• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hậu Giang: Hạn chế sâu bệnh bằng túi bao trái

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 23/11/2017
Ngày cập nhật: 26/11/2017

Hiện nay, bên cạnh việc áp dụng biện pháp hóa học, sinh học, các nhà vườn còn được nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật khuyến khích áp dụng biện pháp bao trái. Hiệu quả của bao trái là giảm thiểu thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, giảm phun xịt thuốc nên bảo vệ được môi trường.

Sử dụng túi bao trái trên bưởi, ông Đen tiết kiệm được tiền phun xịt thuốc trừ sâu đục trái.

Đây cũng là cách làm mà thạc sĩ Triệu Quốc Dương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang triển khai cho nhiều nông hộ trong toàn tỉnh thực hiện qua dự án “Xây dựng mô hình thích ứng biến đổi khí hậu”. Thạc sĩ Triệu Quốc Dương cho biết: Biện pháp bao trái vừa bảo vệ trái cây hiệu quả, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và rất an toàn cho con người và môi trường. Tuy nhiên, không phải nhà vườn nào cũng biết cách làm để đạt được kết quả như mong đợi. Vì vậy, tôi đã xây dựng mô hình sử dụng túi bao trái trên cây ăn trái, hạn chế tác hại của sâu bệnh, nâng cao chất lượng trái, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) để giúp nhà vườn làm được điều đó.

Mô hình được thực hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Đen, ở ấp Thạnh Hòa 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, với quy mô 4.000m2. Ông Đen sử dụng 500 túi bao trái bưởi được cung cấp từ Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông tỉnh với chi phí khoảng 1.200 đồng/bao. Ông Đen cho hay: “Từ khi sử dụng túi bao trái, tôi giảm được 100% thuốc trừ sâu đục trái với khoảng 500.000 đồng/tháng. Như vậy, 6 tháng nay, tôi tiết kiệm được 3 triệu đồng tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, túi bao trái qua sử dụng còn rất mới, có thể bao được 1-2 vụ nữa”.

Về năng suất trái, ông Đen nhìn nhận khá khả quan. Bởi vì được bao trái nên hạn chế sâu đục trái, cũng như sự ảnh hưởng của nước mưa nên trái bưởi đồng đều, không bị dị dạng hay vết bệnh. Vườn bưởi 38 tháng tuổi của ông Đen hiện cho trái đều, ước đạt năng suất khoảng 3 tấn/công. Nhờ tiết giảm được chi phí phân, thuốc nên dự tính năm nay, lợi nhuận của ông Đen thu về hàng trăm triệu đồng tiền lời từ 4 công bưởi sau khi trừ chi phí.

Tham quan mô hình bao trái tại hộ ông Đen, ông Nguyễn Anh Tuấn, ở ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, rất tâm đắc. Ông đã đặt mua 100 bao trái về áp dụng cho vườn bưởi nhà mình. Ông Tuấn nhận xét: “Qua mô hình bưởi của ông Đen, tôi thấy hiệu quả vì bưởi cho trái đẹp, to, ít sâu bệnh. Tôi có 120 gốc bưởi da xanh hơn 2 năm tuổi đang chuẩn bị cho trái chiếng. Vì vậy, tôi mua túi bao trái để giúp vườn bưởi nhà mình cho trái đẹp, chất lượng, bán được giá trong mùa thu hoạch tới”.

Ngoài trái bưởi, trái mãng cầu xiêm cũng được nhiều nhà vườn quan tâm bao trái bằng các túi lưới. Ông Trần Hoài Phong, ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, cũng bao cho hơn 1.000 trái mãng cầu xiêm của nhà mình. Ông Phong nhận định: “Túi lưới này rất thích hợp với trái mãng cầu xiêm vì nó chừa khoảng không cho gai trái phát triển nhưng cũng đủ để ngăn chặn sâu hại đến chích hút, gây bệnh trên trái. Vì vậy, mỗi năm tôi tiết giảm được vài triệu đồng tiền mua thuốc sâu phun xịt. Trái thu hoạch cũng được đánh giá là an toàn cho người tiêu dùng”. Ngoài tác dụng giảm thiệt hại do sâu bệnh, túi bao còn giúp tăng khả năng quang hợp, chuyển đổi sắc tố của trái cây. Nhờ vậy mà đa số trái được bao đều tăng trọng lượng, có màu sắc đẹp, tươi hơn so với trái không được bao. Vì vậy mà tạo ra sự khác biệt lớn về chất lượng, giá bán ra cũng cao hơn vì mẫu mã bắt mắt.

Thạc sĩ Triệu Quốc Dương thông tin thêm: Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại túi bao được sản xuất từ nhiều chất liệu như: túi xốp, túi lưới, túi ni-lông... Các sản phẩm túi này được nhập khẩu và sản xuất trong nước. Vì vậy, qua mô hình và các buổi tập huấn, chúng tôi đã hướng dẫn bà con sử dụng loại túi thích hợp nhất cho từng loại trái. Cũng qua đó, tùy vào túi tiền và đặc tính sinh trưởng của loại cây trồng mà nông dân có thể chọn loại bao thích hợp, tránh tình trạng loại túi chuyên dụng cho loại cây ăn trái này lại sử dụng cho loại cây ăn trái khác.

Trước mắt, chủ nhiệm dự án thực hiện trên các loại cây ăn trái trên để nâng cao kiến thức cho người dân và tạo thói quen sử dụng bao trái cho nông dân. Tiếp đó, sẽ mở rộng quy mô mà chuyển sang nhiều loại trái phổ biến khác như mận, ổi… Hy vọng mô hình này càng được nhân rộng để nông dân Hậu Giang ngày càng có thêm nhiều sản phẩm tươi, ngon cung cấp ra thị trường.

Tính đến nay, mô hình bao trái của thạc sĩ Triệu Quốc Dương đã thực hiện được cho 92.250 trái các loại như xoài, bưởi, mãng cầu của nhà vườn tại 8 huyện, thị, thành trong tỉnh. Trong đó, nhiều nhất là huyện Châu Thành A với 25.000 túi bao trái.

TRÚC LINH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang