỉ vườn cam lâu năm mà nhiều vườn cây mới trồng, đang trong giai đoạn “kiến thiết” được cũng bị hiện tượng trên.

Bệnh vàng “lá chè” là lá cam cứ vàng dần như lá chè xanh sau khi nấu, sau đó lá rụng dần rất khó chữa trị; giải pháp hiện nay mà người dân hay làm là chặt bỏ dần từng cành cây bị bệnh vàng lá chè, khiến cho cây cam lại càng mau hỏng và cho quả chất lượng thấp hay không có quả.

Anh Lê Quang Hòa ở xóm Minh Đình, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) cho biết, năm 2013, gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng một ha với 450 cây cam giống Xã Đoài lòng vàng. Cứ tưởng đến ngày thu hoạch gia đình sẽ thu về hàng trăm triệu đồng từ vườn cam. Mặc dù chăm sóc chu đáo, vườn cây cứ còi cọc dần, hơn nửa vườn xuất hiện bệnh vàng lá chè, lá cứ rụng dần buộc phải chặt bỏ những cành hay cây bị nhiễm bệnh.

Theo một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nông Công nghiệp 3-2, là đơn vị có diện tích trồng cam lớn nhất tỉnh với hơn 1.000 ha, trong đó có hơn 400 ha cam cho thu hoạch nhưng phân nửa diện tích cam bị hư hại với hiện tượng trên; trong đó có nhiều vườn cam đang trong giữa giai đoạn thu hoạch. Đã gây thiệt hại không nhỏ cho hàng trăm hộ gia đình trồng cam của công ty.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Nghệ An cho biết, một trong những nguyên nhân chính mà nhiều vườn cam ở Nghệ An cho sản phẩm không đạt chất lượng, cây cam trưởng thành bị bệnh “vàng chè” phải phá bỏ một phần hay bỏ toàn vườn cam là do việc trồng phải các giống cam không đạt chất lượng. Các cây cam giống này phần lớn đều do bà con mua trôi nổi trên thị trường với giá rẻ bằng phân nửa hay tự làm giống. Đây là các giống cam đã bị thoái hóa, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, là việc chăm sóc cam không đúng quy trình kỹ thuật…

Bình thường, người trồng cam mất ba, bốn năm chăm bẵm “kiến thiết”, sau đó thu hoạch cam từ 6-8 năm; cá biệt có gia đình thu hoạch đến 10 năm. Mỗi ha cam cho thu hoạch 500 - 700 triệu đồng/ha và thậm chí có vườn cam cho thu hoạch đến một tỷ đồng/ha. Tuy chưa có con số thống kê nhưng ước tính có khoảng 1/3 diện tích cam ở Nghệ An bị hư hại do trồng phải cây giống có phẩm cấp thấp, đã bị thoái hóa làm cho người trồng cam thua thiệt hàng trăm tỷ đồng.

Nghệ An có nhiều vùng đất và khí hậu thích ứng với việc trồng cam như Phủ Quỳ, Bãi Phủ. Nên thời gian qua, Nghệ An một trong những tỉnh có diện tích trồng cam lớn nhất của cả nước, với 5.096 ha, trong đó có hơn 2.500 ha cam kinh doanh cho quả thu hoạch. Cam Nghệ An với các thương hiệu nổi tiếng thơm ngon như cam Vinh, cam Bãi Phủ…; đặc biệt, cam Xã Đoài được xếp là một trong 50 đặc sản trái cây Việt Nam được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam bình chọn.

Dự kiến năm 2020, Nghệ An sẽ xuất khẩu khoảng 15 nghìn tấn cam, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30 nghìn USD. Tuy nhiên với tình hình trên, nếu tỉnh Nghệ An không có giải pháp hữu hiệu để cung cấp cây giống đầu dòng, sạch bệnh thì không lâu nữa, người trồng cam không mặn mà với cây cam. Nghệ An không chỉ mất thương hiệu cam Vinh mà người trồng cam phải chuyển hướng trồng cây khác cùng những khoản nợ không nhỏ bởi do việc trồng cây cam giống chất lượng thấp.

THÀNH CHÂU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang