• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo vệ thương hiệu trái cây

Nguồn tin: Báo Gia Lai, 02/10/2017
Ngày cập nhật: 5/10/2017

Không chỉ nổi tiếng là vùng đất chuyên canh cây công nghiệp như: hồ tiêu, cà phê, cao su… Gia Lai còn là địa phương có diện tích cây ăn quả lên đến hàng ngàn héc-ta với những loại trái cây nhiệt đới giá trị cao như: Sầu riêng, bơ, chuối, mãng cầu, xoài… Tuy nhiên, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu trái cây Gia Lai vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Bài học đắt giá

Thông tin về vụ nhúng sầu riêng vào hóa chất để nhanh chín do Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh phát hiện tại cơ sở kinh doanh sầu riêng của ông Nguyễn Đức Trọng (số 76, hẻm 162 đường Trường Chinh, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) ngày 13-9 vừa qua được lan truyền với tốc độ chóng mặt, khiến nhiều người hoang mang. “Mặc dù nghe sầu riêng nhúng hóa chất nhiều rồi nhưng tôi cứ nghĩ ở nơi khác chứ Gia Lai mình không có. Bây giờ họ “khui” ra thấy sợ quá, dù thèm cũng không dám ăn”-bà Nguyễn Công Mùi (đường Phùng Hưng, TP. Pleiku) cho biết.

Mỗi ngày có khoảng 5 tấn chuối Bờ Ngoong được xuất đi các tỉnh, thành. Ảnh: L.L

Vụ việc trên không chỉ khiến tình hình kinh doanh sầu riêng gặp khó khăn mà còn khiến thị trường trái cây Gia Lai bị ảnh hưởng đáng kể; nhiều cơ sở, cửa hàng kinh doanh sầu riêng không dám nhập hàng. Theo bà Nguyễn Thị Bảy-chủ một cửa hàng bán sầu riêng trên đường Lê Lợi (TP. Pleiku), thời điểm này những năm trước, lượng sầu riêng nhập về bán ở cửa hàng khá nhiều, nhưng hiện nay số lượng giảm mạnh, mỗi ngày chỉ khoảng vài chục ký. Để có sầu riêng bán, cửa hàng phải thu gom từ nhiều mối, mỗi chỗ chỉ 8-10 kg.

Theo Thượng tá Đỗ Hùng Liêm - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, qua thông tin từ người dân, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã theo dõi và bất ngờ ập vào bắt quả tang các nhân viên cơ sở kinh doanh sầu riêng của ông Nguyễn Đức Trọng đang tiến hành nhúng sầu riêng vào hóa chất. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Trọng cho biết: Cứ cách 2 ngày, cơ sở lại xuất bán khoảng 2 tấn sầu riêng. Sầu riêng nhập về gồm đủ loại, từ non đến già, sau đó nhúng vào dung dịch hóa chất (pha theo tỷ lệ 250 ml phân bón lá HPC-97 HXN với 10 lít nước) để ép chín nhanh. Giá sầu riêng thu gom khoảng 20.000 đồng/kg, bán ra khoảng 35.000 đồng/kg.

Một vụ sầu riêng kéo dài hơn 2 tháng và lợi nhuận mà cơ sở này thu về không hề nhỏ. Có lẽ chính điều này đã khiến chủ cơ sở sử dụng hóa chất để làm sầu riêng nhanh chín, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính đối với cơ sở kinh doanh sầu riêng này cũng chỉ 20 triệu đồng. Rõ ràng so với lợi nhuận “khủng” trên thì mức phạt này chẳng thấm tháp gì. Song, có lẽ hình phạt đắt giá nhất chính là sự mất lòng tin của bạn hàng, người tiêu dùng... Hiện những bạn hàng của cơ sở này đã thu gom trả lại sầu riêng. Và điều đáng nói hơn là hành vi vi phạm của cơ sở này, dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng vẫn để lại ảnh hướng không nhỏ đối với thị trường trái cây Gia Lai.

Cần bảo vệ thương hiệu

Là chủ một vựa trái cây lớn ở TP. Pleiku, anh Phạm Ngọc Huy bức xúc: “Sau vụ nhúng sầu riêng vào hóa chất bị phát hiện, việc kinh doanh trái cây ở Gia Lai bị “đứng” lại. Để lấy lại uy tín cho trái cây Gia Lai, tôi phải mời bạn hàng đến tận nơi xem sản phẩm, từ khâu thu mua cho đến bảo quản đều đảm bảo an toàn. Nhờ đó, bạn hàng mới tin tưởng và tiếp tục nhập hàng trở lại. Hiện một công ty tại Bình Dương đã ký kết hợp đồng với chúng tôi mua 30 tấn mãng cầu cho vụ 2017 với giá 14.000 đồng/kg, dùng để ép nước và làm mứt. Một số đầu mối tại Hà Nội và Hải Phòng cũng đặt hàng với số lượng lớn”. Và để chứng minh trái cây không cần nhúng bất cứ hóa chất nào vẫn chín đều, anh Huy cũng đã chia sẻ bí quyết với các bạn hàng về cách ủ chín trái cây theo kiểu truyền thống. “Chẳng hạn, để ủ chín mãng cầu chỉ cần rải quả xuống nền xi măng, lấy nước sạch tạt lên sau đó lấy khăn ướt phủ lên, qua một đêm là trái cây tự chín, vẫn đảm bảo chất lượng tươi, ngon mà không sợ bị sượng, bị chai…” -anh Huy cho biết.

Cũng lo lắng vì thị trường trái cây bị ảnh hưởng, bà Nguyễn Thị Nhung-tiểu thương chuyên kinh doanh bơ, mãng cầu tại Trung tâm Thương mại Pleiku, ái ngại: “Tôi kinh doanh ở chợ này mấy chục năm rồi, bơ, mãng cầu thu gom từ các vườn bỏ mối về đây, cứ vậy rồi bán, chứ nào biết gì đến hóa chất. Cũng có một số khách nghi ngại đặt câu hỏi, nhưng khi dùng thử rồi họ rất tin tưởng, các bạn hàng ở Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn đặt hàng bình thường”. Còn bà Nguyễn Thị Dư-cũng là tiểu thương kinh doanh có thâm niên tại Trung tâm Thương mại Pleiku, khẳng định: “Trái cây ở đâu không biết, chứ trái cây ở đây, đặc biệt là mặt hàng bơ, mãng cầu đảm bảo không hề có hóa chất. Chúng tôi làm ăn lâu rồi, rất giữ chữ tín, chẳng ai dại gì vì một chút lợi nhuận mà bán uy tín cả đời”.

Không chỉ bơ, mãng cầu mà chuối cũng là một loại trái cây khá nổi tiếng của Gia Lai được khách hàng các nơi ưa chuộng. Đặc biệt, chuối là loại cây cho trái quanh năm nên sản lượng khá lớn. Bà Y Thị Bảo Liên-chủ một vựa chuối lớn ở xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê), cho biết: “Mặt hàng chuối của tôi vẫn bán khá chạy, không hề bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, tôi bán hàng lâu nay nên đảm bảo uy tín. Hiện tôi đang liên kết với các hộ nông dân trồng chuối trên địa bàn xã Bờ Ngoong với diện tích gần 300 ha… Không chỉ bán tại thị trường Gia Lai, mỗi ngày tôi còn xuất trên 5 tấn chuối đi Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tôi còn đầu tư sản xuất chuối sấy với thương hiệu Kim Liên, mỗi ngày bán ra thị trường vài tạ”.

Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Gia Lai: Gia Lai là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều chủng loại cây trồng mà ít địa phương nào sánh kịp. Trong đó, diện tích cây ăn quả, cây hàng năm chiếm trên 11.000 ha, gồm 1.525 ha chuối, 625 ha sầu riêng, 411 ha bơ, 859 ha xoài. Ngoài ra, tỉnh ta còn có gần 3.000 ha chanh dây và nhiều loại trái cây khác như: nhãn, cam, dứa, ổi, chôm chôm… Đây là những điều kiện thuận lợi và tiềm năng lớn để xây dựng và phát triển sản phẩm cây ăn quả của tỉnh. Đặc biệt, khi dự án Nhà máy Chế biến rau, quả tại Mang Yang do Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) đầu tư với công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm đi vào hoạt động sẽ là cơ hội để các sản phẩm rau, quả Gia Lai xuất khẩu đi nước ngoài. Từ đó, khẳng định vị thế, thương hiệu trái cây, rau củ Gia Lai.

Lê Lan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang