• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người đưa hương bưởi vươn xa

Nguồn tin: Báo Bình Dương, 14/10/2017
Ngày cập nhật: 16/10/2017

Cách đây 18 năm (năm 1999), bà Nguyễn Thanh Thủy, sinh ra và lớn lên ở TP.Hồ Chí Minh đến vùng đất Long Nguyên (huyện Bàu Bàng, Bình Dương) để làm nông nghiệp. “Từ những ký ức tuổi thơ về mảnh vườn của ngoại ở Lái Thiêu, TX.Thuận An, với mùi hương thơm kỳ lạ của hoa bưởi đã dẫn dắt tôi đến với nông nghiệp, đến với cây bưởi”, bà Thủy chia sẻ về con đường khởi nghiệp từ ngành nông nghiệp của mình.

Bước ngoặt lớn

Sau khi giới thiệu với chúng tôi trang trại của mình tại ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, nhìn những cây bưởi da xanh trĩu quả, trái nào cũng căng mọng cho thấy tâm huyết của người trồng như thế nào, bà Thủy chia sẻ gia đình bà có nhiều đời sống tại TP.Hồ Chí Minh. Bà từng phục vụ trong ngành công an và buôn bán, tuy vậy về buôn bán, trước đây bà chưa tìm ra được ngành nghề phù hợp để bà quyết tâm theo đuổi. Một lần có dịp về thăm quê ngoại ở Lái Thiêu, chính cái mùi hương của trái cây đã thuyết phục bà gắn bó với ngành nông nghiệp, một ngành mà bà chưa được trang bị kiến thức về nó. Nhưng chính niềm đam mê nông nghiệp từ thuở nhỏ giúp bà quyết tâm thực hiện cho bằng được mô hình sản xuất nông nghiệp trên vùng đất mới.

Bà Nguyễn Thanh Thủy đang chăm sóc bưởi da xanh (Ảnh nhân vật cung cấp)

Với quyết tâm đó, bà Thủy gom góp vốn liếng sau bao năm dành dụm đến ấp Suối Tre mua lại 14 ha đất trồng cây bạch đàn để thực hiện ý tưởng trồng cây ăn trái. Sau 3 năm đầu cần mẫn lao động, bứng từng gốc chồi, phá từng gò mối, bà về Chợ Lách (Bến Tre) tìm mua cây giống bưởi da xanh, măng cụt… đưa về trồng. Tuy nhiên, thời điểm đó 6.000 cây giống bà trồng ban đầu chết dần, chỉ còn lại 3.500 cây. Trước tình cảnh đó, bà tự nhủ với lòng phải tìm mọi cách để giữ lại vườn bưởi, nếu không sẽ mất trắng.

“Tôi đã tận dụng phân gà từ đàn gà thương phẩm nuôi bán cho Công ty CP, JECFA để bón cây, nuôi thêm trùn quế làm cho đất tơi xốp, tạo vi sinh vật hoạt động trong đất để cho cây phát triển tươi tốt. Để ngăn ngừa dịch bệnh trên cây, tôi sử dụng phương pháp dân gian bằng cách mua tỏi về ép lấy nước, trộn với nước rửa chén phun diệt rầy rệp thay thuốc trừ sâu. Nhờ đó mà tôi giữ được vườn bưởi da xanh, 3.500 cây còn lại phát triển xanh tươi, không cây nào chết”, bà Thủy nhớ lại.

Đưa bưởi vươn xa

Bà Thủy cho biết, ngay từ thời điểm bắt đầu trồng bưởi da xanh, các trang trại bưởi ở đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch (VietGap). Do đó, để đứng vững trên thị trường thì bưởi trang trại của bà cũng phải tuân thủ các quy trình sản xuất này. Theo đó, song song với việc làm phân bón cho cây, bà sử dụng phương pháp dân gian để ngăn ngừa dịch bệnh sâu rầy để vừa tiết kiệm được kinh phí, vừa bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng bằng cách bà mua tỏi, gừng, ớt, dầu ăn về trộn chung với nhau rồi lấy nước làm thuốc trừ sâu để xua đuổi côn trùng, dùng phân gà ủ, phân dơi, phân trùn quế, phân cá… để bón cho cây… Nhờ đó, bưởi da xanh trang trại của bà không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay nitrate trong ruột bưởi.

Từ một người không chuyên về nông nghiệp nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân cùng sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và địa phương đã giúp cho thương hiệu bưởi da xanh Thanh Thủy có mặt tại các siêu thị trên cả nước và đã xuất ngoại, cung cấp cho hệ thống Metro Hà Lan, Cộng hòa Séc… Hiện nay, trang trại bưởi da xanh Nguyễn Thanh Thủy đã mở rộng diện tích sản xuất hơn 34 ha. Mỗi năm trang trại cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hơn 200 tấn bưởi. Với giá thu mua bưởi trung bình 75.000 đồng/kg hiện nay, sau khi trừ chi phí trang trại cho thu lãi 15 tỷ đồng/năm. Ngoài bưởi da xanh, bà Thủy còn trồng thêm các loại cây ăn trái khác như măng cụt, sầu riêng…

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả làm được của bà Nguyễn Thanh Thủy, năm 2011 Trang trại Bưởi da xanh Thanh Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bưởi da xanh Nguyễn Thanh Thủy”; năm 2014 được cấp Giấy chứng nhận VietGap. Đây chính là kết quả của những nỗ lực không ngừng và giúp cho bưởi da xanh Thanh Thủy không chỉ có mặt tại các siêu thị lớn mà còn tham gia các hội chợ, Festival trái cây trong và ngoài nước, giới thiệu nông sản của tỉnh Bình Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung đến với người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

Với những kết quả đã đạt được trong sản xuất, kinh doanh, năm 2016 bà Nguyễn Thanh Thủy được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017, tuyên dương chủ mô hình khởi nghiệp xuất sắc năm 2017. Bà Thủy còn được tuyên dương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V (2012-2017); giải thưởng “Sao thần nông- cho mùa bội thu” năm 2015; Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Bình Dương nhiều năm liền…

HOÀNG PHẠM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang