• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 11/10/2017
Ngày cập nhật: 14/10/2017

Trong quá trình thực hiện cải tạo vườn tạp, nông dân trong tỉnh Quảng Trị đã tìm tòi, đưa vào trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn quả đưa về từ nhiều vùng trong cả nước nhằm tìm ra những loại cây phù hợp nhất mang lại giá trị kinh tế cao để phát triển ổn định, lâu dài. Nhiều loại cây đã tỏ ra khá thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai và tập quán canh tác của nông dân trên địa bàn tỉnh như ổi Long Khánh (Đồng Nai), thanh long Bình Thuận, hồng Sơn La, xoài Nha Trang…

Chăm sóc vườn thanh long ở Cam Lộ

Những loại cây mới du nhập và phù hợp trên địa bàn thường mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ năng suất khá, chất lượng đảm bảo và ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng nên giá thường cao hơn sản phẩm cùng loại được trồng ở các tỉnh khác bán trên thị trường. Một trong số loại cây mới du nhập cho hiệu quả kinh tế cao được nông dân chú trọng phát triển là cây thanh long, đã góp phần làm phong phú thêm tập đoàn cây ăn quả trên địa bàn và nâng cao hiệu quả cải tạo vườn tạp của nông dân. Cây thanh long đưa về trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trên nhiều chân đất như đất đỏ ba dan, đất cát, đất thịt…

Mỗi chân đất có những ưu điểm khác nhau nhưng cây thanh long đều tỏ ra thích nghi với nhiều chân đất. Ở vùng đất cát, năm 2013, ông Lê Ngoạn đã trồng thử nghiệm thành công mô hình cây thanh long ruột đỏ tại xã Triệu Trạch, Triệu Phong, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả từ 80- 90%, cho trái to, ngọt. Từ đó đến nay, mô hình cây thanh long đã được nhân rộng ở nhiều địa phương vùng cát. Đối với vùng đất thịt và đất đỏ ba dan, cây thanh long phát triển tốt và cho trái nhiều hơn nên nhiều hộ dân đã lựa chọn để thay thế các loại cây tạp giá trị thấp.

Gia đình ông Hồ Thỉ ở thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, Cam Lộ trồng thử nghiệm khoảng 0,5 sào với gần 50 cây thanh long, đến nay đã cho thu hoạch mùa thứ 3, mỗi năm thu hoạch 5 lứa, mỗi lứa bán được khoảng 1 triệu đồng. Theo ông Thỉ, cây thanh long khá dễ trồng, là loại cây họ xương rồng nên ít sâu bệnh, chăm sóc không khó. Giống cây được ông Thỉ đưa từ miền Nam về trồng nhưng rất dễ thích nghi. Trồng đến năm thứ 2 thì cây cho quả. Cây ra nhiều lứa hoa, kéo dài từ tháng 1 đến tháng 10 hàng năm, tỷ lệ đậu quả cao.

Hoa nở đậu quả được khoảng 1 tháng thì quả chín, mỗi trụ trồng cây thanh long cho khoảng từ 8- 12 quả. Cây thanh long có năng suất cao và bán được giá trên thị trường nên mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều các loại cây trồng tạp trước đây. Hiện nay nông dân ở nhiều vùng trong tỉnh trồng 2 loại thanh long là thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Cả 2 loại đều là giống cây chịu hạn nên rất thích nghi với điều kiện thời tiết khô hạn của tỉnh. Nông dân đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.

Cây thanh long được trồng bằng trụ, nông dân đã sử dụng 2 loại trụ để trồng, đó là trồng bằng trụ xi măng có phủ rơm phía trên che thanh long và trồng bằng trụ cây sống có choái che để cây thanh long không bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào sẽ làm cành bị khô cháy. Nếu trồng bằng trụ xi măng thì trụ được thiết kế dài khoảng 2 - 2,2 m; ngang, rộng 0,1 m; trụ được chôn sâu xuống dưới mặt đất khoảng 0,5 cm, mỗi trụ cách nhau từ 2,5- 3 m. Nếu trồng bằng trụ cây sống thì nông dân thường trồng bằng cây mớc.

Mỗi trụ trồng xung quanh từ 3- 4 hom thanh long. Sau khi trồng xong tưới nước mỗi ngày 1 lần cho cây cho đến khi cây bén rễ. Sau đó vài ngày mới tưới cho thanh long 1 lần tùy theo tình hình thời tiết song nên chú ý mỗi lần chỉ tưới ít nước do thanh long cần nhu cầu nước không nhiều để khỏi bị thối gốc. Bước sang năm thứ 2 thì thanh long bắt đầu cho quả bói, chú ý khi cây ra hoa đậu quả nên để lại những quả đẹp và tỉa bớt những quả xấu để cây tập trung dinh dưỡng cho quả to. Khi trái chín, phải thu hoạch đúng độ chín, không để trái quá chín dễ bị nứt và hư hỏng.

Sau mỗi mùa cho trái, thu hoạch xong vụ, cần cắt bỏ những nhánh thanh long già không còn khả năng cho trái để cây tập trung dinh dưỡng cho những nhánh khỏe mạnh và làm thông thoáng cho cây tiếp thu nhiều ánh sáng. Trồng thanh long chi phí không cao, khoảng 4- 5 triệu đồng/sào gồm chi phí đúc trụ hoặc trồng choái sống, mua giống và vật tư phân bón. Thanh long lại có tuổi thọ khá cao, khoảng 20 năm và nhanh cho thu hoạch nên nhanh thu hồi vốn.

Hiện nay, sản phẩm thanh long trồng trên địa bàn khá dễ tiêu thụ, giá thanh long trên thị trường từ 15- 30 ngàn đồng/kg tùy từng thời điểm. Đây là mức giá khá tốt, đưa lại giá trị sản phẩm hơn 10 triệu đồng/sào/năm. Từ hiệu quả kinh tế đó nên nhiều nông dân đã chọn cây thanh long để thực hiện cải tạo vườn tạp và đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Trần Anh Minh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang