• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vì sao 'con gà Thái hơn hẳn gà Việt'?

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 22/01/2016
Ngày cập nhật: 23/1/2016

Nhìn bằng mắt thường, con gà nuôi ở Thái Lan không khác con gà nuôi ở Việt Nam. Nhưng vì sao gà Thái lại có giá trị gia tăng cao hơn nhiều gà Việt?

Ông Hoàng Thanh Vân (ảnh), Cục trưởng Cục Chăn nuôi, người vừa cùng tham gia đoàn công tác tại Thái Lan do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Vũ Văn Tám dẫn đầu đã mổ xẻ vấn đề này sau khi đoàn mục sở thị một số vùng chăn nuôi, chế biến gà thịt xuất khẩu của Tập đoàn C.P.

Miễn toàn bộ phí, lệ phí

Thái Lan hiện đã chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu thịt gà tại những quốc gia khó tính bậc nhất thế giới (như Nhật Bản và EU), với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4,5 tỷ USD/năm. Họ đã dùng “đôi đũa thần” nào để “chế biến” thịt gà cho những thực khách sành ăn nhất.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, thành quả đó của Thái Lan không phải từ trên trời rơi xuống. Cần nhớ rằng, từ năm 1963, Thái Lan đã ban hành Luật Quản lý Giống vật nuôi. Trải qua hơn 50 năm nó vẫn có hiệu lực rất tốt. Mãi sau này, chúng ta mới sang học tập kinh nghiệm của nước bạn để xây dựng Pháp lệnh Giống vật nuôi (ban hành năm 2004).

Họ xây dựng một hệ thống quản lý chăn nuôi vô cùng chặt chẽ. Bất cứ cá nhân, đơn vị nào muốn xây dựng trại chăn nuôi xuất khẩu cũng phải xin Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan (tức là cấp quản lý Trung ương chứ không phải cấp tỉnh) cấp phép, và chịu sự giám sát trực tiếp của ít nhất cán bộ trực thuộc Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan về quy mô, chủng loại vật nuôi, quy trình chăm sóc, vận chuyển và quản lý dịch bệnh.

Nếu Việt Nam đưa quy định này vào hệ thống văn bản pháp luật thì rất tốt. Nhưng nó lại vướng Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Bởi đây là hoạt động có điều kiện.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh của Tập đoàn C.P tại Thái Lan

Bài học thứ hai chúng ta học được từ người Thái là tất cả công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm chăn nuôi (kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra an toàn thực phẩm, đóng dấu…) đều được Nhà nước đài thọ. Doanh nghiệp xuất khẩu không phải trả bất cứ một chi phí nào cho Cục Phát triển chăn nuôi.

Nếu nước ta làm được như vậy thì sẽ không còn tình trạng báo chí phản ánh một con gà “cõng” hàng chục loại phí, lệ phí hay “đếm trứng tính tiền” như ở nước ta. Bởi, một khi không dính dáng đến chuyện tiền bạc, cơ quan chức năng có thể kiểm tra đột xuất và đóng dấu bất cứ sản phẩm nào theo quy định của nhà nước.

Đây cũng là một động lực để nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Khi họ không phải lo về cơm, áo, gạo, tiền nữa, họ sẽ làm đúng luật. Những đơn vị có hành vi sai trái sẽ bị xử phạt nghiêm minh chứ không có chuyện “thỏa hiệp” với cán bộ công chức nhà nước.

Không sử dụng thuốc kháng sinh

Ông Hoàng Thanh Vân chia sẻ, các trang trại chăn nuôi gà xuất khẩu ở Thái Lan, điển hình như C.P được thiết lập vô cùng kỳ công. Họ chuyên nghiệp hóa từ khâu nhỏ nhất đến khâu lớn nhất.

Từ anh giữ cổng hướng dẫn hoạt động ra vào hợp lý để không mất an toàn dịch bệnh, cán bộ kỹ thuật nào làm nhiệm vụ ấy, và tuyệt đối chấp hành kỷ luật đã được “lập trình” từ trước.

Người lao động trong trại phải được khử trùng tuyệt đối; ăn, ở tại chỗ trong khoảng thời gian nhất định mới được đổi ca cho người khác chứ không phải nay anh vào, mai anh lại về nhà, ngày kia anh lại đến hoặc đi lung tung để lây nhiễm bệnh tật cho vật nuôi.

Vì thế, các trang trại chăn nuôi ở Thái Lan không cần sử dụng đến thuốc kháng sinh, nhưng vật nuôi vẫn được bảo vệ sức khỏe cực kỳ tốt.

Doanh nghiệp xuất khẩu muốn sản xuất bao nhiêu con, giết mổ bao nhiêu con gà/tháng phải có thông báo số lượng rõ ràng lên Cục Phát triển chăn nuôi.

Và lộ trình vận chuyển gia súc, gia cầm từ lúc ấp nở/sinh sản đến khu vực chăn nuôi, chế biến, bảo quản, xuất khẩu đều được giám sát bằng GPS (hệ thống định vị toàn cầu).

Đồng thời, đơn vị xuất khẩu phải đăng ký với cơ quan nhà nước số lượng, biển kiểm soát xe tham gia vào quá trình vận chuyển. Lộ trình di chuyển ra sao, quãng đường bao nhiêu cây số phải thực hiện nghiêm túc, không được đi sai.

Tất cả được chế biến chín

Theo ông Vân, phần lớn lượng xuất khẩu thịt gà của Thái Lan thuộc về Tập đoàn C.P. Hiện doanh nghiệp này có 3 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tập trung. Một vùng ở phía đông Thái Lan, một vùng xung quanh thủ đô Bangkok và 1 vùng ở phía Tây Bắc. Mỗi vùng đều có 1 nhà máy chế biến.

Người đứng đầu một nhà máy chế biến thịt gà lớn nhất của Tập đoàn C.P tại Thái Lan cho biết, một ngày họ có thể chế biến 350.000 con gà. Có nghĩa là 1 năm chỉ riêng công ty này đã xuất ra thị trường hơn 100 triệu con gà.

Điều đặc biệt, tất cả các sản phẩm gà xuất khẩu của Thái Lan đều được làm chín, đóng túi ni lông và hút chân không. Họ không xuất thịt tươi sống. Vì thế, sản phẩm của họ có thể lọt qua các hàng rào kỹ thuật rất dễ dàng.

Còn ở nước ta chủ yếu là giết thịt, đưa vào trữ đông lạnh rồi xuất khẩu nên phải chịu sự kiểm tra hàng trăm chỉ tiêu.

Một vị Phó Chủ tịch Tập đoàn C.P nói với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT Việt Nam rằng: “Chúng tôi có thể đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của các nước nhập khẩu. Và chúng tôi hướng tới một doanh nghiệp sản xuất xanh của thế giới. Tức là bất cứ thị trường nào cũng có thể chấp nhận được sản phẩm của chúng tôi".

Nhà nước “gác cổng” thị trường

Ở Thái Lan có Hiệp hội Xuất nhập khẩu gia cầm. Nhưng tổ chức này được thành lập hoàn toàn tự nguyện. Các thành viên không phải đóng phí gia nhập hiệp hội.

Nhà nước cũng không cấp tiền để “nuôi” mà hỗ trợ bằng cách tổ chức xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp trong nước và các đối tác nước ngoài; xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và giám sát các khâu sản xuất đảm bảo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Một con gà của Thái Lan và một con gà của Việt Nam đặt cạnh nhau thì không ai phân biệt được. Nhưng chẳng ai biết con gà của Việt Nam được nuôi như thế nào, có sạch bệnh không, tồn dư kháng sinh ra sao. Còn con gà của họ nhận được sự giám sát rất nhiều khâu từ cơ quan chức năng. Nên con gà của người ta được người tiêu dùng chấp nhận”, ông Vân nói.

MINH PHÚC

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang