• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khả năng sẽ “giải cứu” nhiều nông sản

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 04/08/2017
Ngày cập nhật: 6/8/2017

Những năm gần đây, do hiệu quả từ cây thanh long, mãng cầu xiêm mang lại khá cao nên nhiều nông dân ở các tỉnh ĐBSCL mạnh dạn phá bỏ ruộng lúa và nhiều loại cây trồng khác để chuyển sang trồng loại cây này.

Thanh long giúp nhiều nông dân làm giàu. Ảnh: H.T N

Mang lại hiệu quả cao

Long An là địa phương có diện tích thanh long nhiều nhất ở ĐBSCL với khoảng 8.000ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành. Theo UBND xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, sau gần 6 năm chuyển đổi từ đất lúa sang trồng thanh long đã giúp nhiều hộ vươn lên khá giả. Thống kê cho thấy, bình quân mỗi héc-ta thanh long ruột trắng cho thu nhập từ 200-400 triệu đồng/năm, thanh long ruột đỏ từ 500-600 triệu đồng/năm trở lên, cao gấp nhiều lần so với cây lúa. Chính từ hiệu quả đó mà diện tích thanh long tăng lên không ngừng với khoảng 1.200ha, phủ một màu xanh bạt ngàn trong xã. Tại các xã Dương Xuân Hội, An Ngọc Long, Long Trì…, cây thanh long càng lúc càng khẳng định lợi thế về hiệu quả kinh tế mang lại.

Ông Đỗ Phúc Cát, ở xã Dương Xuân Hội, bộc bạch: “Trước đây, trồng thanh long ruột trắng và mức lợi nhuận cũng tương đối khá. Tuy nhiên, khi được các chuyên gia ngành nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ nhằm đa dạng cây trồng ở huyện Châu Thành nên tôi làm theo và kết quả rất tốt. Thanh long ruột đỏ tuy năng suất chỉ bằng 2/3 thanh long ruột trắng nhưng bù lại giá bán cao hơn gấp 2-3 lần, bởi chất lượng ngon hơn. Cũng nhờ giá cao mà những hộ trồng trúng có thể đạt doanh thu cả tỉ đồng/ha/năm”. Ông Nguyễn Văn Thình, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tiết lộ: “Thanh long là cây cho thu nhập cao nhất hiện nay ở huyện, nhờ đó mà thời gian qua có hàng ngàn hộ thoát nghèo bền vững. Một khi người dân có đời sống cải thiện thì phong trào xây dựng nông thôn mới được nhiều người hưởng ứng mạnh mẽ. Mục tiêu của Châu Thành phấn đấu đến năm 2018 sẽ xây dựng huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An”.

Tại Tiền Giang, người dân cũng rất phấn khởi với hiệu quả của cây thanh long vì giúp nông dân lời đậm. Từ việc chuyên canh thanh long mà rất nhiều người dân xây dựng được nhà tường khang trang, mua sắm tiện nghi và có điều kiện nuôi con ăn học. Theo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, sản lượng thanh long hiện đạt 100.000 tấn/năm. Trồng thanh long mà nhiều hộ dân ở các xã Quơn Long, Tân Thuận Bình, Mỹ Tịnh An… khá giả, nhất là thanh long vụ nghịch cho hiệu quả rất cao.

Còn ở Hậu Giang, thời gian gần đây, không ít người dân đua nhau phá bỏ vườn tạp, đốn các loại cây trồng khác, lựa chọn cây mãng cầu xiêm để trồng. Tuy nhiên, trước việc trồng tự phát, không theo khuyến cáo của ngành chức năng địa phương, khả năng một thời gian sẽ dội chợ vì đầu ra của loại nông sản này còn khá bấp bênh. Chuyển đổi đất ruộng sang trồng mãng cầu xiêm hơn 4 năm, ông Nguyễn Văn Nhâm, ở ấp Cái Côn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, cho hay: “Nếu với giá thu mua 13.000-15.000 đồng/kg, người trồng mãng cầu xiêm có thể thu lợi nhuận từ 3.000-5.000 đồng/kg. Chính vì ưu điểm đó, vài năm trở lại đây, cây mãng cầu xiêm luôn là tâm điểm cho những hộ làm vườn sau này lựa chọn trồng”.

Theo ông Nhâm, từ năm 2012, ông đã bắt đầu chuyển đổi 5 công mía kém hiệu quả chuyển sang trồng mãng cầu xiêm. Sau 3 năm, vườn mãng cầu nhà ông bắt đầu ra hoa, cho trái, sản lượng ước đạt 10 tấn, bán với giá 30.000-35.000 đồng/kg, thu lãi hơn 100 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí mỗi năm. Cũng từ đó, ông không ngừng mở rộng diện tích và đến nay ông đã sở hữu được 11 công mãng cầu xiêm (có 4 công trồng mới), năng suất ước đạt 15 tấn trái/năm.

Vừa mừng, vừa lo

Trong mấy năm qua, chưa có loại cây trồng nào đem lại cho nông dân lợi nhuận cao bằng cây thanh long. Cũng từ đó mà hiện nay nhiều hộ ở ĐBSCL mạnh dạn bỏ lúa để trồng thanh long. Tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), năm 2010 diện tích thanh long chỉ hơn 2.000ha, nay đã lên 6.000ha; trong đó riêng năm 2016 có khoảng 500ha thanh long được trồng mới. Theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, cây thanh long là một trong những cây được ưu tiên phát triển. Kế hoạch đến năm 2020, diện tích trồng thanh long của tỉnh Tiền Giang ước đạt hơn 8.000ha; đến năm 2025 đạt khoảng 10.000ha… Còn ở huyện Châu Thành (Long An), nếu như năm 2010 chỉ có khoảng 1.000ha thanh long thì nay diện tích thanh long đạt khoảng 7.400ha. Trung bình mỗi năm người dân đã bỏ hàng trăm héc-ta lúa để trồng thanh long.

Trong khi ở Trà Vinh, diện tích thanh long cũng liên tục mở rộng. Đồng Tháp là tỉnh lâu nay không trồng thanh long thì giờ đây loại cây tiềm năng này đã mọc lên nhiều nơi. Do nhiều nơi trồng thanh long nên nảy sinh vấn đề vừa mừng vừa lo. Trong đó, quan tâm nhất là liệu cây thanh long thật sự tiếp tục giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững, hay chỉ là nhất thời, ăn may bởi mấy năm qua cũng có những lúc thanh long rớt giá, người trồng lao đao. Các nhà chuyên môn lưu ý, hạn chế hiện nay là thanh long chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi nước này cũng đang mở rộng diện tích trồng, nếu thị trường này gặp trở ngại thì người trồng sẽ khó khăn. Để trái thanh long “dễ thở”, cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng thêm nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào vùng chuyên canh thanh long để tìm đầu ra ổn định, nhất là xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng như Nhật Bản, Mỹ, châu u…

Trong khi đó, ông Trần Hoài Phong, Giám đốc HTX Mãng cầu xiêm Thuận Hòa, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho rằng từ thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, không khí chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây mãng cầu xiêm của người dân nơi đây ngày càng nhộn nhịp. Chỉ qua hơn 4 tháng thành lập, số lượng thành viên đăng ký tham gia vào HTX đã lên đến 50 hộ, tăng gần 30 hộ và tổng diện tích trồng mãng cầu xiêm đạt 53ha, tăng khoảng 25ha so với thời gian trước đây, năng suất ước đạt trên 1.000 tấn/năm. Đây là tín hiệu vừa mừng lại vừa lo, bởi với sản lượng này, cơ sở thu mua nhỏ lẻ tại địa phương sẽ không thể thu gom hết. HTX đã cố gắng tìm các chủ vựa trái cây trong và ngoài tỉnh đến bao tiêu sản phẩm nhưng vẫn chưa đạt theo ý muốn.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hơn 2 năm nay, phong trào trồng mãng cầu xiêm phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh ưu điểm thì trồng cây mãng cầu xiêm vẫn còn rất nhiều rủi ro. Chẳng hạn, cây dễ bị bệnh thối rễ chết cành, sâu đục thân gây hại… Chưa kể, các tỉnh lân cận người dân trồng mãng cầu xiêm với số lượng rất nhiều, trong khi đó, tình hình tiêu thụ của loại trái cây này trên thị trường thiếu ổn định, giá bán bấp bênh. Với góc độ quản lý chuyên môn, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tự phát trồng ồ ạt sẽ gặp khó về đầu ra. Đối với những vườn đang cho trái, người dân thường xuyên thăm và chăm sóc, nhất là hạn chế để trái nhiều, tránh làm suy kiệt sức sống của cây.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, đến nay, trên địa bàn tỉnh, diện tích trồng mãng cầu xiêm khoảng 500ha, năng suất ước đạt 100.000 tấn/năm.

H.Tân - C. Vũ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang