• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quả ngọt vùng đồi

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 09/09/2017
Ngày cập nhật: 11/9/2017

Trang trại cây ăn quả của anh Trịnh Xuân Quế, xã Thành Vân.

Về cây trái, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa được nhiều người biết đến với mía tím Kim Tân - mía tiến Vua, mía đường, cam Vân Du... Thời gian gần đây, với sự năng động dám nghĩ, dám làm, lãnh đạo địa phương, người dân mạnh dạn đầu tư phát triển những vùng cây ăn quả tập trung, quy mô với đủ loại cam canh, cam đường, bưởi, dứa, mít Thái... Nếu đầu tư, phát triển bài bản, trong tương lai gần vùng đồi Thạch Thành sẽ thành những đồi cây trái bốn mùa...

Những vùng đồi trù phú!

Theo lời giới thiệu của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, chúng tôi tìm đến trang trại trồng cây ăn quả của anh Trịnh Xuân Quế. Trở về quê hương sau những năm tháng học tập ở nước ngoài, từ chối lời mời của những công ty lớn, anh quyết tâm “bỏ phố lên rừng” thực hiện niềm đam mê của mình. Để có được đồi cam trĩu quả, ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân lên vùng đồi Thành Vân, anh Quế cùng những “cộng sự” của mình đã quyết tâm cải tạo gần 16 ha đồi hoang. Bên cây cam trĩu quả, với gương mặt đen sạm, nhễ nhại mồ hôi nhưng anh Quế có vẻ mãn nguyện. Tôi thắc mắc tại sao lại trồng cam mà không phải cây khác? Anh Quế hào hứng chia sẻ: Ban đầu, giống cây mà tôi nghĩ đến là chanh đào, nhưng trong quá trình tìm hiểu và hợp tác với một vài người bạn thì cảm thấy rất khó khăn nên đã quyết định dừng lại. Trong một lần đi tham quan tìm hiểu một số mô hình phát triển kinh tế ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, một người bạn gợi ý cho tôi về cây cam. Sau nhiều ngày trăn trở, tôi đã quyết định thử sức với giống cây này, bởi theo một số cụ cao niên ở địa phương thì trên địa bàn trước kia đã trồng cam Vân Du chất lượng thơm ngon, nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Để có được trang trại trồng cây ăn quả như ngày hôm nay, gia đình tôi đã phải đầu tư gần chục tỷ đồng để mua giống, cải tạo đất, làm đường, điện, hệ thống tưới nước... Vừa đi anh vừa chỉ ra phía chân đồi: Cả trang trại có diện tích 16 ha, trong đó có 8 ha trồng cây cam canh, còn lại là cam đường, bưởi. Tôi còn trồng xen lẫn cây cam Vân Du, nếu thành công thì thời gian tới sẽ mở rộng diện tích. Anh cho biết: Trước đây, chủ yếu vùng đồi này trồng luồng, do thị trường tiêu thụ không ổn định mà thời gian thu hoạch lại khá dài, hiệu quả kinh tế không cao, nên chính quyền địa phương đã quy hoạch, thực hiện chuyển đổi cây trồng và khuyến khích nhân dân đầu tư trồng cây ăn quả. Cây cam canh còn 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, sản lượng ước tính khoảng 150 tấn, với giá bán 25.000 đến 35.000 đồng/kg, doanh thu ước đạt hơn 4 tỷ đồng.

Về đến lán trại, chúng tôi gặp người thanh niên đang loay hoay với những chiếc hộp xốp. Hỏi chuyện thì được biết, anh là nhân viên kỹ thuật được anh Quế mời về từ tỉnh Hưng Yên. Rót chén nước mời khách, anh giới thiệu sơ qua với chúng tôi về việc trồng cam. Hướng mắt về phía đồi, anh nói: Vì cái duyên với nghề nên cách đây gần hai năm, tôi nhận lời về đây giúp anh Quế. Ngoài việc tự sản xuất phân hữu cơ, tôi còn thiết kế hệ thống tưới tự động, áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất, theo công nghệ nước tưới phun sương. Để được trang trại trồng cây ăn quả như ngày hôm nay, tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ thời gian ra hoa, đậu quả của từng loại cây, rồi bón phân vào thời điểm nào để có được quả ngon.

Hiện nay, trên địa bàn xã Thành Vân có 116,2 ha trồng cam với 22 hộ đang canh tác. Ngoài mô hình trồng cam của anh Trịnh Xuân Quế, còn có mô hình trồng cam của anh Nguyễn Văn Chung 45 ha, anh Hà Đông Giang 8 ha, anh Nguyễn Văn Lộc 7 ha... Trên các đồi cây, người làm cỏ, người xới đất, tất cả đang mong chờ đến ngày thu hoạch vụ đầu tiên.

Men theo con đường đất đỏ, chúng tôi tìm đến mô hình trồng mít Thái của gia đình anh Nguyễn Văn Thọ, xã Thành Tâm. Ngôi nhà nhỏ nằm giữa lòng đồi, bao quanh là đồi mít trĩu quả. Chủ nhà niềm nở ra đón khách, dẫn chúng tôi đi thăm đồi mít rộng 3 ha với gần 1.000 gốc mít. Anh Thọ cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng mía nguyên liệu, nhưng năng suất, hiệu quả không cao. Năm 2010, tôi tìm hiểu về cây mít Thái và trồng những cây đầu tiên. Đến năm 2014, cây mít Thái bắt đầu cho thu hoạch, mỗi cây mới ra từ 3-5 quả nhưng đã có nhiều thương lái ở trong, ngoài tỉnh tìm đến hỏi mua. Ngoài việc nghiên cứu về loại phân bón phù hợp để quả to, tôi còn đầu tư xây dựng bể chứa nước để chủ động tưới cho cây trong mùa nắng nóng, mùa hanh khô hằng năm. Đồi mít này là tâm huyết, công sức và hy vọng của gia đình. Cho đến nay, trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhìn đồi mít Thái cây nào cũng trĩu quả, tôi thầm thán phục những người nông dân dám nghĩ, dám làm, luôn mang trong mình ước mơ làm giàu cho gia đình và quê hương.

Xây dựng thương hiệu cho trái cây Thạch Thành

Đất Thạch Thành nhiều đồi bát úp, khí hậu cũng khá thuận lợi để phát triển cây ăn quả. Nhất là ở các xã Thạch Quảng, Thành Lâm nằm ven tuyến đường Hồ Chí Minh còn hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển mô hình “xa lộ” nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai. Để biến những tấc đất thành “tấc vàng”, huyện Thạch Thành đã sớm phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam khôi phục giống cam Vân Du (giống cam Vân Du, hiện đang được trồng tại vùng đất Phủ Quỳ, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An)). Đồng thời, xây dựng vườn ươm tại huyện để nhân giống và mở rộng diện tích cam trên địa bàn toàn huyện. Hiện huyện Thạch Thành có trên 2.000 ha cây ăn quả, riêng cây có múi có diện tích lớn, phải kể đến những cây có diện tích lớn như bưởi 203,23 ha, cam hơn 100 ha..., với giá trị đầu tư hơn 42 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, cho biết: Từ thành công của những “lão nông” như anh Quế, anh Thọ, huyện Thạch Thành đã và đang có những kế hoạch từng bước đưa cây ăn quả trở thành loại sản phẩm có khối lượng lớn nhằm đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Hình thành vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao thích nghi với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện theo hướng sản phẩm hàng hóa, sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Sau khi huyện có chủ trương quy hoạch và phát triển cây có múi trên địa bàn, ngày càng có nhiều hộ gia đình trồng các giống cam, bưởi thay thế cho các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp trước đó. Đến nay vườn cây ăn quả của các hộ gia đình đã bước sang năm thứ ba và đang bói quả, khoảng cuối năm nay, đầu năm sau sẽ cho thu hoạch.

“Ngoài ra, huyện còn xây dựng hệ thống thủy lợi trong các vùng, chú ý đảm bảo tưới tiêu và quan tâm đến chất lượng nguồn nước tưới. Xây dựng, phát triển thêm các công trình thủy lợi vừa và nhỏ tại các xã có diện tích trồng cây có múi lớn, như: Thành Vân, Thành Tâm, Thạch Cẩm, Thạch Mỹ, Thạch Lâm, Thành Minh. Phát triển phải đồng bộ từ hồ đập, trạm bơm, hệ thống kênh mương để sớm phát huy hiệu quả. Áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất cây ăn quả. Chọn tạo, phát triển sản xuất các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất thuận của ngoại cảnh, có giá trị hàng hóa cao và phù hợp với điều kiện của Thạch Thành” - bà Đỗ Thị Phiến cho biết thêm.

Được biết, quá trình thực hiện, huyện đã nỗ lực kêu gọi thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư bỏ vốn vào để phát triển vùng cây ăn quả và khôi phục giống, xây dựng thương hiệu cam Vân Du. Huyện đã tạo điều kiện để phát triển hệ thống mạng lưới giao thông liên vùng trong vùng quy hoạch phát triển cây ăn quả, đảm bảo trong khâu vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Nhất là, trong sản xuất đã hình thành các chuỗi liên kết bền vững giữa người nông dân – nhà khoa học - doanh nghiệp. Về lâu dài, để đảm bảo “đầu ra” cho sản phẩm thường xuyên, ổn định thị trường sẽ xây dựng các kênh thị trường thông qua các phương thức hội chợ, tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, liên doanh và hợp đồng cung cấp nguyên liệu đối với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Nhất là liên kết với các hệ thống siêu thị bán lẻ trong và ngoài tỉnh thông qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhằm chủ động trong tiêu thụ, đồng thời nâng cao giá trị các sản phẩm cây ăn quả. Phát triển các hệ thống nông dân làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, coi trọng vai trò chợ đặc thù, tụ điểm, trung tâm thương mại, giới thiệu sản phẩm quả của huyện ở trong tỉnh, trong nước và ngoài nước. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ của tất cả các cấp, ngành liên quan, đảm bảo cho sự phát triển ổn định, có định hướng, có lộ trình.

Tất cả mới chỉ là bước đầu, hy vọng trong tương lai không xa các loại quả ngọt vùng đồi Thạch Thành sẽ không chỉ giúp người nông dân trên địa bàn huyện có một “điểm tựa” để làm giàu chính đáng, mà còn đưa thương hiệu, tiếng thơm bay khắp gần xa.

Lê Ngọc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang