• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hướng đi mới từ cây cam

Nguồn tin: Báo An Giang, 01/08/2017
Ngày cập nhật: 2/8/2017

Xuất phát từ đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, những nông dân tại thị trấn Chợ Vàm đang có được thành công bước đầu với cây cam. Đây là mô hình được đánh giá cao, hứa hẹn mang đến thu nhập ổn định cho người dân.

Chỉ tay về vườn cam đang sai trái của mình, anh Phan Đức Huy - nông dân tại thị trấn Chợ Vàm, phấn khởi: “Tuy chỉ mới làm quen với mô hình trồng cam nhưng tôi khá tự tin vào kết quả đạt được. Trước đây, mảnh đất 2.500m2 này chỉ là đất vườn tạp. Khi được Hội Nông dân thị trấn vận động, tôi đã quyết tâm cải tạo và bắt tay trồng giống cam sành. Hiện nay, vườn cam đang phát triển tốt và sẽ thu hoạch lứa trái đầu tiên vào tháng 9, tháng 10 (âm lịch)”.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam của mình, anh Huy không giấu được niềm phấn khởi. Anh luôn tay nâng niu từng cành cam trĩu quả như những “đứa con cưng” của mình. Để có được thành quả hôm nay, anh đã lặn lội khắp nơi, đến những vùng đất được xem là “thủ phủ” của cây cam như: Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre để học nghề. “Tôi được Hội Nông dân huyện Phú Tân tạo điều kiện đến tham quan, học hỏi mô hình trồng cam ở các tỉnh miệt vườn. Bản thân cũng mê loại cây có múi này nên quyết lòng đi tìm hiểu thêm. Được anh em chỉ bảo cùng với sự tìm tòi của bản thân, tôi mới có kết quả hôm nay. Tôi nghĩ, nếu không mạnh dạn chuyển đổi cây trồng thì không thể khai thác hiệu quả từ mảnh vườn tạp của mình”- anh Huy chia sẻ.

Anh Huy và vườn cam trĩu quả

Hiện tại, anh Huy đã đầu tư hơn 150 triệu đồng vào vườn cam sành khoảng 1.000 gốc của mình. Dù mức đầu tư không nhỏ nhưng anh Huy vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình. Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chợ Vàm Dương Bảo Lộc cho biết: “Điều kiện thổ nhưỡng ở Chợ Vàm khá phù hợp với cây cam, đặc biệt là cam sành. Hiện tại, anh Huy là người tiên phong thực hiện mô hình này. Tuy nhiên, đã có vài hộ lân cận cũng bắt đầu “làm quen” với cây cam như Dương Văn Nghĩa, Trần Hữu Tâm. Ngoài việc vận động bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chúng tôi còn liên hệ với ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật canh tác và cho nông dân vay vốn”.

Đến nay, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân nhằm “tiếp sức” cho cây cam tại Chợ Vàm. Theo anh Dương Bảo Lộc, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương hiện nay là 18 héc-ta, chủ yếu là cây cam và xoài cát Hòa Lộc. Trong đó, cây cam dù chiếm diện tích không lớn nhưng được đánh giá là mô hình có hiệu quả cao. “Theo những chủ vườn ở Vĩnh Long, Bến Tre thì cam sành có thể đạt năng suất 5 - 7 tấn/công. Với mục đích phục vụ thị trường tại chỗ và các vùng lân cận, vườn cam của anh Huy sẽ hướng đến đầu ra ổn định. Tuy nhiên, về lâu dài cần có phương án kết nối đầu ra ổn định khi diện tích vườn cam tăng lên. Do đó, việc thành lập Tổ hợp tác trồng cam tại Chợ Vàm là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo hướng đi bền vững cho loại cây này” - ông Lộc phân tích.

Nói về công tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Nguyễn Phi Công (Hội Nông dân huyện Phú Tân) thông tin: “Không chỉ riêng Chợ Vàm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà tất cả xã, thị trấn của huyện đều triển khai. Trong đó, nổi bật là mô hình trồng cam và xoài cát Hòa Lộc ở Chợ Vàm, trồng quýt, trồng măng điền trúc ở Phú Bình. Năm 2017, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi cây trồng được 140 héc-ta, chủ yếu là cây ăn trái. Chúng tôi đã hỗ trợ cho 22 nông dân thực hiện đề án này trên toàn huyện với số tiền 320 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục vận động nông dân tiếp cận những cây ăn trái mới để hướng đến nguồn thu cao hơn”.

Với kết quả đạt được, anh Phan Đức Huy tiếp tục phát triển mô hình trong tương lai. Anh Huy khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam bởi việc tận dụng vườn tạp để trồng cây ăn trái là hướng đi hợp lý. Mong rằng, người nông dân sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ địa phương và ngành chuyên môn để cây cam có thể giúp chúng tôi phát triển kinh tế ổn định trong thời gian tới”.

Thanh Tiến

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang